Chống cát tặc

Lê Anh Đức 30/11/2016 10:39

Trong mấy tháng qua, dư luận khá hài lòng với việc các cơ quan chức năng ra tay xử lý nạn cát tặc. Việc một loạt các chủ tàu bị xử lý hành chính, thậm chí bị khởi tố hình sự đã phần nào thức tỉnh, răn đe khiến nạn cát tặc có phần lắng xuống, không còn lộng hành như trước. Có được kết quả trên không chỉ do các lực lượng chức năng như CSGT, CSCĐ, TTGT... còn nhờ sự phối hợp, giám sát chặt chẽ của MTTQ các cấp, cả hệ thống chính trị rốt ráo vào cuộc với quyết tâm chống cát tặc.

Chống cát tặc

Việc khai thác trái phép tài nguyên cát không theo quy hoạch sẽ khiến lòng sông bị biến dạng, dòng chảy bị lệch hướng.

Đơn cử như trong tháng 11 này, các lực lượng của Công an TP Hà Nội đã liên tiếp phát hiện, xử lý hàng loạt các tàu cuốc, hút, vận chuyển cát trái phép ở các tuyến sông trên địa bàn thành phố.

Trong số các chủ tàu, người làm thuê, các phương tiện bị thu giữ có những người bị xử lý hành chính, song cũng có vài trường hợp vi phạm nghiêm trọng đã bị cơ quan CSĐT khởi tố hình sự để điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật.

Điển hình là bà Phạm Thị Nguyệt Nga (SN 1960, trú tại ngõ 462, đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Anh Tùng, bị cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố bị can với cáo buộc vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên (theo Điều 172, Bộ luật Hình sự).

CQĐT xác định, Công ty Anh Tùng từ ngày 17/1/2015 đến ngày 14/4/2015 đã nạo vét, khai thác tận thu tài nguyên cát không đúng vị trị trong giấy phép do UBND TP Hà Nội cấp. Hội đồng định giá tư pháp xác định, thiệt hại cho Nhà nước từ hành vi của bà Nga là hơn 8,3 tỷ đồng.

Khoan bàn đến chuyện những hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên cát của bà Nga nói riêng và các đối tượng cát tặc nói chung.

Riêng việc khai thác trái phép tài nguyên cát không theo quy hoạch sẽ khiến lòng sông bị biến dạng, dòng chảy bị lệch hướng dẫn tới sạt lở các bờ bãi ven sông, gây ra việc cuốn trôi nhà cửa, hoa màu của người dân sinh sống 2 bên sông.

Đó là chưa kể nếu việc khai thác cát trái phép ở gần các cây cầu bắc qua sông còn gây sụt, lún các trụ cầu gây nguy hiểm đến an toàn của cây cầu.

Đó chính là lý do cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đưa ra nhận định: Việc khai thác tận thu tài nguyên cát không đúng vị trí được cấp phép của Công ty Anh Tùng, ngoài thiệt hại về vật chất còn để lại hậu quả là làm thay đổi dòng chảy do hạ thấp độ cao đáy sông, gây sạt lở bờ bãi. Quá trình khai thác cát, các phương tiện đã gây tiếng ồn và khói thải ra môi trường...

Với những tổn hại có thể nhìn thấy, cân đo đong đếm được của Công ty Anh Tùng nói riêng và các đối tượng cát tặc nói chung đã gây ra nỗi bức xúc trong dư luận lâu nay.

Điều đáng mừng là kể từ khi Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề ra Chương trình giám sát nạn cát tặc thì bước đầu tình hình đã có những chuyển biến.

Nếu như trước đây người ta có thể thường xuyên bắt gặp những chiếc tàu cuốc, tàu thủy với những ống hút như vòi bạch tuộc thò xuống các dòng sông hút cát trái phép một cách ngang nhiên, thì nay tình trạng trên đã không còn nữa. Cát tặc đã thay đổi “chiến thuật”, từ ngang nhiên giữa ban ngày như thách thức cơ quan chức năng, chuyển sang lén lút, thực hiện hành vi phạm pháp vào ban đêm.

Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng mới chỉ làm cho cát tặc sợ mà rút vào “hoạt động bí mật” thôi, chứ chưa thực sự chặt đứt được các vòi bạch tuộc của họ, nói gì đến việc nhấn chìm hẳn vấn nạn cát tặc.

Song, chí ít thì họ cũng đã biết kiêng dè đối với lực lượng thực thi công vụ, biết sợ kỷ cương phép nước. Chẳng phải đã có tiền lệ chiến sĩ công an tại Hà Tĩnh bị cát tặc đánh chết khi thi hành nhiệm vụ đó sao?

Đương nhiên làm việc gì cũng cần có thời gian, lộ trình để giải quyết triệt để, tận gốc, và nạn cát tặc không phải là ngoại lệ. Song, dư luận cho rằng hiện nay sở dĩ vấn nạn cát tặc khó kiểm soát, khống chế là do chính quyền một số địa phương chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của vấn đề, do đó vẫn còn thái độ thờ ơ chưa vào cuộc quyết liệt.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật này hiện vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh đối với những người đã, đang và sẽ có ý định phạm pháp.

Chính từ thực tế trên, nhiều ý kiến trong dư luận xã hội cho rằng đã đến lúc dùng “bàn tay thép” để trị tận gốc căn bệnh nhờn luật của các đối tượng cát tặc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thay vì xử lý hành chính rồi cho về, hãy dùng biện pháp mạnh tay hơn là tịch thu phương tiện vi phạm, thậm chí xử lý hình sự nếu tái phạm...

Thu giữ phương tiện vi phạm chính là cách thiết thực nhất “đánh vào dạ dày” những người vi phạm để chặt đứt các vòi bạch tuộc. Xử lý hình sự là để “xử một người, răn muôn người”, không chỉ có ý nghĩa giáo dục với chính người vi phạm, mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa những trường hợp khác.

Ngoài ra cũng cần có chế tài nghiêm khắc với lãnh đạo địa phương, cán bộ cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Có như vậy mới mong ngăn chặn hữu hiệu nạn cát tặc lộng hành lâu nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống cát tặc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO