Chống Covid-19: Sẵn sàng mọi tình huống ứng phó

N. Khánh - N. Quang 02/08/2020 10:27

Tại Hội nghị trực tuyến nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở khám bệnh chữa bệnh trong công tác tiếp nhận, quản lý và điều trị Covid-19, do Bộ Y tế tổ chức sáng 1/8, ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết tình hình dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng rất phức tạp. Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 7 tới nay, có hơn 800.000 người đã từng đi đến Đà Nẵng và trở về các địa phương, có hơn 41.000 người đã đến 3 bệnh viện tại Đà Nẵng. Vì thế, công tác chống dịch “phải làm căng thì càng hiệu quả, càng tốt”.

Ngày 1/8, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội áp dụng nhiều biện pháp khẩn trương phòng, chống Covid-19, thành phố đã ở một tâm thế khác: Người dân sẵn sàng chấp hành chỉ đạo của thành phố, khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bình tĩnh, chủ động, Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh xét nghiệm phòng, chống Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.
Bình tĩnh, chủ động, Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh xét nghiệm phòng, chống Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Vì cộng đồng cũng chính là vì mình

Trong ngày 1/8, TP Hà Nội tiếp tục rà soát và làm xét nghiệm test nhanh cho những trường hợp liên quan đến Đà Nẵng để đảm bảo 100% đối tượng đều được quản lý giám sát và lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Các trường hợp liên quan đến Đà Nẵng mặc dù có xét nghiệm âm tính vẫn tiếp tục tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà đủ 14 ngày, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào cần báo ngay cho cơ sở y tế biết để xử lý.

Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, các trường hợp dương tính sau test nhanh sẽ được xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT-PCR có độ chính xác đạt 100%. Việc xét nghiệm nhanh để sàng lọc sớm nhằm phát hiện những trường hợp nghi ngờ, sau đó sẽ tiếp tục xét nghiệm khẳng định để chắc chắn trường hợp này có mắc Covid-19 hay không, từ đó sẽ có biện pháp xử lý dịch kịp thời.

“Những người có kết quả âm tính sẽ trở về nhà và tiếp tục cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, để phòng bệnh thật tốt, mỗi người cần tuân thủ đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, ở nơi đông người, trong bệnh viện, trên xe khách, tại sân bay... đồng thời thực hiện rửa tay sát khuẩn thường xuyên, tuân thủ tất cả các khuyến cáo phòng bệnh mà Bộ Y tế đề ra là có thể được bảo vệ an toàn”, ông Tuấn nói.

Tại Hà Nội, kể từ khi Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu dừng hoạt động các sự kiện tập trung đông người, các quán karaoke, quán bar, trà đá vỉa hè (từ 0h ngày 1/8), ghi nhận của PV báo Đại Đoàn Kết, người dân chấp hành nghiêm túc chủ trương này.

Những con phố sầm uất của Thủ đô nay cũng vắng vẻ. Nói như chị Hoàng Thị Hồng, quận Hai Bà Trưng, thì việc tạm dừng hoạt động các quán bar, karaoke, trà đá vỉa hè… là rất cần thiết trong thời điểm này. “Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế, quy định của UBND thành phố để góp phần vào công tác phòng, chống dịch Covid-19”, chị Hồng nói.

Chủ một quán Karaoke trên đường Đê La Thành than thở, lần trước đã phải đóng cửa, cá nhân anh và gia đình đã rất khó khăn vì vẫn phải trả tiền nhà, điện nước… Lần đóng cửa lần hai này chắc chắn sẽ lại gặp khó khăn. Nhưng vì sự an toàn của chính mình và cộng đồng thì anh sẽ thực hiện nghiêm lệnh cấm.

Còn ông Nguyễn Xuân Long, Bí thư phường Xuân Tảo cho biết, đã thực hiện thông báo đến các hộ kinh doanh trên địa bàn yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết 100% thực hiện nghiêm yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đó là tạm ngừng hoạt động.

“Tất cả các cơ sở kinh doanh đều được ký cam kết dừng hoạt động. Nếu lén lút hoạt động, chúng tôi sẽ chỉ đạo công an phường lập biên bản xử phạt nghiêm theo đúng quy định của pháo luật”, ông Long nói.

Hơn 41.000 người đã đến 3 bệnh viện tại Đà Nẵng

Sáng 1/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở khám bệnh chữa bệnh trong công tác tiếp nhận, quản lý và điều trị Covid-19.

GS.TS Nguyễn Thanh Longquyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị, cùng với sự tham gia của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế tại hơn 700 điểm cầu ở 63 tỉnh thành phố.

Theo ông Long, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng rất phức tạp. Đặc biệt thống kê cho thấy, từ đầu tháng 7 tới nay, có hơn 800.000 người đã từng đi đến Đà Nẵng và trở về các địa phương, có hơn 41.000 người đã đến 3 bệnh viện tại Đà Nẵng.

Do đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương lập danh sách, giám sát, theo dõi cho tất cả các đối tượng này, đồng thời gửi tin nhắn khuyến cáo, hướng dẫn những người này theo dõi sức khỏe, liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, giám sát và xét nghiệm phát hiện Covid-19 trong trường hợp cần thiết. Đề nghị các địa phương phải khẩn trương, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, làm sao phải điều tra, kiểm soát các trường hợp đi về từ Đà Nẵng hoặc đến những nơi Bộ Y tế đã phát thông báo khẩn, triển khai hoạt động phòng chống dịch, yêu cầu khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm.

“Phải làm căng thì càng hiệu quả, càng tốt”- quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ và cho biết Bộ sẽ triển khai giao ban định kỳ với giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố để rà soát thường xuyên các hoạt động, triển khai quyết liệt và đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.

Đối với các địa phương có liên quan đến dịch Covid-19 tại Đà Nẵng như Quảng Nam, Hà Nội, TP HCM... Bộ Y tế đề nghị khẩn trương xây dựng kịch bản, kế hoạch điều tra, giám sát tất cả những người đi đến và trở về từ Đà Nẵng, đến các địa điểm đã được Bộ Y tế cảnh báo, đảm bảo không để dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống Covid-19: Sẵn sàng mọi tình huống ứng phó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO