Chỉnh sửa SGK lớp 1: Bài học cho những bộ sách tiếp theo

Lam Nhi 17/10/2020 09:30

Hội đồng Thẩm định và tác giả sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều đã thống nhất điều chỉnh, thay thế ngữ liệu của một số bài đọc cho phù hợp với học sinh (HS) lớp 1 và các từ ngữ khó hiểu. Hiện 33 bản mẫu SGK lớp 2 và 43 bản lớp 6 đã hoàn thành thẩm định vòng 1. Liệu những bản mẫu này có công khai để dư luận góp ý trước khi chính thức được phê duyệt và phát hành?

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 phải sửa chữa.

Cầu thị điều chỉnh

Thông tin từ Bộ GDĐT cho biết, sau khi tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều, trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng Thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn.

Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163,…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”,…

Bộ GDĐT yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng Thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.

Như vậy, nội dung điều chỉnh đã rõ nhưng tới đây, những phần này sẽ được thay thế bằng nội dung gì thì vẫn phải chờ đợi đến sau ngày 15/11 mới có câu trả lời chính thức. Hội đồng Thẩm định đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam.

Rút kinh nghiệm thế nào?

Thông tin về quá trình thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng Bộ GDĐT, cho biết Hội đồng Quốc gia đã hoàn thành việc thẩm định vòng 1. Theo kế hoạch, việc thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 vòng 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 (đối với lớp 2) và trung tuần tháng 11 (đối với lớp 6).

Rút kinh nghiệm từ bộ SGK lớp 1, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các thành viên Hội đồng Thẩm định phải tuyệt đối không tham gia các công việc liên quan đến biên soạn, xuất bản SGK, đồng thời bảo mật thông tin, dữ liệu liên quan đến hoạt động thẩm định SGK.

Hiện, thông tin về Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 công khai trước dư luận là trên cơ sở các thành viên đã tham gia Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK lớp 1 và bổ sung một số thành viên mới. Còn Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK lớp 6 gồm 128 thành viên của 12 môn học và hoạt động giáo dục.

Thành phần các hội đồng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT, là bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan; có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

Trước đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về trách nhiệm của Hội đồng Quốc gia thẩm định khi để lọt nhiều sạn trong cuốn sách Tiếng Việt 1 của bộ Cánh diều?

Nhiều ý kiến mong muốn công khai danh sách thành viên Hội đồng Thẩm định để tăng cường tính trách nhiệm của mỗi thành viên khi làm công việc hệ trọng là Thẩm định sách cho cả một thế hệ HS Việt Nam sẽ học trong thời gian tới?

Bên cạnh đó, những bản mẫu SGK sau nhiều lần chỉnh sửa, góp ý của Hội đồng liệu có công khai để lấy ý kiến góp ý của nhân dân trước khi phát hành hay không đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Mặc dù trước đó, tại cuộc họp về SGK ngày 12/10/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý Bộ GDĐT nên áp dụng công nghệ thông tin để thay đổi cách làm với bản thảo SGK.

Cụ thể, sách khi được nộp cho Hội đồng Thẩm định quốc gia thì cũng cần công khai nội dung trên mạng để lấy ý kiến góp ý của giáo viên, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, phụ huynh.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng trên thực tế, việc nhặt sạn của người dân chưa chắc đã đúng và chuẩn xác 100% nhưng mỗi ý kiến, dù gay gắt cũng nhằm đến mục đích cuối cùng là để cuốn sách tốt hơn, phù hợp hơn với học sinh nên Hội đồng Quốc gia cũng như các tác giả cần lắng nghe những ý kiến đa chiều và có sự cầu thị với những nội dung chưa thật sự phù hợp, gây hiểu lầm cần có điều chỉnh nếu cần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉnh sửa SGK lớp 1: Bài học cho những bộ sách tiếp theo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO