Kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Nguyễn Văn Tố (1889-2019): Vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên

Nguyễn Lân Dũng 02/06/2019 08:00

Ngạn ngữ có câu “Đời người không nằm ở việc sống lâu hay ngắn mà nằm ở việc giác ngộ sớm hay muộn” - cuộc đời của cụ Nguyễn Văn Tố, vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên vô cùng đáng kính của chúng ta đúng là người như vậy.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Nguyễn Văn Tố (1889-2019): Vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên

Chính phủ VNDCCH năm 1946, hàng đầu, từ trái sáng phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh tư liệu.

Nguyễn Văn Tố tên hiệu là Ứng Hòe sinh ngày 5/6/1889 tại làng Đông Thành, tổng Tiến Túc, Thọ Xương, nay là số nhà 32 Bát Sứ, Hà Nội. Thân sinh ra cụ là nhà nho yêu nước Nguyễn Văn Thịnh và bà Lê Thị Kim. Vợ của cụ là bà Vũ Thị Chắt, quê ở làng Mọc, sau khi lấy cụ đã ra Hà Nội và làm nghề buôn bán thuốc nhuộm, sinh cho cụ bốn người con, con gái đầu, sau là ba con trai - Đại úy liệt sĩ Đặng Vũ Quang Đàm, hy sinh trên chiến trường miền Nam năm 1966 và Nguyễn Văn Bảo, học trường Bưởi, sang Pháp học Nha khoa và mất tại Toulouse năm 1935. Người con trai thứ ba là nhà giáo Nguyễn Tá, dạy môn Vạn vật (Sinh học) tại trường Bưởi, sau sống ở Canada.

Vốn bản tính thông minh, cậu Tố được gia đình cho học chữ nho theo sách Tam Tự Kinh, từ 6-9 tuổi đã học hết nội dung cơ sở của Nho học thời ấy, lớn lên học trường Thông ngôn, năm 1905 đỗ đầu kỳ thi ngạch Phán sự - thông dịch (Secrétaire interprète) do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức và được Quyền Giám đốc Học viện Viễn Đông Bác cổ chọn vào làm việc ở đó. Cùng làm việc với Nguyễn Văn Tố có Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên và học giả Trần Văn Giáp. Cậu Tố còn học thêm ngoài giờ ở Hội Trí Tri (nơi có nhiều trí thức yêu nước tham gia như Đặng Phúc Thông, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Xiển, Phạm Huy Thông, Nam Sơn, Nguyễn Văn Thọ, Tô Ngọc Vân, Đoàn Phú Tứ, Trần Văn Lai…).

Những năm 1911-1912 Nguyễn Văn Tố đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn học, văn hóa, lịch sử bằng tiếng Việt và tiếng Pháp đăng trên tập san Trí thức của Hội Trí Tri, trên tạp chí của Viễn Đông Bác cổ, viết và dịch từ Pháp văn và Hán văn một loạt bài đăng trên Đông Dương tạp chí, cộng tác với tờ Nam Phong tạp chí với Đông Thanh tạp chí, soạn Việt Nam từ điển và cộng tác với Nguyễn Văn Vĩnh trong tạp chí An Nam nouveau...

Công trình nghiên cứu được viết ra bởi nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tố rất được quan tâm. ở tuổi 31, ông đã trở thành chủ sự tờ tạp chí danh tiếng của Viễn Đông bác cổ và Tổng biên tập tạp chí của Hội Trí Tri. Năm 1930, với các nghiên cứu về lịch sử, văn học nghệ thuật và khoa học, Nguyễn Văn Tố được bổ nhiệm làm Viên chức Hàm lâm (Offccier d’Académie) của Học viện Viễn Đông Bác cổ, năm 1931 được thưởng Huân chương Monisapharon của Hoàng gia Campuchia. Ngày 29/6/1934, ở tuổi 45, Nguyễn Văn Tố được bầu làm Hội trưởng Hội Trí Tri và tận tâm xây dựng, phát triển Hội này cho đến tận năm 1946.

Năm 1938, hội Truyền bá Quốc ngữ được thành lập, trụ sở của Hội đặt ở 78 phố Bát Sứ Hà Nội. Trong Hồi ký, nhà sử học Trần Huy Liệu đã viết: “Theo quyết nghị của Đảng, để tiến tới một tổ chức chống nạn thất học, chúng tôi, một số đồng chí đã họp với một số nhân sĩ để bàn về việc này. Buổi họp ở tại nhà anh Phan Thanh, trong đó có các anh Phan Thanh, Đăng Thị Mai, Võ Nguyên Giáp và tôi cùng mấy nhân sĩ là Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Tố…

Hội nghị đi tới việc xin phép thành lập một hội, trước định là “Hội chống nạn thất học”, sau đổi là “Hội Truyền bá Quốc ngữ”. Vì vậy sau khi thảo luận chúng tôi đồng ý cho cụ Nguyễn Văn Tố, Hội trưởng Hội Trí Tri đứng ra đảm nhiệm việc này”. Ngày 25-5-1938 Hội Truyền bá Quốc ngữ chính thức làm lễ ra mắt nhân dân và được hàng nghìn người đến tham dự, hưởng ứng. Ngày 29/7/1938 Thống sứ Bắc kỳ buộc phải ký giấy chính thức công nhận sự hoạt động hợp pháp của Hội.

Trên cương vị Chủ tịch Hội, cụ Nguyễn Văn Tố tổ chức các hoạt động nhằm xóa nạn mù chữ trong nhân dân, yêu cầu những người đã được dạy cho biết chữ phải cố gắng dạy lại cho một số người thất học khác xung quanh mình. Hội đã có được 17 chi nhánh ở Bắc kỳ với 820 lớp học, 2.903 giáo viên, dạy cho 41.118 người biết đọc, biết viết. ở Trung kỳ đã thành lập được 11 chi nhánh… Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kỳ tháng 8/1938 đã nhận định: thật là một công cuộc phát triển văn hóa quan trọng.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Nguyễn Văn Tố chủ động bàn với Ban Trị sự quyết định chuyển toàn bộ tổ chức cùng toàn bộ tài sản vật chất của Hội Truyền bá Quốc ngữ sang ngành Bình dân học vụ. Ngày 27/8/1945, Chính phủ ra tuyên bố nêu rõ: ủy ban Dân tộc Giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ, đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó.

Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên là Bộ trưởng, do Hồ Chủ tịch làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Nhà trí thức yêu nước Nguyễn Văn Tố được giao làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội. Trên tường tại gia đình chúng tôi có bức ảnh phóng to Chính phủ cách mạng lâm thời 1945 có bố vợ tôi (Nguyễn Văn Huyên) mặc complê đứng ở hàng ghế sau. Hàng đầu có Hồ Chủ tịch đứng cạnh hai cụ mặc áo dài đen, bên phải Bác Hồ là cụ Nguyễn Văn Tố và bên trái là cụ Huỳnh Thúc Kháng.

ở cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội trong khoảng 1 năm (đến 25/8/1946) cụ Tố đã có những đóng góp to lớn vào việc giải phóng nạn đói, nạn dốt, góp phần quan trọng vào việc củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng. Ngay từ ngày 2/11/1945 cụ Tố đã quyết định thành lập Hội Cứu đói, ban đầu ở một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và sau đó lan mau chóng ra cả nước, vi hành đến các tỉnh Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định… để trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Hội, kêu gọi đồng bào cả nước hưởng ứng phong trào Hũ gạo cứu đói do Bác Hồ phát động. Ngày 31/12/1945 Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố ra Sắc lệnh 63 thành lập Hội Cứu tế Xã hội để hỗ trợ và phối hợp trong việc giải quyết những vấn đề nảy sinh do nạn đói gây ra, tích cực hưởng ứng lời phát động phong trào tăng gia sản xuất của Hồ Chủ tịch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố cũng đã chủ trương kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa cơ quan học vụ của Nhà nước với các đoàn thể Cứu quốc để đưa dân trí đến với hàng triệu đồng bào. Bộ Cứu tế Xã hội đã phối hợp với Nha Bình dân học vụ đào tạo cấp tốc những đoàn cán bộ chuyên trách rồi tung về các địa phương để xây dựng cơ sở, mở cuộc vận động xây dựng Đời sống mới và tiến hành tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân cả nước.

Ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử diễn ra, và Hội đồng Chính phủ quyết định kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khóa I sẽ là ngày 3/3/1946. Quốc hội đã họp sớm hơn 1 ngày, trong vòng 4 giờ. Cụ Tố được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội và nhanh chóng bắt tay vào việc củng cố Nhà nước, trao quyền bính cho Chính phủ liên hiệp Kháng chiến do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng 6/3/1946 cụ Nguyễn Văn Tố tham dự cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về việc ký Hiệp định sơ bộ với Pháp theo các điều kiện đã được thỏa thuận, đó là tiền đề cho cuộc đàm phán Việt-Pháp tại Fontainebleau để ra đời Tạm ước 14/9/1946.

Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Khóa I từ 28-10 đến 9/11/1946, cụ Nguyễn Văn Tố đã trình bày về việc xem xét 98 dự án Sắc lệnh do Chính phủ chuẩn bị. Những đề nghị sửa đổi của Ban Thường trực Quốc hội đã được Chính phủ chấp nhận. Dưới sự chỉ đạo của cụ Nguyễn Văn Tố, Ban Thường trực Quốc hội đã chủ trương các công việc thống nhất quốc gia và đại đoàn kết toàn dân, khẳng định những kết quả mà Chính phủ và Quốc hội đã đạt được trong 8 tháng vừa qua. Quốc hội Khóa I đã thảo luận và thông qua nhiều Nghị quyết về nội trị, ngoại trị, ngoại giao, về việc thành lập Chính phủ mới, về thuế quan, về phát hành giấy bạc…

Tuy chỉ trong một thời gian ngắn điều hành Quốc hội (2/3/1946-9/11/1946) cụ Nguyễn Văn Tố đã có những cống hiến lớn lao với dân tộc, với cách mạng. Với cương vị mới là Bộ trưởng Bộ không Bộ trong Chính phủ do Hồ Chủ tịch thành lập vào ngày 3/11/1946, cụ Tố đã động viên nhân dân nhiều vùng cần tản cư lên các khu vực an toàn. ở tuổi 57 cụ đã hăng hái cùng cơ quan tản cư lên chiến khu Việt Bắc.

Tháng 7/1947 giặc Pháp đổ quân lên Bắc Cạn, chúng đã bắt được cụ Nguyễn Văn Tố. Một tên đội Tây lai đã tưởng nhầm cụ là Hồ Chủ tịch và lập tức đưa cụ đến sở chỉ huy của Pháp. Nhân lúc chúng lơ là, cụ nhanh chóng trốn thoát, nhưng bị địch truy đuổi bắn cụ trọng thương và bắt về lại. Chúng đã tra tấn cực kỳ dã man sau khi đã dùng hết cách ngon ngọt dụ dỗ, mua chuộc cụ nhưng đã hoàn toàn thất bại khi chỉ nhận được từ cụ một nụ cười oanh liệt. Chúng đã thủ tiêu một nhân sĩ hết lòng trung với nước hiếu với dân.

Trong phiên họp tất niên của Hội đồng Chính phủ chuẩn bị đón Tết Mậu Tý 1948 giữa núi rừng Việt Bắc, Hồ Chủ tịch đã bật khóc khi tưởng nhớ tới cụ Nguyễn Văn Tố và đọc lời điếu thật trân trọng, sâu sắc và cảm động.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh và 72 năm ngày mất cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, tất cả chúng ta tưởng nhớ đến một chí sĩ mang hết tinh thần hiếu học để làm rạng danh văn hóa nước nhà, một gương sáng đã mang lòng yêu nước để phụng sự Tổ quốc, một người anh hùng dũng cảm trước quân thù và hy sinh oanh liệt cho đất nước!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Nguyễn Văn Tố (1889-2019): Vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên