Để nông dân không còn khổ vì phân bón giả

M.Loan (ghi) 02/11/2015 21:21

(Ý kiến thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII của đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội).

Tôi xin dành thời gian còn lại để nói về một vấn đề rất đáng quan tâm là tình trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón ở Việt Nam. Bài phát biểu của tôi có sử dụng tư liệu của một số chuyên gia về nông nghiệp.

Có thể khẳng định những thiệt hại do sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra cho mùa màng, môi trường, sức khỏe cộng đồng và uy tín của thương hiệu nông sản Việt Nam là khôn xiết. Báo Nhân dân ra ngày 12/10 vừa qua đã nêu ra con số: mỗi năm chúng ta thiệt hại khoảng 2 tỷ USD do sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Hàng năm, trong nhiều nghìn tỉ đồng phân bón thu được từ túi tiền của nông dân trên cả nước có tỉ lệ lớn tiền mua bán các loại phân bón dởm, phân bón giả, gây rất nhiều thiệt hại cho nông dân, nông nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Thực trạng này thì rất dễ nhận thấy, nhưng giải pháp khắc phục cho đến nay vẫn không mấy mang lại hiệu quả và cách xử lý thì chưa thật nghiêm minh.

Nhiều năm qua nông dân cả nước vẫn cứ tiếp tục khốn đốn vì các loại phân bón dởm, phân bón giả, phân bón kém chất lượng và ngày càng tràn lan. Nông dân thì không có cách nào phân biệt hư thực trước khi mua phân bón. Thực trạng này như một dịch bệnh vô phương cứu chữa và dường như cứ đổ hết lên đôi vai của người nông dân Việt Nam!

Theo như tôi được biết thì có xấp xỉ 5.300 chủng loại phân bón đã có trong danh mục chính thức và xấp xỉ 1.000 loại đã cấp xong giấy hợp chuẩn, hợp qui, chưa kể các loại phân bón truyền thống nằm ngoài danh mục ước tính cũng xấp xỉ 1.000 loại nữa. Như vậy, thị trường phân bón tại Việt Nam đang tồn tại khoảng 7.000 các chủng loại phân bón, gồm: phân hóa học, phân hữu cơ, phân hữu cơ – khoáng, phân vi lượng, phân bón dưới rễ và phân bón lá. Đây chính là một tồn tại vô cùng lớn trong thị trường phân bón ở Việt Nam. Với số lượng các chủng loại phân bón như vậy thì thật khó cho công tác quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như việc hướng dẫn sử dụng cho nông dân. Chính vì những tồn tại trên nên thị trường phân bón Việt Nam luôn tồn tại và “phát triển” những loại phân bón giả, phân bón nhái và giả mạo nhãn hiệu và thương hiệu của những loại phân bón khác. Phổ biến là những loại phân kém chất lượng tới mức chỉ còn 20-30% hàm lượng theo đăng ký và công bố TCCL. Đó cũng chính là câu trả lời rằng tại sao năng suất nông nghiệp VN thấp, chất lượng sản phẩm không cao, chất lượng sản xuất nông nghiệp qua nhiều không tăng được là bao.

Trong khi các quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp lớn và những quốc gia phát triển cũng chỉ sử dụng từ 20-30 loại phân bón. Một quốc gia rất gần chúng ta và cũng là nước có nên nông nghiệp phát triển là Thái Lan cũng chỉ có 100 chủng loại phân bón dùng cho sản xuất nông nghiệp. Vậy mà không hiểu vì sao Việt Nam lại sản xuất, kinh doanh và sử dụng quá nhiều chủng loại phân bón như vậy?!

Những năm gần đây đã có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường và qua phát hiện đã có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Cũng có rất nhiều những vụ việc thanh kiểm tra, phát hiện những loại phân bón giả phân bón kém chất lượng ở nhiều địa phương mà kết quả đều được xử lý “êm đẹp” để rồi nông dân cả xã, cả huyện, rồi cả tỉnh phải tiếp tục gánh chịu nạn phân giả, phân kém chất lượng?! Có những công ty đã nhiều lần bị phát hiện sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, quảng cáo hoàn toàn không đúng sự thật, kết quả kiểm nghiệm hàng hóa cho thấy các chất thực có không như in trên bao bì, mà vẫn cứ tiếp tục được vận hành hoặc sau rất nhiều bước thanh tra, kiểm nghiệm, tranh cãi, vụ việc lại được chốt lại bằng hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Vụ việc sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong bị Ban chỉ đạo 389 phanh phui là một ví dụ điển hình về sự “nương nhẹ” của Chính quyền địa phương. Chỉ đến khi có sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an vào cuộc thì vụ việc mới dần được làm sáng tỏ.

Nguyên nhân thì không có gì khác là sự buông quản lý mà hậu quả là nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn tiếp tục làm khổ những người nông dân đang vô cùng bức xúc và chịu bao thiệt thòi. Theo ý kiến của tôi cần nhanh chóng thực hiện những việc sau đây:

Một là: cần giao Bộ NN&PTNT soạn thảo và chuẩn hóa khoảng 100 loại phân bón phục vụ cho các qui trình kỹ thuật bón phân cho các loại cây trồng chính. Soạn thảo qui trình hướng dẫn sử dụng hợp lý những loại phân bón trên. Như vậy các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón chỉ được phép sản xuất và kinh doanh với 100 loại phân bón theo qui chuẩn quốc gia. Theo đó các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón sẽ cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh bằng chất lượng, giá cả, mẫu mã bao bì, chính sách thương mại và chăm sóc khách hàng, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất cây trồng...

Hai là: cần giao Bộ Công thương chịu trách nhiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nguyên vật liệu và các chủng loại phân bón cho sản xuất nông nghiệp; chịu trách nhiệm cấp phép và giám sát các điều kiện cần và đủ cho việc sản xuất phân bón. Chỉ có làm như vậy thì công tác quản lý mới dễ hơn, hạn chế tối đa những tiêu cực trong quản lý, khuyến khích tối đa những tích cực trong cạnh tranh để sản xuất và kinh doanh phân bón. Nếu làm được điều này chắc chắn người hưởng lợi nhiều nhất sẽ là người nông dân, sau đó là người tiêu dùng và thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Ba là: cần xử lý nghiêm khắc, xử lý thật nặng hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Hành vi đó phải được coi nặng hơn nhưng hành vi sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả, hàng kém chất lượng khác vì người sử dụng là nông dân vốn là nhóm yếu thế trong xã hội.

Kính thưa Quốc hội,

Những người nông dân Việt Nam đã chịu hy sinh rất nhiều trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước dù trong hoàn cảnh nào họ luôn sẵn sàng đóng góp tất cả sức lực, trí tuệ, vật chất và máu xương cho Tổ quốc. Việt Nam với 90 triệu dân thì nông dân vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của ngành nông nghiệp. Để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững theo quan điểm của Đảng thì không phải ngày một, ngày hai mà có được. Nhưng điều trước mắt và tiên quyết phải làm là giúp những người nông dân đáng thương và đáng kính thoát khỏi vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để nông dân không còn khổ vì phân bón giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO