Chịu trách nhiệm liên đới khi bổ nhiệm nhầm

H. Vũ 15/07/2020 07:13

Theo ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Trách nhiệm của người giới thiệu, bổ nhiệm phải gắn với việc theo dõi sát sao cán bộ định bổ nhiệm.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố đối với ông Trần Trọng Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM do liên quan vi phạm trong việc cho phép chuyển nhượng Dự án phát triển khu nhà ở phường Phước Long B, quận 9, TP HCM của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Việc khởi tố của Cơ quan cảnh sát điều tra là chuyện bình thường khi phát hiện sai phạm. Còn trong quá trình trước đó không phát hiện sai phạm. Ông Tuấn là Bí thư Quận ủy Quận 3 là Thành ủy viên nên đưa ông Tuấn về làm Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM là điều động ngang, không phải lên chức. Việc luân chuyển ông Tuấn là việc bình thường trong công tác bổ nhiệm cán bộ.

Theo ông Hòa, khi giới thiệu, bổ nhiệm ông Tuấn lúc đó chưa phát hiện vấn đề sai phạm. Trong khi cơ quan Cảnh sát điều tra khi điều tra không thông báo với cơ quan quản lý cán bộ. Khi nào rõ chứng cứ, đủ hồ sơ, cơ quan Cảnh sát điều tra mới báo với cơ quan quản lý cán bộ. Lúc đó mới vỡ lẽ ra.

Nhưng, ông Hòa cũng cho rằng: “Khi mất uy tín, không đảm đương được nhiệm vụ thì có thể tạm dừng chức vụ để xử lý kỷ luật. Nếu trong quá trình điều tra thì phải tạm dừng chức vụ, phân công, bố trí cán bộ”.

Trả lời câu hỏi trước việc giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ mắc sai phạm trong thời gian qua vậy trách nhiệm của người giới thiệu, bổ nhiệm ra sao? ông Hòa cho rằng: Trong thời gian qua chúng ta chưa có quy định cụ thể đối với người bổ nhiệm, giới thiệu, mà hiện nay mới có văn bản quy định mới của cấp có thẩm quyền là người giới thiệu, bổ nhiệm, phân công cán bộ phải chịu trách nhiệm về người mà mình giới thiệu.

Nếu người đó “hư hỏng” do chính anh là người giới thiệu thì anh cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về vấn đề này. Đây là quy định mới ban hành cho nên về sau người giới thiệu nhân tố không tốt cũng phải chịu liên đới.

Liên quan đến việc trước khi bổ nhiệm cán bộ thì cần lấy ý kiến của người nơi công tác, nơi cư trú, theo ông Hòa trong việc bổ nhiệm cán bộ thì việc lấy ý kiến tại nơi cư trú, tại nơi công tác là điều cần thiết.

Vì ở nơi cư trú cán bộ phải có trách nhiệm quan hệ mật thiết với người dân xung quanh, uy tín của anh với người dân xung quanh như thế nào. Lúc đó người dân có trách nhiệm giám sát anh vì anh là cán bộ công chức, viên chức. Do đó, bản thân cán bộ đó phải quan hệ mật thiết với người dân nơi cư trú.

“Nếu người dân không biết thì rõ ràng anh không quan hệ mật thiết với người dân nơi cư trú, do anh quan liêu, quan cách, xa rời người dân. Với những trường hợp như thế này cần xem xét cán bộ đó trong điều động, bố trí lên vị trí cao hơn. Đây là quy định cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, theo ông Hòa.

Vẫn theo ông Hòa: Trách nhiệm của người giới thiệu, bổ nhiệm phải gắn với việc theo dõi sát sao cán bộ định bổ nhiệm. Thấy có vấn đề phải kiểm tra, giám sát để người cán bộ do mình giới thiệu, bổ nhiệm phải thực sự là cán bộ tốt. Còn nếu phát hiện cán bộ đó có “vấn đề” phải răn đe phòng ngừa, báo cho cơ quan có trách nhiệm để xem xét, xử lý.

Với những quy trình việc làm cụ thể như vậy thì mới có được những cán bộ tốt khi bổ nhiệm. Và những cán bộ thoái hóa biến chất phải xử lý nghiêm minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chịu trách nhiệm liên đới khi bổ nhiệm nhầm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO