ĐBQH Ngô Văn Minh: Có bản lĩnh trời đi nữa mà một "a lô" tới là thôi rồi!

Thùy Dương 23/06/2015 16:29

Dẫu tại phiên thảo luận về dự án Luật tố tụng hành chính sửa đổi diễn ra vào sáng 23-6, nhiều ĐB bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo Luật. Tuy nhiên vài ĐBQH đã bày tỏ quan điểm đồng tình với dự thảo luật bởi trên thực tế thẩm phán huyện có dám "va" với chính quyền huyện hay không?. V

Là Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật song ĐB Đỗ Văn Đương là số ít, khi ông bày tỏ quan điểm đồng ý với dự thảo luật đó là giao cho Tòa án tỉnh thụ lý giải quyết đối với khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch hoặc của Ủy ban huyện. Bởi theo ông: "Tư pháp càng độc lập với hành pháp bao nhiêu thì càng tốt, nhất là đối với án hành chính, tức là dân kiện quan thường yếu thế hơn". Theo ông Đương, rõ ràng thực tế chỉ ra nguyên nhân chính mà án hành chính cấp huyện bị hủy nhiều không phải do trình độ mà do ngại va chạm với chính quyền. Ông Đương nói: "Tôi đã biết được nhiều đồng chí nói rằng anh muốn làm thẩm phán hay kiểm sát viên thì trước hết anh phải làm được cán bộ ở huyện, đấy là thực tế. Bây giờ ta muốn đổi mới việc này, theo tôi hiện hành thì sơ thẩm hay phúc thẩm ở tỉnh cũng đều nằm trong tỉnh đó cả, bây giờ ta đổi mới đưa phần quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện lên cho tỉnh xử sơ thẩm và những vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của tỉnh thì tới đây đều đưa lên Tòa án cấp cao. Tòa án cấp cao thành lập theo luật mới thì tòa án này hoàn toàn độc lập với chính quyền địa phương. Số án hành chính này không nhiều có 4.500 vụ chia đều cho 63 tỉnh, thành không nhiều, kể cả cấp huyện xử khi phúc thẩm vẫn lên tỉnh, hai cấp xét xử vẫn phải lên tỉnh".

Đồng quan điểm, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng cho rằng: Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phải mở rộng thẩm quyền này theo hướng cấp hành chính như trong dự thảo. Ví dụ cấp huyện là cấp tỉnh xử, cấp tỉnh là Tòa án cấp cao xử, tôi thấy hay hơn nhiều. "Tôi không dám đánh giá đội ngũ thẩm phán của cấp huyện hay cấp tỉnh yếu kém chỗ này thì không phải. Các đồng chí đó đảm bảo đủ tất cả trình độ năng lực, kể cả bản lĩnh nữa nhưng dù có bản lĩnh trời đi nữa mà một "a lô" tới là thôi rồi, khó lắm. Dù dân có đi xa hơn một tý nhưng niềm tin vào công lý tốt hơn thì dân cố gắng đi xa. Để công lý khách quan đi một tý thì cố gắng động viên dân đi xa để độ an toàn pháp lý tốt hơn"-ông Minh nói.

Theo ĐB Trần Du Lịch ( TP. Hồ Chí Minh) dân kiện tới Chủ tịch huyện có nghĩa là cấp ủy đã quyết rồi, đã bàn rồi và đây là vấn đề tế nhị. Người dân gặp tôi nói ông Lịch ơi ông đừng xúi tôi về huyện kiện vì nó mất công, bởi vì công an thì làm sao mà kiện được. Đó là thực tế của ta, hệ thống chính trị của ta là vậy. "Chúng ta đừng đem việc khó giao cho ông thẩm phán huyện. Đây là vấn đề khó cho họ chứ không phải là tôi không tin họ có trình độ là vấn đề tế nhị trong thể chế của ta"-ông Lịch bày tỏ quan điểm đồng tình với dự thảo luật là mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH Ngô Văn Minh: Có bản lĩnh trời đi nữa mà một "a lô" tới là thôi rồi!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO