Đổi mới nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Ảnh: Hoàng Long 22/09/2015 12:10

Ngày 22/9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56- KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 ( khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Ủy viên Bộ chính trị Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Kinh tế tập thể là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị đã đạt được một số kết quả bước đầu: kinh tế tập thể, hợp tác xã đã dần phục hồi và tiếp tục phát triển. Lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, đóng góp của khu vực hợp tác xã vào GDP đã tăng , số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác mới thành lập tăng nhanh. Các hợp tácxã đang được đổi mới, hoạt động theo đúng bản chất, nguyên tắc của kinh tế tập thể, được củng cố về tổ chức, phương thức quản lý, nâng cao trình độ sản xuất, hoạt động có hiệu quả, đa dạng hơn về ngành nghề, hỗ trợ các thành viên sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy vậy, sau nhiều năm thực hiện kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn những tồn tại, yếu kém , phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả còn ít, quy mô của các tổ hợp tác, hợp tác xã còn nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu; trình độ đội ngũ cán bộ quản lý còn yếu, chất lượng, hiệu quả hoạt động, thu nhập của xã viên của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn thấp,tỉ lệ đóng góp vào GDP thấp. Quá trình triển khai đăng ký lại hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 không chỉ diễn ra chậm mà chất lượng cũng chưa đạt yêu cầu.

Tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, đánh giá tình hình, kết quả đạt được, phân tích những hạn chế, yếu kém, cũng như các nguyên nhân của nó và thảo luận các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận 56. Trong đó, làm rõ nguyên nhân vì sao trong thời gian qua, mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhưng kinh tế tập thể còn chậm phát triển, tồn tại nhiều yếu kém. Đồng thời, các đại biểu cũng nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng cách làm của các mô hình hợp tác xã điển hình thành công trong giai đoạn vừa qua để triển khai nhân rộng ở địa phương mình cho phù hợp.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường, cho biết, qua 3 năm thực hiện kinh tế tập thể tiếp tục phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả nâng cao thu nhập của các thành viên. Cả nước có gần 143 nghìn tổ hợp tác đang hoạt động với hơn 1,5 triệu thành viên. Các tổ hợp tác đã khắc phục một số hạn chế yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, giảm bớt rủi ro tăng sức cạnh tranh. Cùng với đó cả nước cũng có 18.837 HTX thu hút sự tham gia của hơn 7,3 triệu thành viên. Vốn điều lệ bình quân là hơn 1,3 tỷ đồng, doanh thu bình quân ước đạt 2,9 tỷ đồng/HTX/năm, thu nhập người lao động ước đạt gần 1,7 triệu đồng/tháng.

Đóng góp của khu vực HTX vào GDP năm 2013 lần đầu tiên trong gần 20 năm qua đã tăng hơn so với năm trước. Tổng doanh thu của các HTX năm 2014 đạt 26.400 tỷ đồng tăng 2.460 tỷ đồng so với năm 2013.

Tuy nhiên qua 3 năm, việc triển khai kết luận 56 vẫn còn những hạn chế yếu kém như việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền phổ biến kết luận 56 triển khai chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Đến nay vẫn còn 25 tỉnh thành phố chưa ban hành nghị quyết chương trình kế hoạch triển khai thực hiện kết luận 56 của Bộ chính trị. Kinh tế tập thể phát triển chậm, còn nhiều yếu kém. Phần lớn các THT thành lập tự phát, không đăng ký chứng thực, quan hệ hợp tác lỏng lẻo, không đảm bảo tính ổn định bền vững. Chất lượng hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các HTX, THT còn thấp – chỉ có khoảng 10% HTX nông nghiệp làm ăn hiệu quả, có đến 60-70% số HTX hoạt động cầm chừng không hiệu quả và 20-30% HTX phải ngừng hoạt động. Lợi nhuận bình quân năm 2014 rất thấp đạt 246 triệu đồng/năm/HTX tương đương 670 ngàn đồng/ngày.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kết luận 56 của Bộ Chính trị, Ban kinh tế Trung ương đề ra một số giải pháp trong đó tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, học tập nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX. Hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành luật Hợp tác xã năm 2012. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; Xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về kinh tế tập thể; Tăng cường vai trò, trách nhiệm của hệ thống liên minh HTX Việt Nam, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể.

Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị Bộ chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo cấp ủy đảng, ban cán sự các bộ, ngành, các tỉnh thành ủy cần đánh giá và đề ra giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX, trọng tâm là đổi mới và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn trong quá trình xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Đảng các cấp và đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đảng đoàn Quốc hội xây dựng và thực hiện chương trình giám sát thi hành Luật HTX; HĐND các cấp có kế hoạch kiểm tra giám sát việc thi hành Luật HTX tại các địa phương. Chính quyền địa phương các cấp tập trung chỉ đạo rà soát đăng ký lại và phát triển HTX theo Luật HTX năm 2012 nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Kiến nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hoàn thành hướng dẫn thi hành luật HTX năm 2012 theo quy định. Kiện toàn bộ máy, tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Kiến nghị MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát, vận động nhân dân tuyên truyền thực hiện chính sách phát triển kinh tế tập thể, vận động hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO