Để nông nghiệp cất cánh

Việt Thắng (thực hiện) 26/06/2017 08:05

Dù chỉ được đầu tư 5,5% nhưng nông nghiệp đóng góp tới 18% cho GDP. Dư địa của sản xuất nông nghiệp là vô cùng lớn. Nhưng điểm yếu của nông nghiệp chính là thiếu sự ổn định, được mùa mất giá, đầu ra cho nông sản khó khăn. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng: Trong sản xuất vai trò định hướng rất quan trọng. Cơ quan quản lý nhà nước phải định hướng nhu cầu của thị trường cả trong và ngoài nước một cách chính xác.

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết phát biểu tại kỳ họp thứ 3 QH khóa XIV.

PV: Thưa bà, chúng ta đang tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, sản xuất. Nhưng nông nghiệp của ta vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại, trong đó có việc được mùa mất giá, nhiều loại nông sản ế ẩm. Đâu là nguyên nhân chính, thưa bà?

Bà Mai Thị Ánh Tuyết: Sản xuất phải gắn liền với thị trường, mà thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng nên lộ trình này phải đi từng bước, có định hướng của Chính phủ, bộ, ngành... Không làm tốt được khâu định hướng thì người dân tự phát chuyển đổi. Và chính cái đó làm thiệt cho người dân nhiều hơn. Chúng ta biết, với lúa Nhà nước có thể can thiệp vào tạm trữ thì còn giải quyết được, nhưng còn rau quả với một hệ thống mà chúng ta chưa có bảo quản tốt như hiện nay thì vấn đề tiêu thụ rất khó. Nếu không có định hướng, người dân ồ ạt thấy cây, con gì hiệu quả thì chuyển sang nuôi trồng nhiều dẫn đến cung vượt quá cầu. Đây là hướng đi chuyển đổi nhưng cần có vai trò định hướng của Nhà nước, từ chính sách quản lý đến lộ trình đi như thế nào phải rõ ràng.

Bất cập lớn nhất của nông nghiệp là quy hoạch phân vùng chuyên canh. Muốn chuyển đổi sản xuất hàng hóa lớn, đi vào thị trường có chuỗi liên kết, xâm nhập vào hệ thống toàn cầu đòi hỏi một lượng hàng hóa lớn, phải tích tụ, đòi hỏi những tiêu chuẩn thì không chỉ tỉnh mà phải có phân vùng. Ví dụ như đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nam Bộ phải liên kết được với các địa phương. Hiện nay liên kết giữa các địa phương không tốt, trong đó cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố quyết định.

Mặt khác, để đưa hàng hóa đến cảng đi xuất khẩu, hay chuyển tới các địa phương trong nước thì giá cả cũng rất quan trọng. Vừa qua thị trường cũng bị cạnh tranh về giá cả do hệ thống vận tải của ta kém. Hiện nay các địa phương, nhất là tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long người ta rất bức xúc vì cơ sở hạ tầng tại vùng này đang còn yếu kém so với cả nước. Thống kê ở đây cho thấy đầu tư cho khâu này chỉ bằng 1/7 so cả nước, trong khi đây là nơi cung cấp lương thực có vị trí vai trò rất lớn hiện nay. Cho nên cần cơ chế, chính sách đầu tư cho những vùng trọng điểm. Nhà nước cần quan tâm để tác động cho các khu vực phát triển nông nghiệp trọng yếu có điều kiện phát triển, tạo điều kiện giúp cho các tỉnh này hạ chi phí sản xuất.

Có ý kiến cho rằng, tại Nhật Bản hay Hàn Quốc họ luôn tập trung cho hàng trong nước có chất lượng và người dân dùng hàng tốt nhất. Còn ta thì cái gì ngon là hướng đến xuất khẩu và khi tiểu ngạch dừng ta gặp khó khăn. Ý kiến của bà?

- Như đã nói, trong sản xuất thì vai trò định hướng rất quan trọng, vừa rồi ta thiếu định hướng. Mỗi thị trường đều có tiêu chuẩn riêng như thị trường xuất khẩu khác với thị trường nội địa. Ví dụ ngay như thịt lợn thì người Trung Quốc thích ăn thịt mỡ nhiều hơn, còn ta thì thịt nạc nhiều hơn. Tôi nói như vậy để thấy riêng thịt lợn đã có nhiều loại tiêu chuẩn rồi. Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải định hướng nhu cầu của thị trường ở trong và ngoài nước.

Trên cơ sở định hướng để sản xuất gắn với các tiêu chuẩn kèm theo là rất cần thiết. Vai trò quản lý nhà nước không nên tham gia sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Cái đó để cho doanh nghiệp làm, còn vai trò định hướng của Nhà nước để chèo lái sản xuất và cơ chế chính sách kèm theo. Ví như bớt cái gì? mở cái gì? thì Nhà nước quyết định, định hướng thông qua cơ chế chính sách. Hy vọng qua các sự vụ giải cứu nông sản vừa qua, Nhà nước sẽ làm tốt vai trò quản lý của mình, giúp cho sản xuất nông nghiệp tốt hơn.

Vậy bà có cho rằng chúng ta nên tập trung mạnh cho thị trường trong nước để giữ ổn định?

- Hiện nay chúng ta nặng về xuất khẩu hơn. Nhưng phải thấy rằng thị trường trong nước rất phong phú đa dạng và có tiềm năng rất lớn, ổn định. Trong khi các nước đang “nhòm ngó” thị trường của ta, vậy tại sao ta không chiếm lĩnh thị trường này? Cho nên, tôi cho rằng, sắp tới về phía Nhà nước, các doanh nghiệp phải quan tâm đến các mặt hàng nông sản của Việt Nam từ tiêu chuẩn, các vấn đề liên quan đến nhu cầu của người trong nước, thị hiếu, rồi tất cả các vấn đề liên quan để tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường.

Người dân đang rất quan tâm đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc cho nên hàng hóa trong nước mà đáp ứng được thì chắc chắn sẽ cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ các nước vào vì giá thành của ta hạ hơn do mình sản xuất trong nước. Chính phủ cũng quyết tâm có những cơ chế để hạ giá thành cho nên vấn đề cạnh tranh về giá rất thuận lợi. Nếu mà quyết tâm làm, chiếm lĩnh thị trường trong nước thì ta có nhiều cơ hội. Và đây là thị trường tiềm năng để cho nông nghiệp phát triển.

Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Vậy làm sao tạo được đòn bẩy vì thời gian sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vừa qua chưa rõ nét, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp?

- Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề tất yếu đối với các nước đang phát triển. Nó làm cho giá trị hàng hóa tăng lên, tác động nhanh cho ngành nông nghiệp. Cái đó chúng ta cũng đã định hướng, nhưng vừa qua chính sách của ta để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa đủ mạnh. Cho nên thời gian tới cần quan tâm, có những chính sách thông thoáng tạo thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, đem lại những sản phẩm có giá trị cao, sạch và an toàn.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để nông nghiệp cất cánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO