Thiếu sót trong đầu tư BOT: Trách nhiệm chưa được chỉ rõ

Việt Thắng 16/08/2017 08:00

Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng báo cáo còn hạn chế khi chưa chỉ rõ trách nhiệm.

Trạm thu phí BOT Bến Thủy 1 (Hà Tĩnh). Ảnh: T.L.

Trạm thu phí quá dày đặc

Trình bày báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Trong những năm gần đây, nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều tuyến đường cao tốc được hình thành trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta đã tạo ra sự phát triển nhanh chóng về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên việc tham vấn ý kiến khi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thu phí trên đường hiện hữu chưa được quy định cụ thể đã làm hạn chế quyền của người dân. Mặt khác, việc chưa có quy định để người sử dụng dịch vụ phản hồi việc cung cấp dịch vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước đã làm hạn chế chất lượng cung ứng dịch vụ và khó khăn trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ đối với doanh nghiệp dự án BOT.

Dẫn chứng từ Hà Nội về Thái Bình có 100 km mà có 4 trạm thu phí, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, các trạm thu phí dày đặc quá. Rồi có trường hợp thu đường chính xong lại mở ra đường nhánh để thu, nhằm nhanh thu hồi vốn dẫn đến việc người dân bức xúc. Chưa kể có những dự án lúc đầu là BT (xây dựng-chuyển giao), thu hồi chậm lại chuyển sang BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Trong nhóm giải pháp khắc phục chỉ “tăng cường” thì chưa mạnh mẽ lắm.

“Vậy 13 tồn tại trách nhiệm thuộc về đâu? giám sát thì phải chỉ rõ địa chỉ chứ không thể “bắn chỉ thiên”. Như vậy sau giám sát mới phát huy hiệu quả. Hiện chúng ta đang giám sát mà xảy ra trạm Cai Lậy thì cần vào cuộc ngay chứ không chờ đợi gì cả”- ông Phúc nói.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng: “Theo quy định mỗi trạm thu phí cách nhau 70 km. Hiện nay có 88 trạm thu phí nhưng chỉ có 9 trạm đúng quy định, tức là đúng 10%, còn lại 90% không đúng quy định. Những trường hợp như vậy cần có sự thỏa thuận với UBND tỉnh và Bộ Tài chính. Cá biệt tuyến Hà Nội-Thái Bình 110km mà có đến 4 trạm thu phí, riêng huyện Kiến Xương chỉ cách nhau 200m mà có đến 2 trạm thu phí vừa BT, vừa BOT. Chưa kể cho phép song song vậy ai cho phép? Chưa kể có trường hợp người dân không tham gia giao thông nhưng vẫn phải đóng phí, như việc dân đi từ cầu này sang cầu kia những phải cõng phí cho 25km. Trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hàng ngày của dân, vậy phương án giải quyết trước mắt thế nào?”

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, 13 nhóm tồn tại hầu hết là do chủ quan muốn làm nhanh, trong đó đáng quan tâm là quy hoạch BOT, những con đường “độc đạo” để thu tiền nên người dân bức xúc; hay nhiều đường quá ngắn mà làm BOT. Chất lượng công trình một số dự án quá kém gây cản trở đời sống sinh hoạt người dân và giao thông đi lại. Câu hỏi lớn đặt ra vậy quy hoạch bao nhiêu km triển khai BOT trên cả nước? Hiện so với một số nước ta thì ta vượt xa. Các nước đi hơn 200km không thấy trạm nào mà ta nhiều quá.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết: Thời gian tới Chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng từ khâu phê duyệt chất lượng, tính đúng tính đủ từ đó làm cơ sở để tính phí, giá phí. Công khai minh bạch lựa chọn nhà đầu tư, tập trung đấu thầu các dự án để công khai minh bạch thay vì chỉ định thầu như trước đây. Tăng cường kiểm soát chất lượng công trình, quản lý tốt khai thác bằng hình thức BOT, mục tiêu là làm sao để dân đồng tình. Quản lý việc thu phí để giao thông thông suốt bằng hình thức trạm thu phí không dừng, kiểm soát giá phí. Đồng thời làm rõ trách nhiệm tổ chức cá nhân để xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Mong Quốc hội quan tâm giám sát kiểm tra để tìm ra những hạn chế để Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ sửa sai nhằm thực hiện đầu tư nói chung và BOT nói riêng đạt hiệu quả cao nhất cho sự phát triển của đất nước.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, công tác thu phí, rồi khoảng cách đặt trạm thu phí và mức thu phí bị dân phản ánh đều liên quan đến việc quản lý thiếu công khai minh bạch. Ví dụ khi đặt trạm phải tham khảo ý kiến người dân còn hình thức, trong khi một số nơi áp đặt. Như ở Cai Lậy, lái xe phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ dẫn đến tắc đường cho nên cần phải làm rõ thêm nguyên nhân tại đâu?

Kiểm tra kiểm toán như thế nào? Do đó cần vai trò của các cơ quan trong thanh kiểm tra của Nhà nước để xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời rà soát lại hệ thống thu phí, trạm nào không đảm bảo 70km Nhà nước nên mua lại quyền thu phí và bỏ trạm đi để đỡ bức xúc cho dân. Rồi quản lý công khai minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, những mặt thiếu sót có khách quan nhưng phần lớn chủ quan là chủ yếu. Thời gian hoàn vốn ghi không rõ, thu cũng được mà chưa được cũng không sao, chưa kể các loại phí ở các trạm. Các điểm đặt trạm thu phí người dân phàn nàn rất nhiều. Đây là vấn đề cần suy nghĩ, phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư, đồng thời của cả người dân, bởi “dân mới là vạn đại”.

“Đặc biệt báo cáo chưa nói được trách nhiệm của tập thể cá nhân, cả báo cáo to đùng chỉ có 5 dòng rưỡi, tại sao chưa nói hết mà chỉ thế này? Có nể nang không? Trách nhiệm tập thể cá nhân sau giám sát thế nào? Báo cáo rất hay nhưng lại nhẹ nhàng. Cần lưu ý rằng giám sát của Quốc hội thì phải nói cho đúng. Đã giám sát thì phải giám sát “kép”, tức là ngoài chủ đầu tư thì vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thế nào? Cần giám sát xem các cơ quan có thẩm quyền đã làm đúng, hết trách nhiệm chưa? Chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới dám nói chứ ai dám nói các cơ quan đó”- Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Việc xác định trách nhiệm rất hạn chế, chỉ có 6 dòng. Đã là giám sát thì phải viết cho rõ, nhiều hạn chế mà không ai chịu trách nhiệm, cùng vỗ tay thì kết quả giám sát không được cao”. Còn Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhìn nhận, qua giám sát cho thấy 13 hạn chế nhưng lưu ý tồn tại chính là khoảng trống pháp luật trong việc thực hiện. Đồng thời phải tăng cường công tác thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chủ trương huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia được xây dựng đàng hoàng, góp phần nâng bước thúc đẩy kinh tế xã hội cả nước và vùng. Tuy nhiên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa được hoàn thiện đồng bộ, chưa có cuộc đánh giá tổng kết nào về việc thực hiện BOT dẫn đến chưa tổng kết mà đầu tư ồ ạt như phong trào dẫn đến những hạn chế. Rồi tính đặc thù trong thứ tự ưu tiên đầu tư chưa hợp lý, hay việc nâng cấp trên đường sẵn có rồi tạo lên “phí chồng phí”, trước thu phí đường bộ rồi giờ lại thu phí BOT là tạo dư luận không tốt.

Theo Chủ tịch Quốc hội, quá trình lập, thẩm tra một số dự án BOT còn bất cập, có việc tính thêm hạng mục không có trong hồ sơ dẫn đến tăng tổng mức đầu tư giá trị dự án phê duyệt. Việc lựa chọn nhà đầu tư còn nhiều hạn chế, hầu hết các dự án đều chỉ định thầu làm hạn chế tính cạnh tranh và hiệu quả đầu tư của dự án.

Từ thực trạng trên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các trạm thu phí phải cách nhau 70 km theo quy định, còn nơi nào ngắn hơn thì Bộ Tài chính phải trao đổi với địa phương chứ nhiều nơi đặt không đúng, gây lên nhiều bức xúc, chưa tạo đồng thuận trong người dân. Thời gian qua Chính phủ, Bộ GTVT đã có nhiều cố gắng, lắng nghe ý kiến của dân để điều chỉnh vị trí đặt trạm chưa hợp lý. Tuy nhiên cần phải rà soát để xử lý tổng thể, tránh trường hợp như Cai Lậy. Đồng thời cần nâng cao hơn nữa trong việc giám sát và việc thực thi.

Giải trình về dự án Cai Lậy (Tiền Giang), Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết: Tuyến tránh Cai Lậy xuất phát từ nhu cầu của địa phương, muốn có đường tránh để giảm bức xúc trong nội thị. Bộ và địa phương đã thẩm định, lấy ý kiến với quy trình đầy đủ từ HĐND, đoàn ĐBQH, lãnh đạo địa phương và Hiệp Hội vận tải. Khi nhìn sự việc chúng ta nghĩ ngay đến nhà đầu tư nhưng nhìn mọi việc phải công bằng hơn vì trước hết trách nhiệm là Bộ GTVT và địa phương vì là cơ quan thẩm định. “Chiều 15-8, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ sẽ làm việc với nhà đầu tư. Đề xuất của địa phương là giảm từ 35 nghìn xuống 25 nghìn thì tôi nghĩ nhà đầu tư chắc cũng chấp nhận. Người dân đi xe máy thì miễn phí, còn 1 số người có ô tô thì xem xét theo khu vực. Hiện Bộ đã có phương án giải quyết và sẽ báo cáo Chính phủ”- ông Nghĩa nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu sót trong đầu tư BOT: Trách nhiệm chưa được chỉ rõ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO