Chỉ một khao khát cứu nước

Dạ Yến (thực hiện) 05/06/2016 09:10

Theo GS.TS.NGƯT Nguyễn Ngọc Cơ- Giảng viên cao cấp ĐHSP Hà Nội, hơn 100 năm trước, đã có nhiều người Việt  tìm đường sang phương Tây trước Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng người suốt từ đầu đến cuối chỉ có một khao khát duy nhất là làm sao cứu được nước, cứu được dân tộc thì chỉ có Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh. 

Tượng Bác Hồ.

Bước chuyển nhận thức của cả dân tộc

PV:Thưa GS, ngày này 105 năm trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra nước ngoài tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. GS có thể đánh giá về cuộc ra đi mang ý nghĩa trọng đại này?

GS Nguyễn Ngọc Cơ: Đối với Việt Nam ta, có thể nói Hồ Chí Minh là vị cứu tinh của cả dân tộc. Ngày 5/6/1911, việc ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành trong bối cảnh rất phức tạp. Thứ nhất, con đường cứu nước theo phong kiến đã thất bại hoàn toàn vào cuối thế kỷ 19.

Những năm đầu thế kỷ 20 các sĩ phu trẻ, thức thời đã cố gắng đưa đất nước ra khỏi khủng hoàng về lãnh đạo cũng như cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập tự do, khi hệ tư tưởng phong kiến không còn có thể cứu vãn độc lập dân tộc.

Vì vậy, các vị như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… đã tìm đường cứu nước theo hệ tư tưởng dân chủ tư sản. Đấy có thể nói là bước chuyển từ chủ nghĩa yêu nước theo lập trường phong kiến sang lập trường dân chủ tư sản. Song, người nhận thức được hạn chế của hệ tư tưởng phương Tây còn rất ít, trong số đó có thể nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng dân chủ tư sản là động lực khiến Nguyễn Ái Quốc ra đi sang phương Tây. Từ tự do, bình đẳng, bác ái của Cộng hòa Pháp đã khuyến khích Người ra đi để tìm chân lý. Và sau này đến năm 1920 cũng chính từ tự do, bình đẳng, bác ái được kiểm nghiệm qua thực tiễn Nguyễn Ái Quốc đã chống lại chủ nghĩa đế quốc, chống lại nước Pháp. Đây là bước chuyển cực kỳ quan trọng mà từ thực tiễn Người đã rút ra được chân lý là không thể đi theo con đường dân chủ tư sản mãi mà phải đi theo con đường cách mạng vô sản.

Ngày 5/6/1911 mở đầu thời kỳ cách mạng Việt Nam đang chuyển mình trong khoảng 10 năm Nguyễn Ái Quốc mới tìm ra được chân lý. Đây là con đường cực kỳ khó khăn và vất vả mà cho đến ngày nay khi nhìn lại chặng đường này không hề đơn giản.

Từ chỗ nhận thức về bạn và thù của những sĩ phu đầu thế kỷ 20, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra bài học mà đến năm 1919, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”, “ Ở trên thế gian này chỉ có một tình bạn hữu ái duy nhất là tình hữu ái của giai cấp vô sản”, đặc biệt “ở trên thế giới này chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù, còn nhân dân lao động ở đâu cũng là bạn”.

10 năm tổng kết đó để thấy rằng con đường gian truân vất vả vượt qua được hạn chế của giai cấp và thời đại của Nguyễn Ái Quốc và việc Nguyễn Ái Quốc đi từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa quốc tế vô sản, cách mạng vô sản năm 1920 thì không phải chỉ là một bước chuyển trong nhận thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhận thức của cả dân tộc và làm thay đổi nhận thức của cả lớp người mà sau đó gánh vác cả giang sơn đi đến đài vinh quang độc lập, tự do.

GS Nguyễn Ngọc Cơ.

Ngọn lửa nhiệt tình yêu nước

Như vậy, với quyết định sang phương Tây của Nguyễn Ái Quốc thì có khác gì đối với các vị tiền bối trước đó?

- Khi Phan Bội Châu quyết định sang Nhật Bản với mục đích kiều viện đã từng gặp cụ Nguyễn Sinh Sắc trên dòng sông Lam; đã nói chuyện đưa Nguyễn Ái Quốc, lúc đó là Nguyễn Sinh Cung sang Nhật để theo Đông du nhưng Nguyễn Ái Quốc đã không đồng tình.

Đó có thể nói là cảm nhận, mẫn cảm hết sức sáng suốt của Nguyễn Ái Quốc trong việc lựa chọn sang phương Tây tìm đường cứu nước. Sở dĩ như vậy, có thể dư luận, tin tức về nước Nhật Bản tuy chưa đầy đủ nhưng Người cảm nhận được rằng chủ nghĩa tư bản ở Nhật Bản hay mô hình về xã hội của Nhật Bản không suôn sẻ, hấp dẫn như các nước phương Tây.

Bởi vì, chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản lúc đó tuy ngang bằng các nước các nước châu Âu nhưng mà chủ nghĩa tư bản còn mang nặng tàn tích phong kiến. Đặc biệt là quân phiệt Nhật Bản. Mong muốn của Nguyễn Ái Quốc là tự do, bình đẳng, bác ái và quyết định sang phương Tây để tìm những ẩn náu sau những từ hoa mỹ đó, nhưng đồng thời để kiểm nghiệm thực tiễn xem nước Pháp và các nước khác đã làm gì để cứu được mình.

Đó là động lực khiến Nguyễn Ái Quốc đã từ chối việc Đông du mà tự quyết định sang phương Tây tìm chân lý.

Thưa GS, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh hội tụ những yếu tố nào cho quá trình tìm đường cứu nước?

- Chúng ta biết, ra đi tìm đường cứu nước ở Hồ Chí Minh có 3 nguyên nhân căn bản. Thứ nhất, trước hết là ý thức và lòng yêu nước, thương nòi được nung nấu trong tâm can từ thời trẻ. Khi Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, không còn niên thiếu nữa mà đã là thanh niên trưởng thành, tức là năm 21 tuổi. Tuổi đó đã đầy đủ trí lực của con người tự định đoạt số phận của mình và suy rộng ra đã gánh vác nhiệm vụ quan trọng mà người xưa nói khi đất nước lâm nguy thì “thất phu hữu trách”.

Bằng ngọn lửa nhiệt tình, yêu nước mà Người đã quyết định sang phương Tây. Thứ hai, đó là truyền thống gia đình, cả gia đình là những người yêu nước chân chính. Bản thân cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc là nhà nho có bản lĩnh rất đặc biệt. Còn ông Khiêm, bà Thanh đều là những con người đáng kính.

Quê hương Nam Đàn, Nghệ An là quê hương cách mạng đã sản sinh ra bậc tiền nhân anh hùng. Thứ ba, hiện thực của đất nước Việt , sống dưới cảnh lầm than của ách thống trị của thực dân Pháp khiến Nguyễn Ái Quốc quyết tâm ra đi.

Bởi vì, tất cả các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến lúc đó đã thất bại, và vì thế con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đầy khó khăn và gian nan. Nguyễn Ái Quốc đã đi bằng 3 yếu tố: bản thân, gia đình và quê hương truyền thống lịch sử đã thúc đẩy Người sang phương Tây.

Tháng 1/1922, để xây dựng một diễn đàn của nhân dân các nước thuộc địa và tạo ra một hình thức đấu tranh mới, Nguyễn Ái Quốc và Ban thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa đã thống nhất quyết định thành lập “Hội hợp tác Người cùng khổ” và ra tờ báo “Người cùng khổ”- “Le Paria”. Ngày 1/4/1922 báo ra số đầu tiên bằng 3 thứ tiếng Pháp, Ả rập và Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên nhân dân các nước thuộc có một tổ chức và một tiếng nói đấu tranh chung với tôn chỉ của tờ báo là “vũ khí chiến đấu với sứ mạng đã rõ ràng là giải phóng con người” (Lời kêu gọi nhân báo ra số đầu).

Từ hai bàn tay trắng đến nhận thức chân lý

Có thể nói những năm tháng bôn ba ở nước ngoài đã khẳng định tính quật cường của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc. Ông có thể phân tích những gian khó trên con đường đi tìm lối đi cho nước thuộc địa Việt khi đó của Người?

- Lúc bấy giờ, việc sang phương Tây không hề đơn giản. Trước Nguyễn Ái Quốc có nhiều người sang nước Pháp, Anh... nhưng không phải là đi tìm đường cứu nước mà đi học tập, làm ăn, thăm thân... Ngay cả năm 1919 ra nhập Đảng xã hội Pháp không chỉ có Nguyễn Ái Quốc mà còn có một số người khác, trong đó có Nguyễn Tạo. Như thế để thấy rằng nhiều người đã sang phương Tây trước Nguyễn Ái Quốc và có những người giỏi tiếng Pháp, giỏi tiếng phương Tây hơn Bác Hồ.

Nhưng người suốt từ đầu đến cuối chỉ đi vào mục tiêu là làm sao cứu được nước, cứu được dân tộc thì chỉ có Nguyễn Ái Quốc. Việc ra đi gian khó như Nguyễn Ái Quốc đã trả lời người bạn của mình trước khi rời bến Nhà Rồng, đó là đi sang phương Tây xem nước Pháp làm thế nào để cứu đồng bào mình. Thứ hai, đi bằng gì thì Nguyễn Ái Quốc giơ hai bàn tay trắng và nói: Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống, để đi.

Nguyễn Ái Quốc từ hai bàn tay lao động trở thành người công nhân thực thụ làm đủ nghề từ rửa bát, quét dọn sàn tàu, làm thủy thủ, làm lao công quét tuyết, bán báo, viết báo, sau đó làm chính trị. Cuộc sống gian nan của Nguyễn Ái Quốc cho thấy đây là con người lao động thực thụ.

Đấy là một trong những nguyên tắc mà Nguyễn Ái Quốc thường nhắc nhở là tìm chân lý cứu nước là phải đi đúng con đường từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng trở về thực tiễn. Đó là con đường khoa học của nhận thức chân lý.

Học Bác phải tránh hình thức

Thưa GS, từ sự ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đó, cho thấy trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay cần phải làm gì để đưa Việt Nam giàu mạnh, sánh ngang với các cường quốc trên thế giới?

- Ở mỗi giai đoạn lịch sử thì tâm lý, tư tưởng, tình cảm của mỗi con người khác nhau do yếu tố nội sinh, ngoại sinh tác động. Ở thời đại ngày nay, thanh niên Việt Nam có thể chịu những tác động ngoại cảnh, nhưng không vì thế chúng ta đánh giá thấp họ. Tâm hồn và trái tim yêu nước của người Việt Nam luôn luôn thường trực.

Khi được khơi dậy, tập hợp lại thành sức mạnh tập thể thì lúc đó mới có giá trị. Cần biết tâm tư, tình cảm của học sinh, của giới trẻ, đặc biệt là tấm gương của người lớn. Chúng ta biết, thời xưa trong chiến tranh, thanh niên sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Ngày nay, cuộc sống nhiều mặt đã tác động, làm cho tư duy, cách suy nghĩ của mỗi người cũng khác nhau.

Việc này chỉ tạo nên sự đồng thuận khi biết giáo dục thanh niên có lý tưởng trong sáng, biết học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đảng ta rất coi trọng việc học tập, noi gương và làm theo Bác Hồ. Nhưng làm sao sự học tập đó phải hiệu quả, tránh hình thức, phải thực chất. Điều này khó nhưng phải làm trong các tổ chức, đoàn thể và nhà trường.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ một khao khát cứu nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO