Chính phủ vì dân

Tinh Anh 08/10/2021 11:30

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, không chỉ có các doanh nghiệp gặp khó khăn, đời sống người dân cũng lao đao khốn khổ. Thấu hiểu điều đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, học sinh, sinh viên... để có thể vượt qua khó khăn trước mắt.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116 hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng kinh phí lên tới 38.000 tỷ đồng. Mục tiêu hướng tới là kịp thời hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động nhằm chia sẻ, giúp họ khắc phục khó khăn trên nguyên tắc công bằng, đơn giản, nhanh chóng.

Theo đó, người sử dụng lao động sẽ được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những đối tượng đang tham gia BHTN (tính từ tháng 10/2021 đến cuối tháng 9/2022). Như vậy, hầu hết các đơn vị sử dụng lao động đều được hưởng gói hỗ trợ này, trừ đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, lực lượng vũ trang...

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự hạch toán nếu được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tự chủ tài chính thì cũng sẽ được hưởng hỗ trợ giảm mức đóng BHTN như các đối tượng sử dụng lao động trên. Như vậy, ngoài các cơ quan hưởng ngân sách nhà nước, còn lại hầu hết các chủ sử dụng lao động đều được hỗ trợ giảm đóng BHTN.

Cũng giống như chủ sử dụng lao động, người lao động đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động làm việc ở khu vực Nhà nước) sẽ được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116 của Chính phủ. Tùy theo thời gian đóng BHTN nhiều hay ít, người lao động sẽ được hưởng số tiền trợ cấp tương ứng.

Bên cạnh gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng, Chính phủ mới đây cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, con gia đình có bố hoặc mẹ chết do dịch Covid-19. Theo dự kiến, khoảng 3.500 tỷ đồng sẽ được dành để hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng trên mua máy tính đảm bảo việc học trực tuyến có hiệu quả.

Trước gói hỗ trợ 3.500 tỷ đồng này, các học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo cũng đã được hỗ trợ bởi chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tuy nhiên, do chương trình là phát tâm thiện nguyện nên không thể đảm bảo “bao phủ” được hết các đối tượng thụ hưởng, cũng không thể đảm bảo kịp cho các cháu bước vào năm học mới.

Đó là lý do Chính phủ dành hẳn gói hỗ trợ 3.500 tỷ đồng được trích ra từ gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, để hỗ trợ mỗi học sinh, sinh viên (mức tối đa 7 triệu đồng/người), con của gia đình có bố hoặc mẹ chết do dịch Covid-19 mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến. Đây là sự quan tâm thiết thực của Chính phủ dành cho thế hệ mầm non tương lai, không để các cháu gián đoạn việc học tập.

Trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ hầu hết các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cũng bởi sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời đó mà nhiều doanh nghiệp có thể trụ vững, cầm cự qua khó khăn để dần phục hồi sản xuất, hướng tới phát triển khi cơ bản khống chế và kiểm soát dịch.

Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng không một người dân nào bị thiếu đói, không có ai bị đứt bữa nhờ sự quan tâm hỗ trợ đúng thời điểm của Chính phủ. Quan điểm của Chính phủ luôn nhất quán trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là kiên quyết không để ai bị bỏ lại phía sau dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó chính là một Chính phủ kiến tạo, hết lòng vì nhân dân phục vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ vì dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO