Mọi hoạt động ở Hoàng Sa, Trường Sa phải được sự cho phép của Việt Nam

M.Loan 28/05/2020 17:02

Hoạt động của các bên ở Trường Sa và Hoàng Sa cũng như ở các khu vực mà Việt Nam có quyền chủ quyền, quyền tài phán trên Biển Đông là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định.

Mọi hoạt động ở Hoàng Sa, Trường Sa phải được sự cho phép của Việt Nam

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt.

Ngày 28/5, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm trước việc Trung Quốc công bố sử dụng công nghệ mới, hướng tới xây dựng khả năng tự cung tự cấp cho các thực thể trên Biển Đông để đưa thêm người ra ở và việc Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc cho biết binh sĩ nước này đồn trú trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã thu hoạch được hơn 750 kg rau xanh nhờ vào công nghệ trồng rau trên cát, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nói: Như nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động tại các quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.

Nói về phản ứng của Việt Nam trước việc tàu Trung Quốc khai thác cát ở Biển Đông, ông Việt nhắc lại: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên Biển Đông. Hoạt động của các bên ở hai quần đảo này cũng như ở các khu vực mà Việt Nam có quyền chủ quyền, quyền tài phán trên Biển Đông là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế.

Nói về việc Mỹ chuẩn bị giao cho Việt Nam tàu tuần duyên cỡ lớn, Phó Phát ngôn nhấn mạnh: Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ trong thời gian qua duy trì đà tiến triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh quốc phòng. Trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên trong đó có Bản ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng năm 2011, Tuyên bố về tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng 2015 và Kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018-2020, hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương trong đó có hợp tác an ninh hàng hải và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Liên quan đến việc tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN 36: ngày 19/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi lãnh đạo các nước ASEAN đề nghị điều chỉnh thời điểm tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN 36 tới cuối tháng 6/2020 do những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong khu vực và trên thế giới. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị kế hoạch tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6/2020 và tiến hành tham vấn các nước thành viên ASEAN để đảm bảo Hội nghị được tổ chức thành công tốt đẹp.

Về việc mở lại đường bay thời hậu Covid-19, ông Việt cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đang nghiên cứu để đề xuất và báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định thời điểm và nguyên tắc dần dần nới lỏng các biện pháp xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại và đầu tư, phù hợp với tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới.

Về câu hỏi: Thời gian gần đây, nhiều dấu hiệu sẽ có làn sóng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyển dịch từ Trung Quốc sang thị trường khác trong đó, Việt Nam là một trong những địa điểm triển vọng. Việt Nam đã làm gì để có thể thu hút làn sóng này sau Covid-19 trong khi hiện tại, mặc dù đời sống Việt Nam đã trở lại khá bình thường nhưng chúng ta vẫn đóng cửa với các những người nước ngoài cũng như những nhà đầu tư nước ngoài? Phó Phát ngôn cho biết: Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và khu vực nhưng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, đến nay, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là cơ sở rát quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Việt Nam. Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, Chính phủ nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội để củng cố nền tảng, nâng cao sức kháng chịu và thích ứng của nền kinh tế.

Với chủ trương này, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế trong và sau khủng hoảng Covid-19 như: Bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như dịch vụ giữa Việt Nam với bên ngoài; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các thủ tục chi phí cho doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, logistic, tích cực triển khai các hiệp định thương mại tư do FTA với các đối tác; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó tạo điều kiện cho chuyên gia, lao động trình độ cao vào Việt Nam làm việc nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả.

* Kỳ họp này Quốc hội có thông qua EVFTA, EVIPA?

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt: Hai hiệp định EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ mang lại những lợi ích to lớn, cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả Việt Nam và EU, tạo động lực mới cho mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – EU. Dự kiến trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét và tiến hành phê chuẩn 2 hiệp định EVFTA và EVIPA.

* Truyền thông Nhật Bản đưa tin Công ty Tenma Việt Nam hối lộ quan chức Việt Nam. Việt Nam - Nhật Bản đang hợp tác trao đổi về vấn đề này như thế nào trong việc này?

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt: Ngay sau khi có thông tin của phía Nhật Bản, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã báo cáo cơ quan chức năng trong nước. Hiện tại, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành xác minh thông tin, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Việt Nam luôn tạo điều kiện doanh nghiệp nước ngoài đầu tư làm ăn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý.

* Chiều 28/5, Trung Quốc biểu quyết quyết định về đặc khu kinh tế Hồng Kong, quan điểm của Việt Nam?

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt: Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình Hồng Kông. Lập trường của Việt Nam về tình hình Hồng Kông đã được nêu rõ: Việt Nam tôn trọng và ủng hộ chính sách một nước hai chế độ của Trung Quốc, coi là công việc nội bộ của Trung Quốc. Việt Nam luôn mong muốn tình hình Hồng Kông được ổn định và phát triển thịnh vượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mọi hoạt động ở Hoàng Sa, Trường Sa phải được sự cho phép của Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO