Chợ xây dựng tiền tỷ rồi bỏ hoang

Tấn Thành - Chí Đại 10/04/2023 07:10

Khu chợ phiên ở xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam được đầu tư tiền tỷ xây dựng để phục vụ cho những người dân vùng cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, mua bán hàng hóa và vật dụng cần thiết. Thế nhưng hiện nay chợ bị bỏ hoang, gây lãng phí.

Một góc khu chợ xã Trà Giác.

Qua phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến nơi này, đây là khu vực có 5 ngôi nhà được lợp mái tôn, hiện đang bị rêu mốc và rỉ sắt, còn nền bê tông bị bong tróc, công trình nhà vệ sinh xuống cấp, hệ thống nước sạch, điện không có. Hiện tại khu vực chợ không một bóng người, cỏ cây mọc um tùm, nhếch nhác.

Bà V.T.T. - người dân ở xã Trà Giác cho biết: Khu chợ phiên đã bỏ hoang nhiều năm, người dân có củ sắn mớ rau cũng đem ra đường bán, người nào cần mua gì thì xuống chợ trung tâm thị trấn. Bây giờ không một ai đến đó đâu.

Còn ông Trần Văn N. - ở xã Trà Giác cho rằng: Khi triển khai xây dựng khu chợ bà con mừng lắm, vì nghĩ có điều kiện buôn bán, mua sắm nhu yếu phẩm không cần phải đi xa. Các xã miền núi như xã Trà Ka, Trà Giác và xã Trà Giáp sẽ kích thích sản xuất trồng trọt, chăn nuôi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên khu chợ này hoạt động chỉ một thời gian ngắn rồi bỏ không, giờ chỉ là một bãi đất trống, một số hạng mục của khu chợ hư hỏng, cỏ cây mọc um tùm khiến bà con rất bức xúc”.

Theo người dân, có nhiều nguyên nhân khiến khu chợ này bỏ hoang, trong đó có việc ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 nên người dân không còn đến chợ phiên. Cùng với đó nhiều người chưa quen kiểu mua bán tập trung. Hơn nữa, trừ xã Trà Giác còn các xã khác người dân đi về đây xa xôi, đường sá miền núi đi lại lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ...

Trước thực trạng trên người dân đã kiến nghị lên chính quyền xã, huyện sớm sửa chữa, nâng cấp lại khu chợ để đưa vào hoạt động trở lại. Thế nhưng các ngành địa phương vẫn chưa có biện pháp để khắc phục.

Theo ông Đinh Văn Linh - Chủ tịch UBND xã Trà Giác, chủ trương xây dựng khu chợ phiên ở xã Trà Giác nhằm kích cầu phát triển kinh tế cho 3 xã gồm Trà Giác, Trà Ka và Trà Giáp. Theo đó để bà con giao lưu buôn bán những sản phẩm nông sản do mình làm ra. Hiện tại chính quyền địa phương cũng đang vận động bà con phát triển kinh tế nhiều loại mô hình khác nhau như chăn nuôi, trồng trọt và buôn bán hàng hóa tiêu dùng. Thế nhưng rất tiếc khu chợ phiên chưa được như kỳ vọng.

Còn ông Nguyễn Hữu Sự - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng (KTHT) huyện Bắc Trà My cho biết, khu chợ phiên ở xã Trà Giác được xây dựng trên diện tích hơn 3.000m2 đất nằm ở thôn 1, xã Trà Giác, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng, do Phòng KTHT huyện làm chủ đầu tư, nguồn từ ngân sách huyện và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018. Khu chợ này gồm các hạng mục như: 1 khu nhà ẩm thực, 4 khu nhà bán hàng, hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh và sân nền bê tông;…

Theo ông Sự, huyện đã chỉ đạo UBND xã Trà Giác quản lý cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng; tuyên truyền vận động người dân trong xã Trà Giác và các xã lân cận đẩy mạnh sản xuất, đưa nông sản, hàng hóa ra chợ để bán buôn. Thúc đẩy bà con thực hiện nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt để tạo ra nhiều sản phẩm với số lượng đảm bảo cung ứng thị trường tiêu dùng.

“Thời gian tới, chính quyền huyện sẽ kiến nghị với UBND tỉnh, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam làm cửa hàng xăng dầu, trạm dừng chân và kết hợp với buôn bán ở khu chợ phiên này. Chứ hiện giờ bà con ít đưa hàng hóa ra khu chợ phiên để bày bán hàng” - ông Sự nói.

Rõ ràng việc xây dựng khu chợ phiên là đúng, vì phục vụ cho chính người dân vùng sâu, vùng xa, hơn nữa bà con đa số là dân tộc thiểu số, để họ có điều kiện mua bán những sản phẩm mà mình làm ra và sắm các nhu yếu phẩm cần thiết, không cần phải đến các chợ, cửa hàng trung tâm ở huyện.

Nhưng huyện cần đưa ra cách quản lý, vận hành chợ cho phù hợp theo quy định. Cần phải tuyên truyền, khuyến khích bà con nuôi trồng nhưng dần quen với việc tiếp cận buôn bán thương mại tập trung, để người dân ý thức tự nguyện đem hàng hóa đến chợ để buôn bán.

Ông Đinh Văn Linh - Chủ tịch UBND xã Trà Giác cho biết, đa số người dân nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên muốn đến phiên chợ, mọi người phải đi quãng đường núi khá xa, địa hình hiểm trở, trong khi hàng hóa, nông sản để bán cũng không có nhiều. Mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia họp chợ, tuy nhiên do bà con ở miền núi nên hàng hóa ít và không ổn định, họ cũng chưa quen kiểu buôn bán như người dân dưới đồng bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chợ xây dựng tiền tỷ rồi bỏ hoang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO