Chờ... biện pháp mạnh

Lê Anh Đức 15/10/2016 09:49

Bắt đầu từ 1/1/2016, Luật BHXH có hiệu lực thi hành. Theo đó, quyền khởi kiện ra tòa những doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động được chuyển từ cơ quan BHXH sang tổ chức công đoàn. Lẽ ra với quy định mới, người lao động phải được đảm bảo quyền lợi hơn, nhưng thực tế lại chưa phải như vậy. Trong khi cơ quan BHXH không còn quyền khởi kiện thì các tổ chức công đoàn đang lúng túng trong việc lập hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp.

Thực tế từ đầu năm đến nay, tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH trên cả nước không những không thuyên giảm mà còn gia tăng nhanh chóng. Nguyên nhân được chỉ ra là do trong thời gian qua, không có bất cứ doanh nghiệp nào bị kiện ra tòa vì nợ đọng và trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động.

Chỉ tính riêng TP Hà Nội hiện có tới hơn 31.000 doanh nghiệp nợ đọng BHXH với tổng số tiền lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Tới thời điểm này, TP.HCM cũng có số doanh nghiệp nợ đọng BHXH tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2015.

Có thể nói, hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đã gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến quỹ BHXH, BHYT mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; ảnh hưởng đến an toàn, cân đối quỹ cũng như làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu của các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Do đó, trong những năm trước khá nhiều doanh nghiệp nợ đọng và trốn đóng BHXH, BHYT bị cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước khởi kiện ra tòa để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Đơn cử như ở TP HCM, trước thời điểm 1/1/2016, doanh nghiệp có nợ đọng BHXH từ 3 tháng trở lên sẽ bị cơ quan BHXH kiện ra tòa.

Tính riêng năm 2015, BHXH TP HCM khởi kiện 1.800 doanh nghiệp ra tòa vì nợ đọng và trốn đóng BHXH cho người lao động.

Song, thống kê của BHXH Việt Nam tại các cơ quan BHXH địa phương cho thấy, biện pháp này cũng chưa đạt hiệu quả đối với những đơn vị cố tình vi phạm, không thực hiện nghiêm quyết định của tòa án, tỷ lệ các bản án được thi hành án thấp.

Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 14, Luật BHXH quy định: Tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại Khoản 8, Điều 10, Luật Công đoàn.

Theo đó, từ ngày 1/1/2016, cơ quan BHXH không còn quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH để thu hồi số nợ đọng, chức năng này được chuyển sang tổ chức công đoàn.

Việc chuyển giao quyền khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng và trốn đóng BHXH ra tòa cho tổ chức công đoàn là một trong những điểm mới quan trọng của Luật BHXH để tăng cường trách nhiệm của tổ chức này trong việc giám sát việc thực thi pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Song, cũng từ thời điểm chuyển giao đến nay, ở 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước là Hà Nội và TP HCM chưa có bất cứ doanh nghiệp nợ đọng và trốn đóng BHXH nào bị khởi kiện ra tòa để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.

Nguyên nhân được chỉ ra là các tổ chức công đoàn đang hết sức lúng túng không biết phải thực hiện quyền khởi kiện của mình như thế nào vì ngành tòa án chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH.

Hiện, Công đoàn TP HCM đã tiếp nhận từ cơ quan BHXH TP HCM chuyển sang 252 hồ sơ các doanh nghiệp nợ đọng và trốn đóng BHXH với số tiền lên tới 71 tỷ đồng, song cũng chưa khởi kiện được doanh nghiệp nào ra tòa.

Trong số hơn 31.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội nợ đọng BHXH cũng chưa có đơn vị nào phải hầu tòa do bị công đoàn khởi kiện.

Thậm chí, ở một số địa phương, tòa án còn trả hồ sơ mà cơ quan BHXH đã khởi kiện trước khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành, để tổ chức công đoàn thực hiện quyền khởi kiện theo quy định mới.

Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng với số nợ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của hàng triệu người lao động.

Trước thực trạng trên, MTTQ Việt Nam cũng đã tích cực vào cuộc để giám sát việc thực thi pháp luật về BHXH, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trên toàn quốc.

Trong chương trình giám sát, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân từng đề nghị cần có giải pháp hữu hiệu và chế tài mạnh tay, xử lý nghiêm khắc mang tính răn đe để khắc phục tình trạng này.

Tại Bộ luật Hình sự cũng đã quy định cụ thể các mức phạt tù đối với các hành vi trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN thay vì các biện pháp xử lý hành chính như trước đây.

Hy vọng, đây sẽ là cơ sở để ngăn ngừa, răn đe và xử lý các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của hàng triệu người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chờ... biện pháp mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO