Thà ít mà tốt

Vũ Lân 21/04/2018 15:51

Những năm tháng cuối đời, tuy sức khỏe không được tốt, một phần do tái phát của vết thương sau mấy lần bị ám sát, Lênin vẫn tranh thủ dành thời gian công sức cho công việc, trong đó có “Những bức thư và bài báo cuối cùng”. Một trong những bài báo đó là “Thà ít mà tốt”.

“Thà ít mà tốt” có nhiều nội dung, nhưng chủ yếu tập trung vào việc cải tiến bộ máy chính quyền nhà nước xô-viết sau 5 năm thành lập. Tuy nhiên, bộ máy thiếu đồng bộ, thậm chí có cơ quan như Bộ Dân ủy thanh tra công nông (tương tự như cơ quan Thanh tra Chính phủ ở ta) “không có một chút uy tín nào cả. Mọi người đều biết rằng không có cơ quan nào mà tổ chức lại kém như những cơ quan thuộc Bộ Dân uỷ thanh tra công nông của chúng ta”- Lênin viết. Đã năm năm, những người cộng sản Nga lúc bấy giờ ra sức cải tiến bộ máy nhà nước, nhưng, theo Lênin, hoạt động đó không hiệu quả. Như vậy, cứ ngỡ Lênin sẽ chỉ đạo nhanh chóng, cấp bách cải tiến bộ máy chính quyền để đáp ứng đòi hỏi của tình hình thực tiễn. Thế nhưng không! Trong tác phẩm, Lênin khẳng định: “Phải tuân theo quy tắc này: Thà ít mà tốt. Thà mất hai năm hay thậm chí ba năm, còn hơn là hấp tấp vội vàng mà không có chút hy vọng nào đào tạo được một nhân liệu tốt”; việc hành động một cách “hấp tấp và phóng tay quá là hết sức có hại”.

Vậy tại sao lại có sự dường như là nghịch lý này ở Lênin? Câu hỏi này được chính Lênin trả lời trong tác phẩm: “Muốn đổi mới bộ máy nhà nước của chúng ta, phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: Một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa (điều này, phải thú thực là thường hay xảy ra ở nước ta), phải làm sao cho học thức thật sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn và thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống của chúng ta”. Như vậy có thể nói, cốt lõi của cải tiến bộ máy chính quyền xô-viết phụ thuộc rất lớn mang yếu tố quyết định vào việc xây dựng nền văn hóa cho tương xứng.

Nghiễn ngẫm bài báo “Thà ít mà tốt” của Lênin, liên hệ, đối chiếu với tình hình đất nước ta hiện nay, có nhiều điều đáng suy ngẫm và sốt ruột. Sau hơn 30 năm đổi mới, mặc dù đất nước “thay da đổi thịt” do đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đời sống nhân dân được cải thiện, thế nhưng xét về tổ chức, bộ máy, số người ăn lương vẫn phình to; bộ máy thu gọn chỗ này thì lại phình to hơn ở chỗ khác; bớt đi một tổ chức ở bộ phận này thì lại “đẻ” ra hai, ba tổ chức ở bộ phận kia; số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước cứ năm sau cao hơn năm trước.

Nếu như ở nước Nga thời Lênin, chỉ có bộ máy chính quyền xô - viết cộng với bộ máy của các tổ chức đảng thì hiện nay ở nước ta tình trạng “nhà nước hóa” các tổ chức chính trị - xã hội làm cho gánh nặng ngân sách nhà nước ngày càng nặng hơn, ngân sách bị “chia năm xẻ bảy”. Tình trạng “công chức hóa”, “hành chính hóa” các tổ chức chính trị - xã hội và những người làm công tác trong các tổ chức này đã thành một nếp ăn sâu trong suy nghĩ của mọi người. Đồng lương thấp, nhưng thu nhập thực tế lại cao khiến cho 30% cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” là điều hiển nhiên, không có gì là lạ.

Nhiều người vẫn “chê” cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nhưng người ta vẫn đổ xô vào đó bằng nhiều cách khác nhau, mà một trong những mục đích là thăng tiến làm cán bộ lãnh đạo càng nhanh càng tốt, càng to càng tốt. Đi học nhiều khi không phải để phục vụ, không để “hy sinh” mà để làm “quan”. Việc xét tuyển, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, chế độ chính sách thiên về bằng cấp là một nguồn gốc tất yếu của tình trạng nhiều người chạy theo hư danh, làm thạc sĩ, tiến sĩ, gian lận, chạy chọt để được phong giáo sư, phó giáo sư.

Tình trạng chạy chọt, mua bán, đánh đổi để được vào biên chế nhà nước cũng là nhắm tới chiếc ghế lãnh đạo với các khoản bổng lộc ngoài lương. Xu hướng “một người làm quan cả họ được nhờ”, tình trạng “cả nhà, cả họ làm lãnh đạo”, “con vua rồi lại làm vua”, đề bạt cất nhắc, thăng tiến “đúng quy trình” nhưng vô trách nhiệm và không đủ tiêu chuẩn thời gian qua diễn ra ở nhiều nơi một phần thể hiện sự thiếu hụt, bỏ qua văn hóa công sở, văn hóa công vụ và văn hóa đạo đức trong cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và trong cán bộ, công chức, đảng viên. Đó chính là hậu quả có phần bắt nguồn từ thói quen, phong tục, tập quán, văn hóa phong kiến, thực dân trong quá khứ chưa được tấy rửa mà phát triển khi có điều kiện.

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; “Văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu của quá trình phát triển kinh tế, xã hội”; “Đạo đức là gốc của người cán bộ cách mạng”... Những phương châm, khẩu hiệu ấy vẫn còn ở đâu đó xa vời đối với không ít cán bộ lãnh đạo. Những tổ chức, cá nhân cán bộ lãnh đạo nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, trong thời gian gần đây bị khởi tố, đưa ra xét xử, bị đi tù cũng như những đối tượng xấu sắp tới sẽ bị lôi ra “ánh sáng” cho thấy sự xuống cấp về mặt văn hóa và đạo đức.

Chủ trương của Đảng ta trong công tác đổi mới, sắp xếp bộ máy, tổ chức, giảm biên chế ở nước ta hiện nay là tập trung, thống nhất, thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Như vậy, bộ máy, tổ chức, cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị ở nước ta có thể sẽ “ít” những để cho “tốt” thì đó là việc phải làm. Dù thế nào chăng nữa, chúng ta cần vận dụng sự chỉ dẫn của Lênin: “Một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thà ít mà tốt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO