Dù lộ trình tăng học phí đã được báo trước song việc các trường đại học đồng loạt tăng học phí năm học 2023-2024 khiến không ít thí sinh đắn đo trong việc chọn ngành, chọn trường.
Học phí tăng mạnh
Tìm hiểu thông tin từ các trường đại học cho thấy, năm học tới, nhiều trường đại học sẽ tăng học phí, trong đó có trường tăng khá nhiều so với năm học trước.
Theo đề án tuyển sinh công bố cách đây ít ngày của Trường Đại học Y dược TP HCM, học phí năm học 2023-2024 của trường đối với sinh viên hệ chính quy dao động 4,18 đến 7,7 triệu đồng/tháng.
Trong đó, ngành Răng - Hàm - Mặt có mức học phí cao nhất là 7,7 triệu đồng/tháng; thấp nhất là 4,18 triệu đồng/tháng đối với các ngành Hộ sinh, Dưỡng sinh,... Ngoài ra, nhà trường cũng thông báo theo lộ trình, dự kiến tăng học phí tối đa 10% cho từng năm.
Cụ thể, mức học phí áp dụng cho năm 2023 của 14 ngành nghề tại Trường Đại học Y dược TP HCM dự kiến như sau:
Trường Đại học Ngoại thương cũng vừa công bố mức học phí dự kiến áp dụng cho tân sinh viên khoá mới năm học 2023 – 2024, tăng 5-10 triệu đồng so với năm ngoái.
Cụ thể, học phí với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu đồng/năm. So với năm học 2022 - 2023, mức học phí mới này dự kiến tăng 5 triệu đồng/năm.
Học phí với chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu; còn chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp vẫn giữ mức 60 triệu đồng.
Trường Đại học Ngoại thương dự kiến học phí của các chương trình được điều chỉnh hằng năm không quá 10%/năm.
Trường Đại học Đại Nam công bố mức học phí cao nhất trong đề án tuyển sinh 2023 là 32 triệu đồng/học kỳ đối với ngành Y Đa khoa. Như vậy, sinh viên theo học ngành Y Đa khoa, Trường Đại học Đại Nam sẽ phải đóng 96 triệu đồng/năm học.
Mức học phí thấp nhất của trường thu là 11 triệu đồng/học kỳ đối với các ngành Điều dưỡng, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Ngôn Ngữ Anh, Ngôn ngữ Hàn Quốc,..
Mức thu học phí dự kiến năm 2023 cao nhất của Trường Đại học Thăng Long là 39 triệu đồng/năm, dành cho ngành Truyền thông đa phương tiện. Còn các ngành học khác, học phí dao động từ 27 triệu đồng đến 31,5 triệu đồng/năm.
Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Thăng Long nêu rõ, mức thu học phí hằng năm tăng tối đa 15% so với năm trước liền kề (Theo Nghị định 81/NĐ-CP của Chính phủ).
Rào cản làm khó người học?
Trước đó, nhiều trường đại học cũng công bố mức học phí dự kiến tăng từ 10-20% áp dụng cho năm học 2023-2024.
Sở dĩ các trường tăng học phí là áp dụng theo Nghị định 81 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Nghị định này có hiệu lực chính thức từ ngày 15/10/2021.
Theo đó, học phí đại học công lập sẽ tăng với tất cả các loại hình trường khác nhau. Trong đó, mức trần học phí đại học chưa tự chủ dao động từ 13,5 - 27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng). Các trường đại học tự chủ có mức học phí cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với các trường chưa tự chủ.
Dù lộ trình tăng học phí đã được báo trước song việc các trường đại học đồng loạt tăng học phí năm học 2023-2024 khiến không ít thí sinh đắn đo trong việc chọn ngành, chọn trường.
Mơ ước trở thành một bác sĩ nhưng em Dương Quỳnh Nhi, học sinh lớp 12 (Nam Định) đang băn khoăn không biết có nên chọn ngành học theo sở thích hay không bởi học phí các trường đào tạo ngành y tăng khá mạnh. Trong khi đó, điều kiện kinh tế gia đình em lại không đủ khả năng.
“Em là học sinh ngoại tỉnh. Nếu đỗ vào một trường y, ngoài học phí, em còn phải lo chi phí sinh hoạt trên thành phố. Em sợ không kham nổi. Chắc em phải chọn ngành học khác”, Nhi cho hay.
Nhiều thí sinh có điều kiện kinh tế khó khăn cũng cùng chung một tâm lý tương tự. Những ngày qua, tìm hiểu thông tin học phí của các trường đại học, em Trịnh Hoàng Quỳnh Phương, học sinh lớp 12 (Bắc Kạn) cho hay: "Em cảm thấy choáng bởi phần lớn các trường đều tăng học phí. Vừa lo ôn thi đạt kết quả tốt, em vừa lo về áp lực tài chính trong suốt thời gian học đại học. Em đang tính toán trong việc lựa chọn đặt nguyện vọng 1 là Học viện Tài chính hay Học viện Ngân hàng".
Việc các trường đồng loạt tăng học phí nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể sẽ làm mất đi cơ hội học tập của nhiều người. Dẫu đây là yếu tố tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo, song nhiều chuyên gia cho rằng, lộ trình tăng học phí cần được tính toán phù hợp với mặt bằng chung của đời sống xã hội.
Chất lượng đào tạo quyết định chi phí đào tạo nhưng theo phân tích của TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, hiện nay, với các trường đại học công lập, chi phí đào tạo đến từ các nguồn: Ngân sách nhà nước; các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ,... và học phí. Như vậy, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng, các trường đại học không thể lấy cớ nâng cao chất lượng đào tạo, vẽ ra chi phí. Bởi nếu như vậy, hậu quả là người nghèo, đối tượng thu nhập thấp khó cơ cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học.
Từ mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học đã thông báo và thu học phí tăng theo quy định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo hệ thống công lập thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.
Do đó, nếu so với mức học phí cách đây 2 năm, học phí năm học 2023-2024 của nhiều trường sẽ tăng lên rất nhiều.