Chính sách tam nông phải giúp tạo sinh kế cho nông dân

M.Loan 08/12/2021 20:08

Ngày 8/12, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Ban Kinh tế Trung ương với các tỉnh Đồng Nai, An Giang và thành phố Cần Thơ.

Hội nghị nhằm nghe ý kiến đóng góp, phục vụ việc tổng kết Nghị quyết số 26/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26).

Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, muốn lắng nghe kinh nghiệm thực tiễn, những bài học rút ra và những kiến nghị về đổi mới chính sách, đường hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở Đồng Nai, An Giang và TP Cần Thơ. Trong đó tập trung vào kiến nghị về nguồn lực đầu tư, tài chính, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc… nhằm tạo đột phá trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời gian tới. Chuyển đổi số là cơ hội để tạo động lực phát triển, các địa phương sẽ tranh thủ, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuyển đổi số của địa phương.

Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng chủ trì hội nghị.

“Cả 3 tỉnh cố gắng, nỗ lực như thế nào để người dân “ly nông nhưng không ly hương”, nắm bắt cơ hội chuyển đổi số như thế nào, thực tế có nhiều địa phương quyết chi 1-2% ngân sách sách cho chuyển đổi số”, ông Nguyễn Duy Hưng đặt vấn đề.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, sản phẩm trồng trọt trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận VietGap, GlobalGAP. Đến nay toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1.630 ha diện tích cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương; trên 81% diện tích cây trồng ứng dụng giống cất lượng tốt và chế phẩm sinh học trong sản xuất. Đặc biệt có 105 mã số vùng trồng, với diện tíc hơn 21.940 ha, trong đó 38 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Úc, New Zealand, EU, Thụy Sỹ.

Có được thành quả trên theo ông Phi, Đồng Nai đã chủ trương phát triển cánh đồng mẫu lớn gắn với chế biến sâu, áp dụng tiêu chuẩn nông sản chất lượng cao. Đến nay Đồng Nai đã thành công với việc chế biến sâu từ diện tích canh tác lớn như sản phẩm gỗ. Cùng với đó, gắn sản phẩm nông nghiệp với du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, để tam nông phát triển bền vững, ông Phi kiến nghị Nhà nước cần đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng (Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh) để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội. Có chính sách kêu gọi, thu hút BOT, tư nhân, các thành phần kinh tế khác vào nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó đầu tư hơn nữa cho vấn đề xử lý môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, đến nay đã có hàng loạt doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh, với số vốn lên tới hơn 10.000 tỷ đồng như Tập đoàn Trường Hải, Lộc Trời… tạo ra được sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Ông Thư kiến nghị, Nhà nước cần có các dự án, chương trình hỗ trợ cho nông dân thuộc vùng quy hoạch giữ đất lúa để đảm bảo sản xuất có lợi, nâng cao thu nhập. Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo quan tâm hơn thị trường gạo nội địa và tạo lòng tin tín nhiệm thương hiệu gạo Việt từ người tiêu dùng trong nước, kiến nghị miễn thuế GTGT 5% đối với mặt hàng gạo tiêu thụ nội địa…

Kiến nghị, ông Thư nêu: “Đặc biệt cần xóa bỏ quy định về mức hạn điền, có chính sách ưu đãi hơn nữa để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như chính sách giao đất, cho thuê đất, thuế, tín dụng”. Bởi, theo ông Thư, chính sách hạn điền là trở ngại lớn nhất cho việc tích tụ, tập trung ruộng đất.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng cần chính sách đầu tư thỏa đáng hơn cho nông nghiệp, nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, hoàn thiện chính sách về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư; các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho việc tập trung, tích tụ đất đai, đáp ứng những vấn đề mới phát triển của quá trình đô thị hóa. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở, nhà máy ở vùng nông thôn để thu hút lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng bày tỏ sự băn khoăn khi các địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp lại đặt mức tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn so với chỉ tiêu tăng trưởng chung (trên dưới 3%). "Phát triển khu vực nông nghiệp gắn công nghiệp dịch vụ, làm sao ly nông không ly hương, lời giải ở đâu?", ông Hưng đặt câu hỏi, đồng thời nêu ra thực tế là cơ chế thu ngân sách hiện nay tạo áp lực lớn cho các tỉnh nên để phát triển thuần nông rất khó khăn, nhiều địa phương phải triển khai dự án công nghiệp, đô thị để tăng thu.

"Chính sách làm sao phải hài hòa lợi ích người dân và lợi ích chung, trong đó có thu ngân sách. Vì vậy, tới đây chính sách cho nông nghiệp nông thôn, tiếp cận tín dụng thế nào, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân", ông Hưng nêu vấn đề.

Nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn là “địa bàn” chiến lược của Đảng, Nhà nước trong 13 năm qua và tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu "xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" và bước đi, biện pháp cụ thể phải là chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư sản xuất lớn, chế biến sâu…

Cùng với đó, mục tiêu xây dựng nông thôn mới phải tiếp tục nâng tầm, hiện đại hóa cho phù hợp với thực tế đời sống và đón đầu xu hướng tương lai. Đặc biệt phải mãnh mẽ thực hiện chuyển đổi số, với việc xây dựng và tiếp cận dữ liệu trong lĩnh vực này từ cây trồng vật nuôi đến thị trường, giá cả, chất lượng…

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, vừa qua các địa phương đã quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng mà chưa quan tâm nhiều đến vấn đề sinh kế. “Phải làm cách nào tạo sinh kế cho người dân tại quê nhà. Đây là bài toán tổng thể từ đào tạo nhân lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp. Trên bàn ăn của người dân thì chỉ có 20% là giá trị nông sản của bà con nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, còn 70-80% là ở các lĩnh vực khác. Cho thấy lợi ích kinh tế chưa thật sự hấp dẫn bà con”, ông Nguyễn Duy Hưng nhìn nhận.

Theo kế hoạch tháng 5/2022, Hội nghị Trung ương sẽ cho ý kiến vào báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 và một dự thảo nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 26. Việc ban hành nghị quyết nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đặt ra mục tiêu "xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách tam nông phải giúp tạo sinh kế cho nông dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO