Chiều sâu đội hình của tuyển Pháp không như tưởng tượng

Hải Phong 01/12/2022 14:58

HLV Deschamps mang đến Qatar đội hình nhiều hảo thủ, vốn được đánh giá luôn có 1-2 nhân tố đẳng cấp thay thế cho mỗi vị trí trên sân. Nhưng trận thua Tunisia đã phơi bày tất cả.

Gặp Tunisia ở trận cuối vòng bảng, Pháp có tới 9 sự thay đổi người so với trận thắng Đan Mạch trước đó. HLV Deschamps muốn cho các cầu thủ trụ cột nghỉ ngơi với chiến thuật xoay vòng đội hình, đồng thời kiểm chứng khả năng của đội hình B mà ông rất tự tin.

9/11 cầu thủ dự bị của Pháp được ra sân ngay từ đầu. Chỉ có Raphael Varane và Aurelien Tchouameni là hai cầu thủ đá chính trong các trận vừa qua. Ảnh: Getty

Pháp là đội bóng duy nhất ở World Cup 2022 chỉ có 25 tuyển thủ, thay vì danh sách đăng ký gồm 26 cầu thủ như các đội tuyển khác. Điều đó phần nào cho thấy Deschamps rất tự tin với nhân sự ông hiện có.

Quyết định của Deschamps giúp tuyển Pháp ghi nhận một số kỷ lục. Hậu vệ Axel Disasi lần đầu tiên ra mắt màu áo Les Bleus, thủ thành Steve Mandanda trở thành cầu thủ lớn tuổi nhất (37 tuổi 247 ngày) từng khoác áo đội tuyển. Và khi William Saliba vào sân từ băng ghế dự bị, Deschamps ghi dấu ấn khi đã tung cầu thủ thứ 24 vào sân thi đấu ở Qatar - lập kỷ lục World Cup.

Nhưng tất cả những kỷ lục trên đã không thể cứu vãn mình trình diễn rời rạc với toàn nhân tố B của đội tuyển Pháp. Quá nhiều sự thay đổi, cùng sự thiếu ăn ý từ 11 vị trí đến từ 9 CLB khác nhau khiến Les Bleus chơi thiếu kết dính trong hiệp một. Họ thậm chí chỉ có 4 lần chạm bóng trong vòng cấm đối phương, so với 9 của Tunisia. Pháp cũng chỉ tung ra hai cú sút đều không trúng đích, một kỷ lục buồn của họ từ World Cup 1966.

11 cầu thủ ra sân của Pháp ở trận thua Tunisia đến từ 9 CLB khác nhau.

Hệ thống 4-3-3 với Matteo Guendouzi (một tiền vệ) đá tiền đạo cánh, Eduardo Camavinga (một tiền vệ khác) chơi ở vị trí hậu vệ cánh trái đã không mang lại hiệu quả cho Pháp. 4 năm trước tại Nga, Deschamps cũng xoay tua đội hình ở lượt trận đấu bảng cuối cùng, hòa Đan Mạch 0-0. Đó là trận đấu được đánh giá nhàm chán nhất, chất lượng chuyên môn thấp nhất của cả giải đấu. Lần này tại Qatar, không rõ vô tình hay hữu ý, Deschamps lại tái hiện chiến thuật ấy.

Cũng không thể đổ hết trách nhiệm lên Deschamps vì trận thua Tunisia. Trên thực tế, đây là cơ hội để rất nhiều cầu thủ dự bị tuyển Pháp thể hiện mình, tranh giành suất đá chính thay vì chỉ đóng vai trò chữa cháy. Nhưng họ đã gây thất vọng.

Ngoại trừ Ibrahima Konate chơi chắc chắn ở tuyến dưới, Kolo Muani chơi xông xáo, đầy nỗ lực và tạo ra một số tình huống tấn công nguy hiểm, tất cả các vị trí còn lại đều đá dưới kỳ vọng. Camavinga, trong ngày đá hậu vệ trái không phải sở trường, đã gặp ác mộng thực sự. Ngay cả Youssouf Fofana, học trò cưng được Deschamps đánh giá cao, lại chơi ở vị trí sở trường trên hàng tiền vệ, cũng không thể hiện được giá trị. Tương tự là những cái tên như Matteo Guendouzi, Jordan Veretout, Axel Disasi và đặc biệt là Kingsley Coman - tiền đạo cánh đang cạnh tranh suất ra sân với Ousmane Dembele.

Ngay cả khi Deschamps đưa “siêu tiền đạo” Kylian Mbappe (đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới với 3 bàn) và người đá cặp ăn ý Antoine Griezmann vào sân, Les Bleus vẫn không có nổi cú sút trúng đích nào cho đến phút 82.

Thua trận nhưng may mắn vẫn giữ được ngôi đầu, HLV Deschamps rõ ràng vẫn không thể lạc quan với chiều sâu đội hình. Ảnh: Getty

Tưởng chừng sự bế tắc của Pháp đã được tháo gỡ ở cuối trận, thì VAR lại không công nhận bàn thắng của Griezmann, chấm dứt chuỗi 6 trận thắng tại World Cup của Les Bleus. Đây cũng là thất bại đầu tiên của đoàn quân áo lam, sau trận thua Đức ở tứ kết World Cup 2014. Trận thua chứng minh, đội tuyển Pháp không có chiều sâu đội hình tốt như tưởng tượng.

Đối thủ tại vòng 16 đội của Pháp là Ba Lan, trận đấu diễn ra vào 4/12. Một màn trình diễn đáng thất vọng khác có thể khiến nhà đương kim vô địch sớm kết thúc hành trình bảo vệ ngôi vương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiều sâu đội hình của tuyển Pháp không như tưởng tượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO