Chính phủ trình Quốc hội Luật về rừng và biển

Việt Thắng 07/06/2017 06:00

Ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) quy định về tổ chức cộng đồng quản lý hoạt động thủy sản phù hợp với nguyện vọng ngư dân.

Phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản xa bờ

Theo Bộ trưởng Cường, sau 13 năm triển khai thực hiện Luật Thuỷ sản 2003 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: một số quy định chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của ngành Thuỷ sản Việt Nam như: Quy định về điều tra nghiên cứu nguồn lợi thủy sản; cấp phép khai thác thủy sản, khái niệm về tàu cá và tiêu chí quản lý tàu cá quản lý giấy phép khai thác thủy sản; một số nội dung chưa được quy định trong Luật như: Quy định về điều kiện đối với nuôi trồng thủy sản không dùng làm thực phẩm; quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, quy định về Kiểm ngư.

Để khắc phục được các bất cập, đồng thời nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và phát triển thủy sản nói riêng; đặc biệt là Nghị quyết 09-NQ/TW năm 2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 26-NQ/TW năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, việc tiến hành sửa đổi Luật Thuỷ sản 2003 là hết sức cần thiết.

Điểm mới của Luật lần này, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là quy định về tổ chức cộng đồng quản lý hoạt động thủy sản. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tham gia quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cộng đồng ngư dân; là giải pháp nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng ngư dân; giảm thiểu hoạt động khai thác nguồn lợi mang tính hủy diệt và tránh được xung đột trong và ngoài cộng đồng và phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng ngư dân.

Thay mặt cơ quan thẩm tra Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu để bổ sung nội dung về khai thác ngoài vùng biển Việt Nam cho phù hợp; các quy định cần được chi tiết hơn, cần được xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết cũng như các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương với các nước liên quan. Đặc biệt Ban soạn thảo cần xem xét để thể hiện có 1 chương riêng về quản lý nhà nước trong hoạt động thủy sản trên cơ sở tách Điều 7 và quy định rõ hơn về chức năng, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.

Tán thành với Dự thảo Luật quy định các chính sách về đầu tư, hỗ trợ kinh phí, chính sách khuyến khích cho các hoạt động thuỷ sản, tuy nhiên, ông Dũng đề nghị, trong bối cảnh nguồn lợi thuỷ sản hiện nay ngày càng cạn kiệt, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản gần bờ gặp nhiều khó khăn thì việc đề ra chính sách phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc phòng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần có các chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong chuỗi các hoạt động thủy sản, phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững.

Bổ sung quy định về tổ chức bảo vệ rừng chuyên trách

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Theo Bộ trưởng, Luật lần này sửa đổi những quy định về trách nhiệm bảo vệ rừng của UBND các cấp như: có thẩm quyền huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn để ứng phó khẩn cấp chữa cháy rừng. Đồng thời bổ sung quy định mới về tổ chức bảo vệ rừng chuyên trách như: Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ không có tổ chức Kiểm lâm; doanh nghiệp, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao, cho thuê rừng và đất rừng được thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách;

Thẩm tra Dự án Luật trên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, một số ý kiến ĐBQH đề nghị cần phải quy định cụ thể, rõ ràng ngay trong Dự thảo Luật những trường hợp được chuyển mục đích sử dụng rừng gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Việc trồng rừng thay thế bằng các phương thức phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi; Cần rà soát lại quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, quy định này chưa bảo đảm thống nhất với quy định chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu để cụ thể hơn về tiêu chí, điều kiện, trình tự thủ tục, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng; cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong việc không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác, trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ trình Quốc hội Luật về rừng và biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO