Thường xuyên chỉnh đốn, đổi mới để đủ sức lãnh đạo đất nước

Nguyên Khánh (thực hiện) 17/01/2020 06:40

Đảng phải thường xuyên, đổi mới, tự chỉnh đốn mới nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để đủ sức lãnh đạo đất nước, đưa đất nước tiến lên. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.

Thường xuyên chỉnh đốn, đổi mới để đủ sức lãnh đạo đất nước

Nông nghiệp là bước đột phá trong đổi mới.

PV: Vì sao Đảng ta lại đi đến quyết định đổi mới tại Đại hội VI năm 1986 thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Tôi nhớ lại thời điểm đó, khi đất nước vừa thống nhất, chúng ta rất khó khăn, trong khi đó chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc rồi Mỹ bao vây cấm vận… khiến nền kinh tế đã khó càng thêm khó. Đặc biệt, từ năm 1979 đất nước ta đã lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội, sản xuất trì trệ, đình đốn, lưu thông phân phối hàng hóa ách tắc, đời sống của nhân dân rất khó khăn (năm 1980 lạm phát của nước ta là 300% và năm 1986 là 774%).

Thứ hai, trên thế giới lúc đó các nước XHCN có xu hướng là phải cải tổ, cải cách, đổi mới. Đổi mới của nước mình nằm trong xu thế chung của các nước XHCN. Như Trung Quốc bắt đầu mở cửa cải cách từ năm 1978, Liên Xô cải tổ nền kinh tế, các nước XHCN ở Đông Âu cũng đều có bước đi thay đổi cách thức làm ăn của mình để nhận thức thức lại thời kỳ quá độ lên CNXH, vận dụng quy luật đúng, khách quan, mang lại hiệu quả tốt hơn.

Thứ ba, từ nội bộ, nhận thức của mình, trong Đảng đã có xu hướng đổi mới. Các đồng chí lãnh đạo đã ý thức phải thay đổi, đổi mới tư duy, nhận thức lại cho rõ nhất là quy luật khách quan của thời kỳ quá độ.

Từ đó Đảng đã quyết định đi đến quá trình khảo nghiệm cách làm ăn mới, bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 6 khóa IV, tháng 8 năm 1979, làm cho sản xuất bung ra, khuyến khích mọi năng lực sản xuất làm ra nhiều của cải, vật chất cho xã hội. Hay Chỉ thị 100 khoán trong nông nghiệp tháng 1 năm 1981… Quá trình khảo nghiệm ấy đạt được nhiều thành công đã khẳng định xu hướng đổi mới là đúng đắn, tích cực.

Ở giai đoạn lịch sử ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cho rằng, đổi mới là mệnh lệnh của cuộc sống, là yêu cầu khách quan, bức thiết, “đổi mới hay là chết” là “phải tự cứu mình trước khi Trời cứu”.

Thưa ông, để đổi mới tức là phải dứt bỏ cái cũ điều này hẳn không dễ, trong quá trình đổi mới, chúng ta có gặp khó khăn gì không thưa ông?

- Có hai vấn đề khó khăn khi tiến hành đổi mới. Thứ nhất là về nhận thức, đương nhiên lúc mới bắt đầu thực hiện có những người không đồng tình, cản trở. Họ đã loa lên là đi chệch hướng. Do vậy, phải thuyết phục họ. Thứ hai là trong phong cách làm việc. Lúc đó trong cách làm, người ta đã quen với cách làm theo mệnh lệnh hành chính, giao kế hoạch, Nhà nước trả lương và doanh nghiệp không phải nghĩ nhiều, chủ nhiệm hợp tác xã chỉ biết sản xuất sản phẩm cho Nhà nước để ăn công điểm thôi, cách thức làm ăn này không kích thích sự năng động sáng tạo của con người. Vì thế mới dẫn đến sự trì trệ, làm được chăng hay chớ. Thế nên khi ra đời Chỉ thị khoán 100 chính là phải lăn lộn, con người suy nghĩ làm sao ra nhiều sản phẩm để được hưởng thành quả này. Vì vậy phải mất 7 năm trời để khảo nghiệm mới đi đến cái đúng đắn để dứt khoát đổi mới tư duy, nếp nghĩ và phong cách làm việc kiểu cũ là rào cản cho sự phát triển này.

Vậy chúng ta đã đạt được những thành tựu gì từ sau Đại hội VI thưa ông?

- Nhờ đổi mới, chúng ta đạt được rất nhiều thành tích đáng tự hào. Thứ nhất, về kinh tế, năm 2019 quy mô GDP đạt 266 tỷ USD, tăng gấp 100 lần so với trước đây còn thu nhập bình quân đầu người khoảng 280 USD/người. Đây là thành tích không tưởng tượng được bởi vì năm 1986 bình quân đầu người là 150 USD thì tới nay đã tăng lên 20 lần. Nhờ thay đổi cơ chế, cách nhìn nhận và hành động cụ thể, chúng ta đã đạt được những thành tích đáng kinh ngạc như vậy khiến bạn bè thế giới đánh giá rằng, kinh tế Việt Nam được coi là một trong những nền kinh tế năng động, là điểm sáng của kinh tế thế giới.

Thường xuyên chỉnh đốn, đổi mới để đủ sức lãnh đạo đất nước - 1

Ông Nguyễn Trọng Phúc.

Thứ hai, mức sống của người dân được nâng cao, hàng loạt các chính sách xã hội về xóa đói giảm nghèo, chính sách lao động việc làm, bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội, hỗ trợ vùng khó khăn hay hàng loạt chính sách giáo dục rồi các mục tiêu thiên niên kỷ chúng ta thực hiện đều tốt cả.

Thứ ba, an ninh quốc phòng được giữ vững tuyệt đối dù các lực lượng chống phá hoạt động không ngừng. Chúng ta đã đấu tranh khôn khéo giữ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ như vậy, từ đó quyết định đến ổn định chính trị đất nước gắn với xây dựng hệ thống chính trị gồm xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể.

Thứ tư, về đối ngoại, từ năm 1986 chúng ta đã mở ra quan hệ đối ngoại với các nước chứ không chỉ với các nước XHCN.Từ Đại hội VII ta tuyên bố Việt Nam là bạn với các nước, hình thành đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hợp tác hòa bình phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ. Việt Nam là bạn, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới, đến nay có quan hệ ngoại giao với 187/193 nước trong Liên hợp quốc. Chúng ta gia nhập ASEAN, WTO, làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tạo ra vị thế của đất nước mình. Vị thế mà như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói “chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ như hiện nay”.

Từ quá trình đổi mới chúng ta đã rút ra những bài học gì và bài học này có ý nghĩa thế nào trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hôm nay thưa ông?

- Có 5 bài học được rút ra trong quá trình đổi mới.

Thứ nhất, đề cao tính chủ động không ngừng sáng tạo trong đổi mới, sáng tạo trên cơ sở nắm vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Điều này có nghĩa, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng phải sáng tạo, chứ kiên định mà không sáng tạo sẽ dẫn tới cực đoan, giáo điều. Nếu sáng tạo mà không kiên định tư tưởng lý luận dễ chệch hướng.
Ta có thể gắn mối quan hệ giữa đổi mới với ổn định và phát triển. Đổi mới phải giữ được ổn định, phát triển đất nước. Tuy nhiên nếu chỉ đổi mới kinh tế không chú ý đến đổi mới chính trị sẽ kìm hãm sự phát triển. Ngược lại nếu chỉ chú ý đổi mới chính trị quên đổi mới kinh tế thì không mang lại hiệu quả. Mà đổi mới chính trị rất nhạy cảm nên phải làm từng bước hết sức thận trọng, không hấp tấp, vội vàng có thể dẫn tới đổ vỡ như Đông Âu, Liên Xô.

Thứ hai, bài học về đổi mới phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc phải mang lại lợi ích cho dân, vì dân phát huy sức mạnh, nguồn lực của dân, sức sáng tạo, vai trò làm chủ của dân là thành công. Ta thấy đổi mới thành công là nhờ dân, từ nguồn lực của dân, sức sáng tạo là từ dân. Dân sáng tạo nhưng Đảng phải tổng kết thực tiễn và những sự đổi mới này phải mang lại lợi ích để dân được thừa hưởng thành quả chính đáng ấy thì họ mới tin.

Thứ ba, đổi mới toàn diện đồng bộ đổi mới cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đồng bộ là các giải pháp các chính sách, từ chủ trương, quan điểm của Đảng đến chính sách pháp luật của Nhà nước đến các chương trình hành động, cách làm cụ thể không được cản trở nhau.

Thứ tư, nêu cao lợi ích quốc gia dân tộc. Đổi mới gì cũng phải bảo vệ được lợi ích quốc gia dân tộc và không được hy sinh lợi ích quốc gia dân tộc vì bất kỷ lý do gì. Từ đây sẽ giải quyết được mối quan hệ đúng đắn mối quan hệ độc lập tự chủ với hội nhập quốc tế, phát huy cao nhất nội lực của anh, nhưng tích cực hội nhập để phối hợp lực lượng bên trong và ngoài.

Thứ năm, Đảng phải thường xuyên, đổi mới, tự chỉnh đốn mới nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đảng cầm quyền mà không tự chỉnh đốn đổi mới để theo kịp thời đại thì không đủ sức lãnh đạo. Xây dựng chỉnh đốn Đảng phải gắn với xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, nâng cao vai trò quản lý nhà nước, gắn với vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội, những người đại biểu chân chính của nhân dân vừa thực hiện quyền làm chủ của nhân dân nhưng cũng thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thường xuyên chỉnh đốn, đổi mới để đủ sức lãnh đạo đất nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO