Thắng lợi của sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

TS Nguyễn Thị Phương Nam      (Học viện Chính trị Khu vực I) 27/08/2015 09:05

Cách mạng tháng Tám thành công chứng minh sự lãnh đạo của Đảng đã khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh thời đại là quan trọng và sức mạnh nội lực dân tộc là nhân tố quyết định.

Thắng lợi của sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định nổi dậy giành chính quyền, ngày 23 tháng 8 năm 1945.

Bài học sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại của Cách mạng tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Sự phát triển của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều gắn với môi trường khu vực và quốc tế. Ngày nay, không có quốc gia nào có thể tự cô lập với thế giới xung quanh mà đều có mối liên hệ và chịu sự tác động qua lại, nó xuất phát từ yếu tố địa - chính trị và nhân văn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia trên thế giới ngày càng liên kết, sự phụ thuộc giữa các quốc gia ngày càng tăng lên thì việc kết hợp giữa các yếu tố bên ngoài và nhân tố bên trong của mỗi nước ngày càng có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thành hay bại trong chính sách của mỗi dân tộc.

Thế giới hiện nay luôn biến động phức tạp, trật tự cũ thay đổi cùng với sự hình thành của trật tự mới. Hòa bình và hợp tác phát triển là xu thế lớn nhưng những vấn đề nhức nhối tiếp tục diễn ra gay gắt, như xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai, bạo loạn, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh mạng, chiến tranh cục bộ.

Các vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính, nguồn nước, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có nhiều diễn biến khó lường. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tiểu vùng Đông Nam Á là nơi phát triển năng động của kinh tế thế giới đồng thời là nơi có sự đan xen về lợi ích và mâu thuẫn giữa các cường quốc trong khu vực và trên thế giới, nhất là về chủ quyền biển, đảo cũng như an ninh ở Biển Đông.

Tình hình Việt Nam hiện nay cho thấy, thế và lực cũng như sức mạnh tổng hợp của ta tăng lên tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển tiếp theo. Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, từng bước thoát khỏi tình trạng suy giảm về kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.

Các nguy cơ về diễn biến hòa bình, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội gia tăng; bảo vệ chủ quyền biển đảo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; tình hình ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.

Bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay vừa có những thuận lợi vừa có nhiều khó khăn thách thức. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam tiếp tục vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đó là bài học phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xác định Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của thế giới. Việt Nam luôn mở rộng đoàn kết, ủng hộ các phong trào cách mạng, các xu hướng và trào lưu tiến bộ của thời đại vì mục tiêu hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhờ đó, đất nước chúng ta đã giữ vững hòa bình, độc lập, phát triển không rơi vào thế mất ổn định, sự nghiệp đổi mới đạt được nhiều thành tựu.

Đó là bài học phát huy đến mức cao nhất các nguồn lực trong nước, chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh, bền vững các nguồn lực trong nước. Tạo mọi điều kiện phát triển các thành phần kinh tế làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ, nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại. Coi trọng nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự cường phát huy sức mạnh dân tộc: truyền thống yêu nước, đoàn kết, văn hóa… để phát huy đầy đủ các yếu tố nội lực, dựa vào các nguồn lực chính trong nước: con người, trí tuệ, đất đai, tài nguyên trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trên cơ sở có được sức mạnh bên trong, Việt Nam tranh thủ, tận dụng lợi thế bên ngoài để kết hợp sức mạnh trong nước và quốc tế đưa vị thế Việt Nam lên một bước mới. Trong quá trình đẩy mạnh hội nhập phải xem hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế. Hội nhập chính là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, tránh để rơi vào thế bị động, đối đầu.

Đất nước tiếp tục công cuộc đổi mới. Do đó việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững là vấn đề hết sức quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thắng lợi của sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO