Chính sách hỗ trợ phải đủ mạnh để tăng sức lan tỏa

Thúy Hằng (thực hiện) 01/12/2021 09:00

Dù chưa rõ về quy mô song thông tin khái quát về chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023, với 5 nhóm chính sách hỗ trợ chính: phòng, chống dịch bệnh và nâng cao hiệu quả của công tác y tế; giải pháp an sinh; hỗ trợ doanh nghiệp; đầu tư công; quản lý điều hành đã tạo động lực và kỳ vọng cho cộng đồng doanh nghiệp. TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, các chính sách hỗ trợ phải đủ mạnh để tăng sức lan tỏa.

TS Nguyễn Đức Độ.

PV: Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt từ 6-6,5%. Theo ông, điều này có khả thi và Việt Nam cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế như thế nào để thực hiện tốt mục tiêu này?

TS Nguyễn Đức Độ: Như chúng ta đã thấy, tăng trưởng GDP năm 2021 chậm, chưa nói GDP quý III vừa rồi giảm 6,17%. Như vậy, để phục hồi kinh tế lên mức trên 6% bắt buộc phải nỗ lực rất lớn. Tôi cho rằng năm nay đã tăng trưởng chậm thì khi hồi phục sẽ rất nhanh. Và mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 – 6,5% có thể khả thi, nhưng đi kèm với đó, cần một số điều kiện như các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, không có giãn cách xã hội, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục được thực hiện…

Thưa ông, ở phần hỗ trợ DN, chính sách sẽ tập trung chủ yếu về giải pháp tài khóa như xem xét và kéo dài thời gian giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí. Đồng thời, triển khai chính sách tiền tệ như cho vay ưu đãi thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất... Ông có thấy phù hợp với tình hình hiện nay?

- Khi “mổ xẻ” 5 nhóm chính sách theo dự kiến phục hồi kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi thấy, về giải pháp đầu tư công, Nhà nước tập trung xây dựng đường sá, các công trình xã hội để tạo hiệu ứng lan tỏa. Giai đoạn phục hồi đang bắt đầu, đầu tư công sẽ đóng vai trò trọng tâm, chủ chốt, là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của khu vực tư nhân. Nhà nước bỏ “vốn mồi” và cung cấp các cơ chế khuyến khích cho khu vực tư nhân tham gia và đầu tư vào một số lĩnh vực của nền kinh tế.

Còn về an sinh xã hội, chắc chắn phải có chính sách tập trung vì lao động phi chính thức nhiều, người thất nghiệp vì dịch Covid -19 cũng nhiều. Đây là đối tượng cần hỗ trợ trực tiếp, nhưng lưu ý tránh lặp lại những việc không mong muốn, như để tiếp cận được hỗ trợ thì phải xin xác nhận, chứng nhận khắp nơi, khiến người dân nản lòng.

Riêng gói chính sách hỗ trợ DN về thuế, phí, cần phải thiết kế theo hướng giúp đỡ DN để tạo hiệu ứng lan tỏa. Vì nguồn tiền hỗ trợ có hạn, nên chỉ tập trung được vào một số nhóm nhất định. Vì vậy, việc hỗ trợ lãi suất cho DN, ngành hàng nên ưu tiên, chọn lọc. Trong dịch bệnh, ngành hàng nào cũng bị tác động tiêu cực và ảnh hưởng, nên phải cân nhắc, chọn lựa rất kỹ. Nếu không hỗ trợ công bằng, không chọn được ngành hàng cần hỗ trợ thì vốn lại “chảy” sai chỗ, điều này khiến tác dụng hỗ trợ giảm đi nhiều.

Thông thường, gói kích thích kinh tế thường tính đến hiệu quả dài lâu, chứ không đơn thuần chỉ nhìn ngắn hạn trong hai năm trước mắt. Chưa kể gói hỗ trợ lần này được kỳ vọng ở mức đột phá.

Để vượt qua đại dịch, hầu hết các quốc gia đều phải can thiệp mạnh vào nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ. Dịch bệnh còn diễn biến khó lường, do vậy, DN Việt Nam cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa. Nhìn kinh nghiệm của các nước cho thấy, họ không chỉ tăng chi tiêu cho y tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh mà còn hỗ trợ cả thu nhập của người dân và DN. Người dân mất việc làm, giảm tiền lương. Vì thế, khi hết giãn cách xã hội, cuộc sống trở lại bình thường, nhu cầu chi tiêu của người dân tăng vọt. Từ đó, tăng trưởng kinh tế cũng bật lên rất nhanh.

Chính phủ cũng đã và đang huy động mọi nguồn lực, xây dựng dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn để hỗ trợ người dân, DN, nhất là ở các lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.

Nhiều ý kiến cho rằng, phải có một đánh giá đầy đủ hơn, chính xác hơn về thực trạng, nhất là về tác động của dịch bệnh đối với DN, với lao động, việc làm ở một số lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Để chương trình phục hồi khả thi, cần xác định rõ tính mục tiêu và đối tượng để phục hồi, hỗ trợ. Ông nghĩ sao về điều này, thưa ông?

-Tôi cho rằng, trong khi bàn thảo để chốt quy mô và phạm vi của gói hỗ trợ mới, cần thúc đẩy giải ngân các gói hỗ trợ đã có một cách nhanh chóng và hiệu quả. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đánh giá tổng thể. Trong hai tháng 10 và 11 tăng trưởng tương đối chậm thì cơ quan quản lý đã lường trước. Bất kỳ gói hỗ trợ hay chương trình phục hồi nào đưa ra độ bao phủ phải đủ rộng. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đang được xây dựng với gói hỗ trợ lớn, qua đó thể hiện tính quyết liệt hơn. Theo tôi, chương trình này có 3 ý nghĩa: giúp người dân, người lao động và DN vượt khó; bắt nhịp phục hồi kinh tế và góp phần đặt nền móng, tạo nền tảng cho giai đoạn tăng tốc phát triển trong 5 năm tới hoặc dài hạn hơn. Tôi nghĩ đây sẽ là chương trình đủ dài về thời gian và đủ mạnh về kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách hỗ trợ phải đủ mạnh để tăng sức lan tỏa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO