Cán bộ nghỉ hưu mắc sai phạm lúc đương chức: Có thu hồi được lương, phụ cấp?

H.Vũ 26/06/2019 08:00

Vấn đề xử lý cán bộ đã nghỉ hưu nhưng mắc sai phạm trong thời điểm đang công tác đã nhận được rất nhiều ý kiến khi thảo luận về dự thảo Luật Cán bộ, công chức, và Luật Viên chức sửa đổi.

Cán bộ nghỉ hưu mắc sai phạm lúc đương chức: Có thu hồi được lương, phụ cấp?

Ảnh minh họa. (Nguồn: VTC).

Ông Trần Viết Hoàn, cử tri phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội cho rằng, Đại hội Đảng XIII sắp tới người dân mong Đảng tìm được người đủ đức, đủ tài, gánh vác công việc cho nước, cho dân. Cần rút ra bài học đau xót của Trung ương khóa XII khi mới hơn nửa nhiệm kỳ đã có 60 cán bộ cấp cao bị xử lý. “Quan tham” đã về hưu bị xử lý kỷ luật, xóa hết chức vụ thì cũng cần thu hồi hết vật chất mà họ được hưởng trong lúc đương chức.

Theo ĐB Triệu Thị Huyền (Yên Bái) thì ngoài hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hình thức xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ hưu, nghỉ việc cần nghiên cứu, xem xét, và quy định lại hoặc có thể thay thế bằng các hình thức như: Cắt, tước bỏ quyền lợi về chính trị, vật chất mà người đó vẫn đang được hưởng khi nghỉ hưu thì ý nghĩa và tác dụng răn đe sẽ thiết thực hơn.

Khi cho ý kiến về dự thảo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) cũng kiến nghị, trong xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu nếu chỉ xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm thực chất chỉ là xóa cái danh còn thực tế là thời gian sai phạm cán bộ, công chức, viên chức đó đã từng giữ chức vụ. Và quan trọng hơn là các chế độ, chính sách kèm theo như hệ số phụ cấp, thưởng và một số chế độ khác đã được hưởng, do đó cần xử lý đầy đủ các chính sách mà đối tượng đó đã được hưởng.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, hình thức xử lý cán bộ vi phạm kỷ luật có 4 mức, trong đó mức cuối cùng là cách hết chức vụ tại thời kỳ đó. Vấn đề đang được đặt ra là khi đã cách chức thì anh không được hưởng các chế độ nữa. Ví dụ không còn chế độ của bộ trưởng khi về hưu, tức không còn chế độ “nguyên bộ trưởng nữa”.

Tuy nhiên theo ông Dĩnh, việc thu hồi chế độ, phụ cấp đối với cán bộ nghỉ hưu mắc sai phạm trong thời điểm công tác sẽ khó khăn và nặng nề. Bởi chế độ lúc đang làm Bộ trưởng gắn với lương. Nếu truy lĩnh lương vậy họ sẽ là gì? Thứ trưởng hay Vụ trưởng? Vì xuất phát của họ có thể là Thứ trưởng hoặc Bí thư Tỉnh ủy. Không còn chế độ Bộ trưởng thì họ là gì? Bộ trưởng thì không có phụ cấp, chỉ có lương với 2 bậc là: 9,7 và 10,3. Do đó việc xử lý kỷ luật, xóa tư cách không còn chế độ “nguyên Bộ trưởng” nữa là hợp lý.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cán bộ nghỉ hưu mắc sai phạm trong lúc đang công tác, về xử lý hồi tố khi sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chỉ đặt vấn đề xóa tư cách chức vụ lúc họ đang công tác. Theo ông Xuyền, đặt vấn đề như vậy chủ yếu xử lý về mặt chính trị là chính, còn các chế độ khác không thể xóa. Một số cán bộ cấp cao như Bộ trưởng đã có quy định của Trung ương đối với cán bộ hưu trí. Khi anh bị cách chức, không còn chế độ đó nữa thì người ta không mời anh tham gia vào các hoạt động đó với tư cách Bộ trưởng.

“Nếu thu hồi chế độ lương phụ cấp lúc đang đương chức thì không thể vì đó không phải là cái họ vi phạm. Cái mà họ vi phạm chỉ bị xử lý về mặt kỷ luật chứ không thể thu hồi các chế độ lương, phụ cấp”- ông Xuyền nhìn nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cán bộ nghỉ hưu mắc sai phạm lúc đương chức: Có thu hồi được lương, phụ cấp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO