Trách nhiệm người đứng đầu trong chống tham nhũng vặt

H.Vũ (thực hiện) 05/08/2019 08:00

Tham nhũng vặt rất nguy hại nhưng ít được phát hiện. Có những địa phương trong nửa năm không phát hiện được vụ tham nhũng vặt nào. Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, tham nhũng vặt chưa được phát hiện, nghiêm trị kịp thời một phần là do các cấp lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan chưa quan tâm đúng mức, nhất là chưa tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ của mình do nể nang và vì thành tích.

Trách nhiệm người đứng đầu trong chống tham nhũng vặt

Ông Đỗ Đức Hồng Hà.

PV: Thưa ông, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và Hội nghị chuyên đề “Tham nhũng vặt - nhận diện và giải pháp phòng chống” của Cụm thi đua số 1 do Ban Nội chính Trung ương tổ chức, với sự tham dự của 14 tỉnh phía Bắc, một thông tin được công bố là trong 6 tháng có “những địa phương không phát hiện được tham nhũng vặt”. Tham nhũng vặt đang được coi là nguy hại nhưng thông tin trên lại cho thấy rất ít trường hợp được phát hiện. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Tham nhũng vặt rất nguy hại nhưng ít được phát hiện, nguyên nhân của tình trạng này theo tôi có mấy nguyên nhân. Thứ nhất, việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết ở nhiều nơi chưa nghiêm. Chưa có giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn hành vi tham nhũng, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí còn hình thức, chậm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí. Cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực PCTN còn bất cập, chưa có cơ chế hữu hiệu ngăn chặn sự tác động không đúng vào quá trình phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng, lãng phí. Thực thi pháp luật về PCTN, lãng phí còn chưa nghiêm. Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác PCTN chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ hai, tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Vì tham nhũng nói chung, tham nhũng vặt nói riêng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn - những người có hiểu biết, có quan hệ, có quyền lực nên việc phát hiện, xử lý tham nhũng vặt do họ thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Đáng lưu ý, đã xảy ra các vụ tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có những vụ liên quan đến cả cán bộ lãnh đạo, sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang; nhiều trường hợp bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận.

Thứ ba, việc thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở một số nơi chưa tốt. Chưa kiểm soát được thực chất tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Chưa có giải pháp hữu hiệu để phòng, chống “nhóm lợi ích”, “doanh nghiệp sân sau”.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng tham nhũng vặt chưa được nghiêm trị là do người đứng đầu các cơ quan chưa quan tâm đúng mức, nhất là tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ của mình. Vậy phải chăng còn sự nể nang, hay vì thành tích của cơ quan, đơn vị, địa phương?

-Tham nhũng vặt chưa được phát hiện, nghiêm trị kịp thời một phần là do các cấp lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan chưa quan tâm đúng mức, nhất là chưa tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ của mình do nể nang và vì thành tích. Không ít cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác PCTN, lãng phí. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Giữa quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và hành động thực tiễn của không ít cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức còn khoảng cách, nói chưa đi đôi với làm. Một số cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật chưa nghiêm, kỷ cương, kỷ luật còn bị buông lỏng. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý, chưa thực sự gương mẫu trong chống tham nhũng nên dẫn đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên chuyển, dưới chưa chuyển”.

Khi thẩm tra Báo cáo PCTN của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã từng chỉ ra tham nhũng vặt đang là sự bức xúc của người dân, qua đó đã đề nghị Chính phủ cần vào cuộc để ngăn chặn. Ông có đánh giá như thế nào về sự vào cuộc này?

-Sau khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra tham nhũng vặt đang là sự bức xúc của người dân và đề nghị Chính phủ vào cuộc, tôi cho rằng Chính phủ đã khẩn trương, quyết tâm, quyết liệt PCTN vặt. Đơn cử như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm, tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Hay mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTG về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Qua đó Thủ tướng đã đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể ở Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường các biện pháp tuyên truyền sâu rộng về chính sách, pháp luật. Hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, thực hành liêm chính, không tiếp tay với tiêu cực, tham nhũng, kiên quyết không đưa, không môi giới hối lộ, tích cực, chủ động tham gia phát hiện các biểu hiện, các hành vi tham nhũng, lãng phí.

Để ngăn chặn tham nhũng “vặt”, theo ông chúng ta cần chú trọng đến những giải pháp nào?

- Để ngăn chặn tham nhũng “vặt”, theo tôi chúng ta cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN. Trước hết người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.

Mặt khác, cần thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý. Nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát. Rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công. Coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Chú trọng việc giám sát thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện phương châm: Kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm. Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo, gây phiền hà, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm người đứng đầu trong chống tham nhũng vặt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO