Cắt giảm thủ tục hành chính gắn với quyền lợi của các ngành

N.Khánh 15/05/2019 22:43

Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, phiên họp của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã diễn ra hôm 15/5. Nhiều ý kiến tại phiên họp yêu cầu đẩy mạnh việc cắt giảm các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục gắn với quyền lợi của các bộ, ngành.

Cắt giảm thủ tục hành chính gắn với quyền lợi của các ngành

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp.

Không thể mỗi bộ giải quyết một kiểu

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI đề nghị: Cần giảm bớt điều kiện bất hợp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), cạnh tranh quốc gia. Muốn như vậy các thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, bảo hiểm thuế… phải tiếp tục triển khai rốt ráo, phải có hướng dẫn cho đối tượng thực thi để họ thực hiện đúng luật và đặc biệt, khi ban hành các quy định, các điều luật phải dễ hiểu, dễ thực thi, dễ kiểm soát.

“Việc cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC) thừa, thiếu trong bộ TTHC của các cơ quan thực thi chính sách đã qua rồi, giờ cải cách hành chính giai đoạn tới phải tiếp tục tạo bước đột phá, đột phá vào những vấn đề khó, cắt giảm các TTHC gắn quyền lợi của các ngành” – ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa nói. Theo ông Tô Hoài Nam, ngoài mục tiêu cắt giảm số lượng các TTHC, cần tập trung vào mục tiêu thời gian vì thực tế TTHC được cắt giảm nhưng thời gian thì không. Trong khi đó, đối với DN thời gian là yếu tố hết sức quan trọng.

Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: Chúng ta ban hành nhiều chính sách, bãi bỏ thủ tục, nhưng thực hiện các chính sách, ban hành rất hay nhưng thực hiện khó vô cùng, mỗi địa phương thực hiện theo một cách, mỗi bộ ngành giải quyết theo một kiểu thì vô hiệu hóa nhiều sáng kiến hay. Đối thoại mạnh mẽ chính sách giữa các ngành với nhau, phải nói “toạc” ra để tháo gỡ, nhưng trên cơ sở quyền lợi của quốc gia là trên hết chứ không phải lợi ích của từng ngành.

Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Thiên Minh cho rằng: TTHC có nhiều chuyển biến nhưng nhiều vấn đề đưa ra nhiều năm rồi vẫn chưa giải quyết, điều đó chứng tỏ đối thoại vẫn còn hình thức. Phải giám sát để sao vấn đề vấn đề cụ thể nào đó đưa ra để đối thoại, có cơ quan chức năng xác nhận cần tháo gỡ khó khăn thì phải giải quyết dứt điểu chứ không để thực trạng tồn tại nhiều năm, nói tháo gỡ 2, 3 năm nhưng vẫn giẫm chân tại chỗ.

Minh bạch hóa, đối thoại để gỡ khó

Khẳng định rằng không có chuyện đối thoại xong rồi để đấy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, những vướng mắc liên quan đến vấn đề chính sách mà chính sách đó thuộc thẩm quyền của Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ gần nhất. Nếu thuộc thẩm quyền của bộ nào, yêu cầu bộ đó có phương án xử lý và Tổ công tác, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC sẽ giám sát việc sửa đổi này. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thừa nhận, trên thực tế có việc nói đi nói lại vẫn chưa được tháo gỡ, nhưng sắp tới sẽ phân cấp thẩm quyền để giải quyết dứt điểm. Phải minh bạch trách nhiệm giải trình, đã hứa là phải thực hiện.

Về vấn đề phối hợp trong thực hiện cải cách TTHC, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, quy chế phối hợp đã nêu rất rõ rằng cần tuân thủ quy chế để thực hiện cho tốt. Tuy nhiên, hình thức tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân, DN cần phải đổi mới hơn nữa. Theo đó, phải chuẩn bị kỹ các nội dung, tổng hợp các vấn đề vướng mắc từ các phiên trước xem cụ thể vướng mắc ở điểm nào, trong luật nào, nghị định nào, thông tư nào để người dân, DN phản ánh cụ thể vào những vấn đó.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, năm 2019, UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan giám sát 2 nội dung quan trọng. Đó là phối hợp giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan và phối hợp với Bộ Nội vụ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam giám sát đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. “Chúng tôi sẽ giám sát quá trình cắt giảm các TTHC trong thời gian tới xem giảm chưa, giảm thế nào, có thực chất không. MTTQ các cấp sẽ lắng nghe các ý kiến, có đề xuất cụ thể để các bộ tiếp tục rà lại các TTHC để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thời gian tới” – Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nói.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị cần tăng cường đối thoại chính sách để xem các địa phương, DN phản ánh vướng mắc về vấn đề gì, mắc ở chính sách hay là do lề lối làm việc. Phải đối thoại để nhận diện đúng bản chất vấn đề để cùng tháo gỡ. Theo đó, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC phải tư vấn các chính sách mang lại lợi ích hiệu quả thiết thực, tập trung vấn đề thể chế, trọng tâm liên quan đến hoạt động sản xuất của DN như thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận vốn… là hết sức quan trọng. Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân trong giải quyết công việc. Vấn đề này hiện nay đã chuyển biến, nhưng DN vẫn còn bị gây nhũng nhiễu. Phải khắc phục tình trạng này, sắp tới phải triển khai sao cho có hiệu quả để lan tỏa trong bộ máy nhà nước, trong đời sống xã hội để tạo sự chuyển biến mới, tích cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cắt giảm thủ tục hành chính gắn với quyền lợi của các ngành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO