Chính quyền đô thị phục vụ người dân

Nam Việt 06/10/2020 13:30

Về việc tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo nghị quyết; phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự thảo nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Cán bộ phường, xã tại TP Hồ Chí Minh tăng cường làm thêm giờ để giải quyết hết việc cho người dân trong ngày. Ảnh: Hoàng Tuyết.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng cho phép xây dựng, ban hành dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; thực hiện việc trình dự thảo nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đề án mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM được tổ chức trên cơ sở chính quyền thành phố gồm có HĐND và UBND; chính quyền tại các quận là UBND quận; chính quyền tại các phường là UBND phường. Đề án cũng nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, chủ tịch UBND TP HCM; nhiệm vụ, quyền hạn của TP HCM; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của UBND quận, UBND phường…

Trước đó vào tháng 9, Bộ Nội vụ cũng đã tổ chức hội nghị góp ý đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM và đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM.

Ngày 3/10 mới đây, TP HCM đã tổ chức lấy ý kiến cử tri các quận 2,9 và Thủ Đức về việc thành lập thành phố Thủ Đức, trên cơ sở sáp nhập 3 quận thành một đơn vị hành chính cấp huyện.

Nhìn vào những động thái trên cho thấy TP HCM đang bước vào giai đoạn phát triển mới, phát triển mạnh mẽ.

Nhiều năm qua, TP HCM luôn đi đầu cả nước về phát triển kinh tế, đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước. Thành phố có nhiều chương trình, hành động mang tính đột phá. Thời kỳ bao cấp, khi đất nước gặp nhiều khó khăn, TP HCM đã từng có những quyết sách sáng tạo mà mãi tới sau này vẫn được nhắc tới với sự thán phục về tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bước vào giai đoạn đổi mới của đất nước, TP HCM lại tiếp tục đi đầu trên nhiều lĩnh vực, thực sự là một cực tăng trưởng phía Nam của đất nước.

Tuy nhiên, tồn tại và thách thức vẫn còn đó với thành phố hơn chục triệu dân này.

Trở lại với việc tổ chức chính quyền đô thị cũng như dự kiến thành “thành phố trong thành phố” là Thủ Đức, người dân trông đợi sự đổi mới hơn nữa, táo bạo hơn nữa, thành tựu hơn nữa của TP HCM. Suy cho cùng, đổi mới mô hình tổ chức, cung cách quản lý cũng là để tạo ra điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn mà đích đến là người dân được thụ hưởng nhiều hơn, từ đó góp công góp sức nhiều hơn cho thành phố. Nhìn chung, những vấn đề thiết thực với từng người dân cần được giải quyết một cách thấu đáo, có lý có tình.

Điều dễ thấy nhất là chính quyền thành phố cần tập trung tìm giải pháp giải quyết nạn kẹt xe và úng ngập. Dân số tăng nhanh một cách cơ học đã khiến hệ thống giao thông quá tải. Việc kẹt đường tại TP HCM, nhất là trong những giờ cao điểm, đã được coi là “bệnh kinh niên” của thành phố này. Cùng đó, mỗi khi mưa to hay là triều cường, nhiều tuyến đường, nhiều khu dân cư của thành phố lại buộc phải “sống chung với lũ”.

Về thủ tục hành chính, TP HCM đã có nhiều cố gắng nhưng người dân vẫn chờ đợi sự đổi mới riết róng hơn. Chỉ riêng chuyện “sổ hồng, sổ đỏ”, người dân mệt mỏi vì vẫn nhiêu khê, thời gian kéo dài, đi lại nhiều lần rất mất thời gian. Nói gì thì nói, chính quyền đô thị thì hành chính phải đặt lên hàng đầu, mà nền hành chính đó là nền hành chính hướng tới người dân, phục vụ người dân.

Trong những tồn tại kéo dài và vẫn “sừng sững” trước mắt chính là “vụ Thủ Thiêm”. Từ vụ này mà nhiều cán bộ lãnh đạo của thành phố đã bị xử lý kỉ luật, có người phải ra tòa và chịu những bản án nghiêm khắc. Trong những lần tiếp xúc cử tri hoặc trực tiếp gặp dân, lãnh đạo thành phố cũng đã hứa với dân sẽ giải quyết dứt điểm, kể cả đưa ra mốc thời gian cụ thể. Nhưng rồi, do quá nhiều vướng mắc, vụ việc vẫn còn đó. Một lần nữa cần nhận thức rõ rằng, giải quyết dứt điểm, thấu lý đạt tình vụ Thủ Thiêm mang ý nghĩa quan trọng không chỉ với người dân Thủ Thiêm, với TP HCM vì rằng đây là vụ việc nhức nhối được người dân cả nước quan tâm suốt nhiều năm qua.

Với đề án chính quyền đô thị tại TP HCM, có thể thấy vai trò của Chủ tịch thành phố rất lớn. Tuy nhiên, cụ thể hơn, gần dân hơn thì đó chính lại là Chủ tịch quận, Chủ tịch phường khi mà hai cấp này sẽ không có HĐND mà chỉ có UBND. Tinh gọn bộ máy đòi hỏi cao hơn trách nhiệm và năng lực của người đứng đầu UBND quận, phường. Về cơ bản, mức độ hài lòng của người dân cũng chính là ở hai cấp này khi những yêu cầu chính đáng của người dân được giải quyết nhanh chóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính quyền đô thị phục vụ người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO