Đại tướng Lê Đức Anh kể về bối cảnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam

Theo Dantri 26/04/2019 11:00

"Trong bối cảnh xã hội những năm 1930 - 1940, khi mà người ta tình nguyện vào Đảng Cộng sản tức là sẵn sàng đón nhận mọi sự nguy hiểm, bắt bớ, tra tấn, tù đày từ bộ máy cai trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến, thì mới hiểu được rằng, lúc đó muốn giác ngộ quần chúng để phát triển lực lượng cách mạng, cán bộ, đảng viên cộng sản phải chọn nơi tin cậy"- Đại tướng Lê Đức Anh kể lại bối cảnh khi ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chúng tôi xin giới thiệu một số trích đoạn trong chương 1 "Tuổi thơ và những ngày đầu tham gia cách mạng" trong hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" của Đại tướng Lê Đức Anh:

***

... Từ chỗ được giao việc đọc sách, báo cho dân chúng nghe, tôi được giác ngộ và năm 17 tuổi tôi chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Đầu năm 1937, nghe tin đại diện của Chính phủ Pháp sẽ sang điều tra tình hình ở Đông Dương, một cuộc vận động rất sôi nổi đã diễn ra ở Thừa Thiên - Huế. Tôi được anh Hồ Nguyên giao nhiệm vụ đi vận động lấy chữ ký của nông dân các làng vào danh sách yêu cầu đối với thực dân Pháp. Cuộc vận động hồi đó gọi là "lấy yêu cầu" chứ không nói là "yêu sách", trong đó có hai nội dung rất thiết thực đối với dân chúng, một là giảm thuế điền thổ, hai là bỏ thuế thân. Hồi đó, chúng tôi tích cực đi vận động. Lúc này ba tôi vui lắm và động viên tôi hoạt động.

Đại tướng Lê Đức Anh kể về bối cảnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại tướng Lê Đức Anh.

Có thể nói, "phong vào dân chủ" đã nhanh chóng trở nên sôi nổi, rộng khắp. Từ chỗ đấu tranh đòi giảm thuế đã tiến tới đòi giảm đi xâu, giảm sưu, giảm phu phen lao dịch, đòi tự do, hòa bình. Đây là cuộc biểu dương lực lượng hùng hậu, thể hiện khí thế đấu tranh của các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện khẩu hiệu của Mặt trận Dân chủ do Đảng lãnh đạo. Lúc này tôi hiểu thêm những việc làm của ông Đỗ Tram thông qua anh Hồ Nguyên và ông Lê Bá Dị. Tôi tham gia hoạt động cách mạng bắt đầu từ việc đọc sách, báo, tuyên truyền cho dân chúng, trao đổi với nhau về tình hình đất nước bàn cách đấu tranh đòi giảm sưu thuế hà khắc của thực dân, phong kiến, đòi tự do, dân chủ,... ở làng quê.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1938), ông Đỗ Tram và ông Lê Bá Dị, sau đó anh Hồ Nguyên và anh Hoàng VănViễn (tức anh Huỳnh Văn Viết) đến nhà tôi. Ông Đỗ Tram nói: Hôm nay Chi bộ đồng ý cho cháu Lê Đức Anh vào Đảng Cộng sản. Anh Huỳnh Văn Viết và anh Hồ Nguyên là hai người giới thiệu. Anh Viết chính là cậu thiếu niên mà tám năm trước (năm 1930) đã giao cho tôi cất giấu lá cờ cách mạng. Và, đêm 30 tháng 4, rạng ngày 1/5/1930, tôi đã bí mật trao lá cờ cho anh Viết treo trên ngọn phi lao ở chợ Trường Hà bên phá Tam Giang. Phải nhận rõ trong bối cảnh xã hội những năm 1930 - 1940, khi mà người ta tình nguyện vào Đảng Cộng sản tức là sẵn sàng đón nhận mọi sự nguy hiểm, bắt bớ, tra tấn, tù đày từ bộ máy cai trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến, thì mới hiểu được rằng, lúc đó muốn giác ngộ quần chúng để phát triển lực lượng cách mạng, cán bộ, đảng viên cộng sản phải chọn nơi tin cậy mà nơi tin cậy đầu tiên chính là những người thân trong gia đình, họ mạc của mình. Ông Lê Bá Dị và ông Đỗ Tram đã giác ngộ và kết nạp ba chúng tôi vào Đảng (tôi, anh Hồ Nguyên và anh Hoàng Văn Viễn) trong bối cảnh như vậy.

Đại tướng Lê Đức Anh kể về bối cảnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam - 1

Đại tướng Lê Đức Anh và phu nhân cùng các con, cháu tại nhà riêng ở TP HCM năm 2008. (Ảnh trong cuốn Hồi ký).

Cuối năm 1938, đầu năm 1939, ở nước Pháp, Chính phủ của Đảng Xã hội bị đổ, phái hữu lên nắm quyền. Sự biến động về chính trị này lập tức ảnh hưởng trực tiếp đến các nước thuộc địa của Pháp, trong đó có Đông Dương. Bắt đầu diễn ra một cuộc khủng bố, bắt bớ quyết liệt, nhiều đảng viên và người yêu nước đã bị bắt.Tháng 10/1939, thực dân Pháp thực hiện cuộc khủng bố ở Thừa Thiên, hầu hết các đồng chí đảng viên huyện Phú Vang bị bắt. Hệ thống cơ sở bị vỡ, phong trào cách mạng Phú Vang bị tổn thất nặng nề; số cơ sở còn lại phải rút vào hoạt động bí mật nhằm bảo đảm duy trì những hoạt động của Đảng sau này. Anh Hồ Nguyên bảo tôi: "Cậu phải lánh đi ngay không là nó bắt". Nhưng rồi ngay sau đó anh Nguyên và anh Viễn cũng bị chúng bắt.

Trước tình hình đó, tổ chức cộng sản chủ trương: tất cả đảng viên rút vào hoạt động bí mật, tự thân di tản để bảo toàn lực lượng, khi có thời cơ thì tìm cách bắt liên lạc với tổ chức tiếp tục hoạt động cách mạng. Một ngày cuối năm 1939, tôi bí mật ra đi. Đêm hôm trước, tôi và ba tôi đã tâm sự nhiều điều. Biết tình hình địch vây ráp, bắt bớ, nên ba tôi khuyên: Trong thời buổi khó khăn này, con phải tự lo cho bản thân và giữ sức khỏe. Ba má và gia đình rất tin tưởng con.

Trích hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" của Đại tướng Lê Đức Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại tướng Lê Đức Anh kể về bối cảnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO