Họp Chính phủ thường kỳ tháng 2: Nặng nề nỗi lo thiên tai

Nguyên Khánh 29/02/2016 20:45

Chiều 29/2, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định chủ trì họp báo thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí về phiên họp này. Vấn đề cấp bách chống hạn, xâm ngập mặn, những hiện tượng bất thường của thiên tai là những thông tin chính của cuộc họp báo.

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 2: Nặng nề nỗi lo thiên tai

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.

Trước đó, ngày 29/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.

Nỗ lực ngay từ những ngày đầu năm mới

Về tình hình kinh tế xã hội 2 tháng đầu năm 2016, theo Thủ tướng, mặc dù tháng 2 có 9 ngày nghỉ Tết nhưng các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai tốt các chương trình, kết hoạch hành động về phát triển kinh tế xã hội. Qua 2 tháng nhìn lại, tình hình kinh tế xã hội của đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết lĩnh vực.

Nỗ lực ngay từ những tháng đầu tiên

Theo ông Nguyễn Khắc Định, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả khả quan. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2016 tăng 0,42% so với tháng trước.

Xuất khẩu 2 tháng ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ, xuất siêu khoảng 865 triệu USD. Thu hút vốn ODA, FDI tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước đến 15/2 ước đạt 15,8% dự toán năm, tăng 2,4% (thu nội địa tăng mạnh và tăng 12,8%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá, 2 tháng tăng 6,6%.

Nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết kém thuận lợi nhưng vẫn phát triển khá ổn định, bảo đảm nguồn cung trong và sau Tết Nguyên đán. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt khoảng 1,64 triệu lượt, tăng 16%.

Để đạt được kết quả như vậy, theo ông Nguyễn Khắc Định, ngay từ những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ tết dài, các thành viên chính phủ đã bắt tay ngay vào việc, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã có chỉ đạo rất sớm.

Ngay tại Văn phòng Chính phủ đã phân việc rõ ràng, có nhiều công điện chỉ đạo trực tiếp cho các địa phương. Nhờ vậy kết quả kinh tế-xã hội đã có những kết quả tích cực.

Cấp bách ứng phó thời tiết dị thường

Theo ông Nguyễn Khắc Định, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ bày tỏ sự lo lắng về tình hình thời tiết có diễn biến phức tạp, khó lường, rét hại, rét đậm tại khu vực phía Bắc, hạn hán nghiêm trọng tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp.

Hạn hán miền Tây trở nên khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lương thực, chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Vùng này nguy kịch, chắc chắn sẽ kéo theo sự u ám trong phát triển nông nghiệp của cả nền kinh tế.

Thực tế, hạn hán khốc liệt không phải vấn đề mới nảy sinh mà đã là tình trạng báo động “đỏ” từ năm 2015, với cao trào xuất hiện ở tỉnh Ninh Thuận; khiến tỉnh này lần đầu tiên tỉnh Ninh Thuận công bố thiên tai trong hơn 20 năm (năm 2015), sau gần 18 tháng bị nắng nóng gay gắt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho hay, Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và đã ban hành nhiều chỉ thị để chống hạn cũng như xâm ngập mặn. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo cấp khoảng 85,1 tỷ đồng hỗ trợ bước đầu khắc phục hạn hán. Trường hợp ngân sách TƯ chưa chuyển về kịp, địa phương phải ứng ngay ngân sách để hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Về giải pháp cụ thể chống hạn theo ông Nguyễn Khắc Định, sẽ có bản đồ xâm ngập mặn để phổ biến đến người dân để chủ động ứng phó đồng thời xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý. Thậm chí, sẽ làm ống dẫn nước, có biện pháp chở nước từ nơi khác đến cho dân sinh hoạt, điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo hướng chuyển dịch mùa vụ phù hợp điều kiện nguồn nước.

Tại phiên họp vấn đề xây tháp truyền hình của VTV, dự án xây resort 4 sao tại rừng quốc gia Ba Vì cũng được ông Nguyễn Khắc Định lần lượt trả lời.

Về dự án xây dựng tháp truyền hình của VTV ông Định cho biết, chủ trương xây tháp truyền hình đã có từ năm 1995. Tháp này xây dựng không chỉ dùng cho kỹ thuật truyền hình mà nhiều mục tiêu khác nhau đặc biệt là điểm nhấn về du lịch.

Năm 2013 Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục đề xuất xây dựng tháp đa mục tiêu này. Thủ tướng yêu cầu các bộ, trong đó có Bộ Quốc phòng cho ý kiến và đã đồng ý về chủ trương xây dựng tháp đa mục tiêu tạo điểm nhấn du lịch cho Thủ đô và không dùng tiền ngân sách. Hiện dự án đang hoàn thiện để các bộ, ngành cho ý kiến trên tinh thần phải đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và nhân dân đồng thời phải tuân thủ luật.

Về dự án resort tại rừng quốc gia Ba Vì theo ông Định, thuê đất rừng thuộc thẩm quyền của chủ rừng đó là Bộ NN&PTNN. Chính phủ sẽ xem xét kĩ vấn đề này, Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành, ông Định nói.

Điều chỉnh công tác một số thành viên Chính phủ

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc một số lãnh đạo cấp cao (trong đó có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng là những chức danh được Quốc hội phê chuẩn) vừa được Bộ Chính trị phân công đảm nhận công tác mới trong khi vẫn giữ các chức danh trong hệ thống hành chính Nhà nước thì có phải chịu trách nhiệm về những công việc theo các chức danh này hay không?

Theo quy định, sau phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, cơ cấu nhân sự của Chính phủ mới mới được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Trong thời điểm chuyển giao này, việc chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội có vì thế mà bị ảnh hưởng không?

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết, theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ, nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh Phó Thủ tướng, Bộ trưởng do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, theo Quyết định số 67-QĐ/TW ngày 4/7/2007 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về phân cấp quản lý cán bộ thì các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương thuộc diện Bộ Chính trị quản lý và phân công công tác.

Do vậy, về mặt pháp lý, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng được Bộ Chính trị phân công công tác mới vẫn là thành viên Chính phủ, trách nhiệm lãnh đạo, quản lý chỉ đạo, điều hành các công việc vẫn do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã điều chỉnh phân công công tác của thành viên Chính phủ. Công việc của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đảm nhiệm. Công việc của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng giao cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường. Công việc của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên được giao cho Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định đảm nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họp Chính phủ thường kỳ tháng 2: Nặng nề nỗi lo thiên tai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO