Những trù liệu trong Di chúc của Bác

22/08/2019 07:00

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn ở nhiều phương diện. Di chúc ngoài việc thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Người đối với toàn Đảng, toàn dân ta còn phản ánh những trăn trở, tâm nguyện của Người về những vấn đề hệ trọng của Đảng, của đất nước ta: Sự đoàn kết trong Đảng, phát triển con người, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước mà theo Người“đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”.

Những trù liệu trong Di chúc của Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng chiến sĩ miền Nam năm 1965. Ảnh: tư liệu.

Di chúc của Người viết: Sau khi giành được thắng lợi, thống nhất hai miền Nam, Bắc, đất nước ta tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới tốt đẹp hơn là công việc “rất to lớn, nặng nề và phức tạp mà cũng rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Người chỉ ra trước nhất là vai trò của Đảng cầm quyền và các phẩm chất sống còn của Đảng, đó là: Đoàn kết thống nhất; vì nhân dân, phục vụ Tổ quốc; thực hành dân chủ rộng rãi; tự phê bình và phê bình; đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lo lắng đến tương lai của đất nước, về sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên khi đã có chức, có quyền. Do đó, việc cần làm trước tiên là “chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta nhất định thắng lợi”.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta càng ý thức sâu sắc ý nghĩa to lớn những tiên lượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tiễn cũng đã chứng minh tư tưởng của Người rằng ở đâu, lúc nào, làm việc gì nếu chúng ta không có kế hoạch sẵn sàng, chu đáo thì dẫn đến mắc phải sai lầm, thiếu sót. Có thể coi những sai lầm trong thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình tập trung quan liêu bao cấp, sau chiến tranh là một ví dụ điển hình minh chứng cho nhận định của Người. Tại Đại hội VI của Đảng, khi kiểm điểm những sai lầm trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn sau chiến tranh, Đảng chỉ rõ nguyên nhân đó là do “bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng”.

Ngoài việc căn dặn những vấn đề về Đảng Cộng sản, đại đoàn kết trong Đảng, Di chúc đã vạch ra những “tư tưởng mang tính nền tảng xuyên suốt, và được xem như một cuộc cách mạng trong phát triển kinh tế”. Với tư duy đổi mới từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mục tiêu phát triển kinh tế đất nước là cùng với văn hóa để nâng cao đời sống nhân dân, quan tâm đến việc tận dụng và phát huy các nguồn lực con người, quan tâm đến pháttriển kinh tế các vùng miền, phát triển cân đối các cơ cấu ngành của nền kinh tế.

Đảng phải có “kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đờisống của nhân dân mà trước hết là nhân dân lao động”. Bởi theo Người, nếu đất nước độc lập mà người dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì và “chủ nghĩa xã hội là việc làm cho người dân được ấm no, hạnh phúc”. “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Dân ta có câu“có thực mới vực được đạo”“đời sống như chiếc thuyền. Sản xuất ví như nước. Mực nước lên cao thì con thuyền càng nổi lên cao”. Nhận định đó thể hiện tư duy đổi mới trong tư tưởng kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến nay, sau 50 năm thực hiện Di chúc củaNgười, Đảng và nhân dân ta đã đạt được những thành quả to lớn trên nhiều mặt, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Những thành quả đó có được là do đã nắm vững và quán triệt sâu sắc quan điểm về dân, về nguồn lực con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) nêu lên năm bài học kinh nghiệm lớn, trong đó đề cập “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của nhân dân - đó là chìa khóa của thành công của một quốc gia, dân tộc.

Bác luôn trăn trở, ưu tư rằng với một dân tộc sau gần trăm năm phải hứng chịu sự đô hộ, áp bức của thực dân phong kiến, các cuộc chiến tranh chống đế quốc; nhân dân quen với tác phong nông nghiệp... sẽ vô cùng khó khăn khi bắt tay vào việc khôi phục đất nước, phát triển kinh tế và làm thế nào để xây dựng phát triển đất nước có trình tự, “phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, tránh rơi vào bị động, thiếu sót và sai lầm”.

Có kế hoạch để chủ động mọi việc nhưng chưa đủ, Bác Hồ từng viết: “Đặt ra kế hoạch thật tốt thật sát rất cần,nhưng đó chỉ là bước đầu. Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao phải 30 phần. Có như thế mới chắc chắn hoàn thành tốt kế hoạch. Khi đặt kế hoạch phải nhìn xa.Có nhìn xa mới quyết định đúng đắn thời kỳ nào phải làm công tác gì là chính. Phải thấy rộng, có rộng mới sắp đặt các ngành hoạt động một cách cân đối. Khi đi vào thực hiện thì mỗi ngành, mỗi nghề phải rất tỉ mỉ, chu đáo, thật sát với mỗi cơ sở. Đó là “một bộ ba” đã hoàn thành tốt kế hoạch”. Không phải ngẫu nhiên, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chọn là một trong 30 bảo vật quốc gia cần được giữ gìn và lan tỏa các giá trị của nó. Di chúc là tác phẩm lý luận có giá trị lớn lao tổng kết sâu sắc, toàn diện kinh nghiệm chỉ đạo cách mạng, những trải nghiệm, đường hướng phát triển tương lai của dân tộc Việt Nam.Những luận điểm sáng tạo, những tư duy, tầm nhìn vượt thời đại, triết lý vì con người được coi là kim chỉ nam dẫn dắt nhân dân và Đảng, Nhà nước ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PGS.TS Lê Văn Chiến
(Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những trù liệu trong Di chúc của Bác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO