Đối ngoại Việt Nam 2020: Bận rộn với 'vai trò kép'

Hoàng Mai 25/01/2020 10:00

Năm 2020 có thể coi là năm bận rộn của đối ngoại Việt Nam ngay từ tuần đầu, tháng đầu, quý đầu. Nói là bận rộn bởi, năm 2020, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo luân phiên và cũng trong tháng đầu tiên của năm 2020, chúng ta sẽ bắt đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc bằng chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngay từ tháng 1/2020. Nói một cách khác, năm 2020 là năm Việt Nam sẽ thể hiện vai trò kép của mình trên bình diện ngoại giao đa phương: Cả trong khu vực và trên thế giới.

Đối ngoại Việt Nam 2020: Bận rộn với 'vai trò kép'

Từ vị trí Chủ tịch ASEAN…

Năm 2020 với ASEAN là năm bản lề quan trọng để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015-2025. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN. Việt Nam cũng bắt đầu đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Dù đã từng 1 lần đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2010 nghĩa là đã được coi là có kinh nghiệm trong điều hành các vấn đề của ASEAN, đây là một thuận lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp đặt ra nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại…, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, xuất phát từ các vấn đề đặt ra cho ASEAN cũng chính là những thách thức khi chúng ta “chèo lái” con thuyền ASEAN nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã lựa chọn Chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

“Với “Gắn kết” (cohesive), chúng tôi mong muốn củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Với “chủ động thích ứng” (responsive), chúng tôi mong muốn nâng cao năng lực của ASEAN để có thể thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, trước các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…, đồng thời cũng là nâng cao khả năng tận dụng các cơ hội và hạn chế những thách thức do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.” - Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã chia sẻ như vậy.

Gắn kết và thích ứng là hai thành tố có tính giao thoa, bổ trợ chặt chẽ. Một cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng hiệu quả để giúp ASEAN trở thành một khối gắn kết chặt chẽ. Để có thể gắn kết và giúp cộng đồng hơn 665 triệu dân thích ứng với những vấn đề của thế giới, Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong Năm Chủ tịch ASEAN.

Đến Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an

Trong một lần trả lời báo chí nhân sự kiện Việt Nam được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu rất cao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, trong cơ chế đa phương quan trọng bậc nhất này thì quan trọng nhất là sự phối hợp, hợp tác của các nước thành viên không thường trực và thường trực nhằm đảm bảo làm sao tất cả vấn đề đưa ra giải quyết tại Hội đồng Bảo an đạt được đồng thuận là tốt nhất. Còn nhiều vấn đề chúng ta phải thể hiện quan điểm, nên cần nghiên cứu kỹ cũng như ra quyết định chính xác. Tham gia Hội đồng Bảo an là quyết định quan trọng. Chúng ta thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam nhưng đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là một thành viên trong tổ chức Liên hợp quốc, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

“Chúng ta tham gia vào Hội đồng Bảo an để đóng góp vào vấn đề quan trọng nhất hiện nay của thế giới - đó là duy trì được hòa bình, an ninh và ổn định.” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói.

Đây là lần thứ 2 trong 10 năm, Việt Nam được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và ở lần thứ 2 này chúng ta được bầu với số phiếu rất cao, gần như tuyệt đối- điều này càng khẳng định bạn bè quốc tế đặt niềm tin vào chúng ta. Về phần mình, tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hòa bình an ninh; mong muốn đóng góp vào các nỗ lực như giải quyết vấn đề sau xung đột, vấn đề phụ nữ trẻ em trong xung đột hay xử lý bom mìn…, dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Nói về mục tiêu mà chúng ta hướng đến khi ứng cử vào cơ quan này, Phó Thủ tướng cho biết: “Chúng ta mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, giải quyết những vấn đề toàn cầu, hòa bình an ninh, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây là mục đích cao nhất mà chúng ta mong muốn đóng góp vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.”

Vị thế Việt Nam

Việt Nam đạt được số phiếu cao và đặc biệt là ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á - Thái Bình Dương là một nỗ lực, quyết tâm rất lớn của chúng ta trong cả quá trình. Điều đó cũng thấy được rằng uy tín, vị trí, vai trò và khả năng đóng góp của Việt Nam cho Hội đồng Bảo an, từ đó tạo ra được sự thống nhất trong nhóm châu Á - Thái Bình Dương đề cử Việt Nam. Ngay khi Việt Nam vừa trúng cử vào chức ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, GS danh dự ĐH New South Wales, ông Carl Thayer nhận xét, trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã được Mỹ ca ngợi vì những đóng góp tích cực về các vấn đề then chốt như không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố. Có lẽ vì những đóng góp ấy và nhiều đóng góp khác mà Việt Nam đã tạo cho các quốc gia trên thế giới một sự tin cậy nhất định, khi luôn luôn đề cao luật pháp quốc tế trong giải quyết các vấn đề tranh chấp. Với châu Á- Thái Bình Dương, Việt Nam là ứng viên duy nhất- điều ấy chứng tỏ, Việt Nam đã cho thấy vai trò quan trọng của mình ở khu vực, nhất là sau thành công của Hội nghị cấp cao APEC 2017 với nhiều nguyên thủ của các nước lớn tham dự. Đầu năm nay, Việt Nam cũng đã để lại ấn tượng rất tốt khi tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội.

Nói về những kỳ vọng trong nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an của Việt Nam, Đại sứ Olof Skoog, Trưởng phái đoàn Thuỵ Điển tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ sự trông đợi Việt Nam tiếp tục truyền thống tôn trọng luật quốc tế đó khi tham gia Hội đồng Bảo an. Còn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: Năm 2020 với vai trò kép của mình, Việt Nam sẽ đóng góp hiệu quả vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an; đó là phối hợp, thúc đẩy quan hệ giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực. Là Chủ tịch của ASEAN thì chúng ta có điều kiện thúc đẩy vấn đề này. Phó Thủ tướng cũng dự báo: Năm 2020 sẽ là năm hết sức bận rộn và nhiều công việc phải làm.

5 ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020

Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế…

Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác…

Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.

Năm là, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: Cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối ngoại Việt Nam 2020: Bận rộn với 'vai trò kép'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO