Quyết sách để đạt mục tiêu tăng trưởng

Nguyên Khánh 05/07/2019 06:02

“Không để tình trạng cán bộ nói hay làm dở, làm chậm, trách nhiệm thấp khiến cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi… Các thành viên Chính phủ cần đưa ra đối sách, giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả, kiên quyết, không ai bàn lùi mà phải bàn tiến để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, ngày 4/7.

Quyết sách để đạt mục tiêu tăng trưởng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất

Tại Hội nghị, vấn đề cắt giảm các điều kiện kinh doanh tập trung sự thảo luận của các thành viên Chính phủ. Ngay tại phiên họp, Thủ tướng phê bình việc cắt giảm điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ chưa có bước tiến thực chất, nhiều điều kiện kiểm tra chuyên ngành còn bất cập, gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. “Tình trạng nói hay, làm dở, chuyển lòng vòng, rồi cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi... vẫn còn. Các cấp ngành chấn chỉnh ngay” - Thủ tướng yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận xét việc giảm điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành chưa biến chuyển đáng kể trong quý II. Nghị quyết 02 về cắt giảm điều kiện kinh doanh đưa ra yêu cầu trước ngày 30/6, các bộ, ngành phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, song thực tế, chưa đạt yêu cầu.

Nhận định thủ tục hành chính còn chồng chéo, bất cập, gây khó khăn trong quản lý, điều hành và hoạt động của doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, các vướng mắc chậm được tháo gỡ, nhất là thủ tục phân bổ, triển khai đầu tư, giải ngân vốn; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch;... “Những hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Người đứng đầu một số cơ quan chưa sâu sát, thiếu quyết liệt. Tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ, chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu, thiếu trách nhiệm; còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nói.

Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, ODA thấp ở mức đáng báo động, khi mới đạt 37% kế hoạch được giao giai đoạn 2016-2019.

Khi được Thủ tướng yêu cầu chỉ rõ nguyên nhân và hướng khắc phục, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng thừa nhận, “chủ yếu do chủ quan”. Theo đó, cùng mặt bằng quy định pháp luật thì 35 bộ ngành, 16 địa phương giải ngân dưới 30%. Nhưng cũng có các bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân 50%. “Do tâm lý chủ quan với kế hoạch vốn đầu tư công dẫn tới sự thiếu quyết liệt ngay từ năm đầu và xuất hiện tâm lý sợ trách nhiệm”, Bộ trưởng nêu.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng cơ bản, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Chính phủ cho phép các dự án ODA được giải ngân theo tiến độ. Đồng thời Chính phủ cho phép các dự án đầu tư công sau khi được HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư được ứng tiền từ Quỹ đầu tư phát triển để giải phóng mặt bằng thúc đẩy việc giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản.

Giữ môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch tỉnh Hậu Giang nêu vấn đề thanh tra quá nhiều đoàn, nhiều nội dung trùng lắp, địa phương rất mất sức phục vụ. Cụ thể, năm 2018 Hậu Giang phải tiếp 11 đoàn. Do vậy đại biểu này đề xuất các bộ ngành khi ban hành các kế hoạch thanh tra cân nhắc, liên thông để tránh trùng lắp gây khó cho địa phương.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, có sự chồng chéo trong thanh tra, đây là việc không mới. Thủ tướng đã biết việc này đã có Chỉ thị số 20 để tránh chồng chéo trong thanh kiểm tra. Thanh tra Chính phủ rất quan tâm, vấn đề này và đã giảm thanh tra thường xuyên 30% so với trước. Tuy nhiên, chồng chéo là do nhiều cơ quan thanh tra trong khi đối tượng thanh tra là trùng nhau. Sắp tới tính toán một cách tổng thể, để giao trách nhiệm rõ ràng cho từng ngành để tránh chồng chéo. Đồng thời trong tổ chức thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm.

Bàn các giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh kiến nghị, cần tập trung khơi thông thị trường truyền thống và các thị trường mới để cán đích mục tiêu xuất khẩu đã đề ra. Theo Bộ trưởng hiện Việt Nam là địa điểm thu hút đầu tư rất mạnh. Tuy nhiên, chúng ta cần có rà soát đánh giá thực chất các hoạt động đầu tư để phát triển bền vững, tránh các nhà đầu tư lợi dụng, biến Việt Nam thành nơi chuyển tải hàng hóa, núp bóng thương hiệu Việt.

Tăng trưởng kinh tế không quên các vấn đề xã hội

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu chậm lại. Lạm phát thấp, nhưng áp lực lạm phát tăng vẫn hiện hữu trong năm 2019 do giá điện tăng, giá dầu điều chỉnh khó lường, giá thịt lợn tăng sau dịch, thời tiết thất thường... Xuất siêu tăng so với cùng kỳ nhưng xu thế tăng trưởng của toàn cầu thì xuất khẩu có dấu hiệu chững lại. Giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA tiếp tục là điểm nghẽn. Theo Thủ tướng, tất cả Bộ trưởng, Chủ tịch các tỉnh thành phố đều phải chịu trách nhiệm vấn đề này.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm Thủ tướng cho rằng, năm 2019 phấn đấu đạt mức 6,6 -6,8% GDP so với năm 2018. Do đó rất nhiều vấn đề đặt ra cần thực hiện ngay như ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, vấn đề thiên tai cháy rừng và đẩy nhanh vốn đầu tư công… Đặc biệt cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn môi trường đầu tư kinh doanh ở mọi địa phương, mọi ngành. Phải rà lại kiểm tra chuyên ngành, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ, gây cản trở phát triển.

Thủ tướng lưu ý, chúng ta không chỉ lo kinh tế, lo tăng trưởng mà lơ là nhiệm vụ về môi trường, không chú ý các vấn đề xã hội. Bởi nếu không chú ý các vấn đề xã hội sẽ rất bất ổn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết sách để đạt mục tiêu tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO