Sát hạch công chức ở những lĩnh vực nhạy cảm

Nguyên Khánh 23/03/2017 08:00

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Sầm Văn Mão cho biết, địa phương này sẽ thí điểm kiểm tra, sát hạch đối với công chức tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và công chức cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh thuộc các lĩnh vực “nóng” như, xây dựng, tài nguyên môi trường, đầu tư, quản lý đất đai… Nhiều ý kiến ủng hộ việc làm này và cho rằng: Sát hạch công chức để tránh tình trạng trì trệ, “vào rồi, ngồi đấy” tạo sức ì lớn ở các cơ quan công quyền.

Việc sát hạch sẽ khiến cán bộ công chức phải tự hoàn thiện mình.

Không đáp ứng yêu cầu sẽ vào diện tinh giản

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tổ chức kiểm tra, sát hạt thí điểm tại 5 vị trí việc làm thuộc Sở Xây dựng, 13 vị trí việc làm tại Sở Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị trực thuộc. Hình thức kiểm tra, sát hạch bao gồm, việc đối chiếu thực tế trên hồ sơ công chức đối với các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ.

Công chức được kiểm tra, sát hạch trực tiếp sẽ thực hiện 2 bài kiểm tra: bài trắc nghiệm về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ và kỹ năng giao tiếp của công chức và bài thực hành giải quyết 1 tình huống sự việc thực tế liên quan đến hoạt động chuyên môn trên máy tính.

Song song đó, UBND tỉnh cũng tổ chức thí điểm kiểm tra, sát hạch đối với công chức cấp xã đang làm việc tại các chức danh: Địa chính-Xây dựng-Đô thị và Môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc chức danh Địa chính-Nông nghiệp-Xây dựng và Môi trường (đối với cấp xã).

Ông Sầm Văn Mão cho biết, việc kiểm tra, sát hạch với mục tiêu để đánh giá lại thực trạng am hiểu về pháp luật, chính sách của ngành, lĩnh vực và kiến thức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của các cán bộ, công chức (CBCC). Ngoài ra, còn kiểm tra kỹ năng xử lý tình huống thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, soạn thảo văn bản, thực hành công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp của các công chức so với yêu cầu của vị trí việc làm đang đảm nhiệm.

Từ đó tỉnh có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn hoặc bố trí, sắp xếp lại cán bộ cho phù hợp với vị trí việc làm nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức thực thi công vụ để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Đồng thời, qua đó cũng phục vụ cho việc xem xét tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu đổi mới, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

“Đích cuối cùng của việc kiểm tra, sát hạch công chức là nhằm tạo một bộ máy công quyền làm việc hiệu quả hơn và tiến hành trước hết ở những lĩnh vực trên vì đây là những lĩnh vực “nóng” được người dân quan tâm, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội”- ông Mão chia sẻ.

Không thể “vào rồi, ngồi đấy”

Bình luận về sáng kiến sát hạch công chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc sát hạch công chức ngồi “ghế nóng” sẽ khắc phục được sức ì lâu nay với câu muôn thuở “vào rồi thì ngồi đấy”. Sát hạch công chức chắc chắn sẽ tác động mạnh đến đội ngũ CBCC khiến họ phải luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra.

Hiệu quả nữa đó là căn bệnh yên tâm cố hữu với “chỗ ngồi” và chức danh công chức, viên chức của cán bộ yếu có thể bị lung lay, từ đó họ sẽ có cách nhìn mới mẻ hơn, suy nghĩ đầy đủ hơn về “ghế” mà mình đang ngồi. Những thay đổi đó sẽ tạo được động lực cho sự tiến bộ, đổi mới và sẽ khắc phục được sức ì mà lâu nay mà dư luận vẫn bức xúc rằng rất nhiều người ngồi chơi, xơi nước trong nền công vụ.

Đồng tình cần có những quy định mang tính bắt buộc khiến CBCC xóa bỏ tâm lý “xả hơi” sau khi ấm chỗ tại cơ quan nhà nước, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lê Quốc Cường cho rằng, sau khi thí điểm Bà Rịa -Vũng Tàu cần tổng kết lại quá trình thí điểm. Chắc chắn, thí điểm sát hạch công chức sẽ mang nhiều lợi ích cho công việc của chính công chức cũng như đơn vị có công chức sát hạch. Sát hạch sẽ tạo động lực cho CBCC nỗ lực, đặc biệt là khắc phục được sức ì lâu nay bởi tâm lý “có vào mà chẳng có ra” trong nền công vụ.

Ông Cường đề nghị, trong luật nên ban hành thành các quy định chính thức để buộc CBCC phải luôn trau dồi để tinh thông nghiệp vụ, để họ hiểu, nếu không cố gắng “ghế” của họ sẽ có người khác ngồi. Tuy nhiên, để công bằng, khách quan cần đưa ra những “đề bài” phù hợp để công chức đó có điều kiện thi thố tài năng bằng chính chuyên môn cũa mình. Đừng biến sát hạch thành cơ hội để xu nịnh, hạ bệ nhau bằng các hình thức thi không phù hợp.

Để đảm bảo khách quan phải có hội đồng xét duyệt. Hội đồng cũng không nên dừng lại ở cán bộ tại cơ quan mà cần có chuyên gia ở lĩnh vực, thậm chí hội đồng của địa phương này, Sở này có thể tham gia vào hội đồng của cơ quan khác thì mới có các đánh giá khách quan giúp sàng lọc được công chức khiến họ phải tâm phục khẩu phục nếu không giữ được “ghế” của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sát hạch công chức ở những lĩnh vực nhạy cảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO