Việt Nam-Thái Lan: Hợp tác vì sự phát triển chung

M.Loan 04/08/2016 21:07

“Quan hệ Việt –Thái chưa bao giờ bền chặt như hôm nay, nhân dân hai nước giao lưu mạnh mẽ như hôm nay.”-đó là khẳng định của Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam khi nói về 40 năm quan hệ song phương.

Việt Nam-Thái Lan: Hợp tác  vì sự phát triển chung

Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam.

Quan hệ bền chặt

Tiến tới kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan (6/8/1976-6/8/2016), thưa Thứ trưởng xin ông cho biết những dấu mốc quan trọng nhất trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Thái Lan?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Dấu mốc làm thay đổi vận mệnh của hai dân tộc đưa quan hệ của hai dân tộc trở nên khăng khít, gần gũi đó là ngày 6/8/1976 lần đầu tiên hai nước đã ký thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo bước ngoặt, mở ra con đường phát triển cho quan hệ song phương.

40 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển rất mạnh mẽ của quan hệ hai nước. Những con người của lịch sử 40 năm về trước có lẽ cũng không thể tưởng tượng được quan hệ hai nước đã phát triển nhanh và mạnh đến như ngày hôm nay.

Nhìn lại suốt 40 năm quan hệ song phương vừa qua, chúng ta nhớ đến các dấu mốc như việc, ngay sau khi ký hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976, lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay gọi là Thủ tướng) Phạm Văn Đồng đã có một chuyến thăm lịch sử đến Thái Lan.

Đối với bạn đây cũng là lần đầu tiên có Thủ tướng của một nước XHCN thăm Thái Lan. Sau chuyến thăm ấy, hai nước đã ra thông báo chung, thiết lập toàn bộ đường hướng cho quan hệ hai nước trong suốt 2 thập kỷ sau đó. Góp phần xây dựng nên nền tảng để quan hệ hai nước được như ngày hôm nay.

Chúng ta cũng nhớ lại 10 năm quan hệ hai nước bị phủ bóng bởi vấn đề Campuchia (1979-1990), quan hệ hai nước gần như chững lại, chủ yếu xoay quanh việc tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia.

Đến năm 1990 lần đầu tiên sau hơn 10 năm, quan hệ song phương có bước đột phá, đó là việc Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã có chuyến thăm chính thức Thái Lan. Hai nước đã có nhận thức chung để tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Hiệp định Paris về Campuchia được ký năm 1991 đã chấm dứt thời kỳ đóng băng trong quan hệ hai nước, mở ra một bước phát triển mới. Từ năm 1991 đến nay quan hệ hai nước liên tục phát triển và ngày càng củng cố.

Trong một bước phát triển mạnh hơn nữa của chúng ta, năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN. Chúng ta trở thành một thành viên của ASEAN, với Thái Lan chúng ta đã có mối quan hệ hoàn toàn bình đẳng và toàn diện, mở ra hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giao lưu nhân dân.

Năm 2004 hai nước đã đưa quan hệ song phương lên bước phát triển mới khi lần đầu tiên nội các hai nước đã họp chung. Đây là mô hình rất mới trong quan hệ giữa Chính phủ hai nước. Cũng trong giai đoạn họp nội các này, hai nước đã khai trương làng văn hóa hữu nghị Thái-Việt trên đất Thái, nơi Bác Hồ của chúng ta đã dừng chân trên con đường đi tìm đường cứu nước trong quá trình đi làm cách mạng ở Nakhon Phanom

Tại đây đã có một trung tâm thông tin dữ liệu, còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh của Bác Hồ. Tại khu vực của làng hữu nghị này còn cây khế do chính Bác Hồ đã trồng khi dừng chân ở đây.

Cho đến nay, Chính phủ hai nước đã họp nội các chung được 3 lần. Năm 2015 họp lần thứ 3 và đã đề ra những kế hoạch thúc đẩy quan hệ hai nước. Đặt ra mục tiêu đến năm 2020 đưa kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỉ đô la.

Nhìn lại quá trình 40 năm qua quan hệ hai nước có những lúc thăng trầm nhưng nhìn tổng thể quan hệ hai nước đều phát triển đi lên. Cho đến ngày hôm nay, quan hệ hai nước đã phát triển rất mạnh. Tôi có thể tự hào nói rằng, quan hệ Việt –Thái chưa bao giờ bền chặt như hôm nay, nhân dân hai nước giao lưu mạnh mẽ như hôm nay.

Sự xích lại gần nhau đóng góp vào phát triển cộng đồng ASEAN

Thứ trưởng có thể cho biết ý nghĩa quan hệ song phương với việc xây dựng cộng đồng ASEAN?

ASEAN có 10 nước với 5 quốc gia đảo và 5 nước lục địa (trong đó có Việt Nam và Thái Lan). Thái Lan và Việt Nam là hai nước có nền chính trị năng động, phát triển kinh tế đứng đầu trong nhóm 5 nước lục địa của khối. Dân số hai nước chiếm 1/3 dân số của cả khối ASEAN. Tổng GDP của hai nước tương đương 2/3 GDP của cả khối.

Do vậy vai trò, vị thế và sự hợp tác của hai nước có ảnh hưởng rất lớn. Trước hết là đối với hợp tác kết nối của nhóm nước lục địa (Myanmar, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan) qua đó góp phần vào thúc đẩy cộng đồng ASEAN. Thứ hai, Việt Nam và Thái Lan có truyền thống 40 năm quan hệ, hợp tác để giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng.

Trong vấn đề Biển Đông, Thái Lan cũng luôn là một nước đi tiên phong trong tìm kiếm giải pháp để làm sao nội khối xây dựng được nền hòa bình, ổn định, đảm bảo môi trường hòa bình cho sự phát triển của các nước ASEAN.

Chính vì những lẽ đó mà sự hợp tác của Thái Lan và Việt Nam trong ASEAN có vai trò rất lớn trong sự phát triển chung của cộng đồng.

Vậy ông có thể đánh giá cụ thể hơn vai trò của Thái Lan trong tình hình thế giới có nhiều điểm nóng, đặc biệt là tranh chấp trên Biển Đông?

Tôi đánh giá rất cao chính sách đối ngoại của Thái Lan trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề Biển Đông, làm giảm căng thẳng, tìm kiếm hợp tác về các vấn đề lâu dài cho Biển Đông. Mặc dù không phải là nước có tranh chấp, không phải là nước có liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông nhưng Thái Lan luôn năng động và có một vai trò rất quan trọng trong các đối thoại, các diễn đàn về Biển Đông.

Đặc biệt, trong các năm 2012-2015, Thái Lan giữ vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Giai đoạn đó, Thái Lan đã làm được rất nhiều việc, tạo được nhiều bước tiến, xích lại gần nhau trong tìm kiếm hiểu biết chung giữa ASEAN với Trung Quốc trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Ba năm đó, Thái Lan đã góp phần tạo ra bước tiến quan trọng đối với việc xích lại gần nhau giữa ASEAN và Trung Quốc trong tìm kiếm giải pháp đi đến COC.

Vừa qua, PCA ra phán quyết quan điểm của Thái Lan cũng rất rõ ràng: Ủng hộ phán quyết và đề nghị tất cả các nước đều phải tuân thủ phán quyết. Đặc biệt, những giải pháp pháp lý là một phương cách của nền văn minh trong thế giới hiện nay. Tất cả các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nước là thành viên của các Hiệp định quốc tế cũng như là thành viên của UNCLOS 1982.

Với nền ngoại giao năng động, nhiều sáng kiến, với việc chủ động cùng các nước ASEAN tìm kiếm các giải pháp về Biển Đông, tôi nghĩ, Thái Lan sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng.

Tìm kiếm giải pháp cho vấn đề ngư dân

Nhưng hai nước cũng có những vấn đề chưa hiểu nhau như vấn đề ngư dân ở vùng biển phía Tây. Vấn đề này được khắc phục và giải quyết như thế nào?

Nhìn nhận quan hệ song phương phát triển mạnh, trong đó giao lưu nhân dân cũng phát triển. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có số lượng lớn khách du lịch sang Thái Lan.

Nhưng, đồng thời cũng tạo ra những vấn đề chúng ta phải giải quyết. Hai nước đã giải quyết tốt số lượng lớn người Việt sang Thái Lan lao động bất hợp pháp. Hiện người Việt lao động ở Thái Lan là trên 50 ngàn người. Hai nước đã bàn và ký MOU về hợp tác lao động, chúng ta đã cố gắng để những người Việt lao động bất hợp pháp có điều kiện đăng ký lao động hợp pháp tại Thái Lan nhằm không tạo ra khủng hoảng về lao động Việt tại Thái Lan.

Vấn đề thứ hai là vấn đề ngư dân của hai nước có xâm phạm vùng biển của nhau. Về khách quan, chúng ta cần chia sẻ hoàn cảnh của ngư dân. Ngư dân Việt hay ngư dân Thái hiện vẫn chỉ có những trang bị rất đơn giản, thô sơ; hiểu biết cũng chưa phải là đầy đủ mặc dù Chính phủ hai nước cũng có những chương trình hướng dẫn ngư dân, hỗ trợ trang bị thiết bị định vị nhưng không phải ai cũng có thể tiếp cận những trang bị như vậy.

Trong hoàn cảnh ấy, việc vượt quá đường biên giới biển là khó tránh khỏi. Phía Việt Nam đã bàn với Thái Lan rất nhiều lần với mục đích làm sao tìm được cơ chế thiết lập các đường dây nóng để khi ngư dân nước này xâm phạm vùng biển nước kia chúng ta có thể liên lạc trực tiếp với nhau để tìm cách giải quyết. Chúng ta đang làm việc với Thái Lan để các vấn đề trên biển không ảnh hưởng đến đại cục quan hệ hai nước.

Tiến tới kim ngạch thương mại 20 tỉ đô la

Nói đến quan hệ hai nước tức là cũng cần nói đến quan hệ kinh tế song phương. Mối quan hệ trên mặt trận kinh tế giữa hai nước phát triển nhanh chóng. Làm sao để cán cân thương mại song phương cân bằng?

Phải thừa nhận, người Việt chúng ta rất thích hàng hóa made in Thailand và ngược lại, người Thái cũng rất thích một số mặt hàng của chúng ta, như sản phẩm về xây dựng, giầy dép, bột giặt hay hàng nhu yếu phẩm.

Chúng ta có những lợi thế của hai nước để trao đổi hàng hóa, tạo ra quan hệ thương mại của hai nước tăng mạnh. Nếu khoảng 20 năm trước kim ngạch thương mại song phương chỉ khoảng 0,5 tỉ đô la/năm thì hiện nay là 11 tỉ đô la/năm. Hai nước đang phấn đấu đến năm 2020 đạt 20 tỉ đô la kim ngạch thương mại song phương.

Bên cạnh đó, cần nhìn nhận thế này: Việt Nam hiện là bạn hàng lớn thứ hai của Thái Lan trong ASEAN. Ngược lại Thái Lan là bạn hàng lớn nhất của chúng ta trong nội khối. Điều đó minh chứng cho sự sôi nổi trong giao thương giữa hai nước. Có thuận lợi là cả hai nước đều là những nước trên lục địa, kết nối giao thông thuận tiện. Hai nước có nhiều điểm bù trừ cho nhau khi hàng hóa của nước này là sở thích của người dân nước khác. Thứ ba là chính sách của hai nước rất thông thoáng. Trong 3 kỳ họp nội các chung, Chính phủ hai nước đều bàn các biện pháp để giảm rào cản cho hàng hóa hai nước.

Ngoài ra phải kể đến đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Thái Lan. Hiện Việt Nam đang là địa chỉ đầu tư hấp dẫn số 1 với các doanh nghiệp Thái Lan với những dự án rất lớn. Hiện Thái Lan là nhà đầu tư thứ 10 trong tổng số các nhà đầu tư vào Việt Nam với gần 500 dự án tổng vốn gần 10 tỉ đô la.

Nhìn xu thế tôi tin Thái Lan sẽ vươn lên thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam-Thái Lan: Hợp tác vì sự phát triển chung

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO