Chống dịch phải như dập đám cháy

Đức Trân 12/05/2021 06:15

Thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc - nơi đang thực hiện cách ly xã hội với gần 15.000 người dân. Tại đây 6 nhân viên y tế thuộc Trạm Y tế thị trấn ngày đêm túc trực. Nhiều người trong số họ đã 4 ngày nay chưa về nhà, ở lại cùng người dân chống dịch.

Bữa cơm trưa của các cán bộ, nhân viên y tế thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Ảnh: Quang Vinh.

Tăng cường nhân viên y tế

13h30, dưới cái nắng gay gắt, nhiệt độ đo được là 38 độ C, tại chốt kiểm dịch số 4 của thị trấn Yên Lạc, chị Hoàng Thị Huế - nhân viên y tế của xã Tề Lỗ, được tăng cường tới thị trấn Yên Lạc cho biết: “Từ hôm bắt đầu thực hiện cách ly xã hội tới nay, chúng tôi có 2 nhân viên y tế chia nhau trực tại chốt số 4, để đảm bảo 24/24 đều có nhân viên y tế có mặt”.

Mặc dù hai vợ chồng đều tham gia chống dịch, 3 đứa con nhỏ nhờ bà nội chăm sóc giúp, nhiều khó khăn nhưng chị Huế chia sẻ: “Ngành của mình, công việc của mình thì mình phải làm tốt nhất có thể, bản thân tôi đã chuẩn bị tinh thần trước, lúc nào cũng sẵn sàng, được phân công đi đâu thì lập tức sẵn sàng tham gia phòng chống dịch”.

Chia sẻ tình hình phòng chống dịch bệnh tại địa phương, ông Nghiêm Xuân Trí - Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Yên Lạc cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thị trấn ghi nhận 2 ca dương tính với SARS-CoV-2, 79 trường hợp F1 và hơn 300 trường hợp thuộc nhóm F2. Tình hình tại địa phương rất phức tạp, thị trấn là trung tâm kinh tế, chính trị của toàn huyện”.

“5 ngày nay tôi chưa về nhà” - ông Trí cho hay - “Công tác truy vết rất phức tạp và vất vả. Trong khi lực lượng y tế của Trạm hiện nay rất mỏng, toàn trạm chỉ có 6 nhân viên y tế trong đó dân số thị trấn là khoảng 15.000 dân. Bên cạnh đó, đây là lần dịch đầu tiên tại địa phương nên đôi lúc còn lúng túng”.

Ông Trí cũng cho biết, việc thuyết phục người dân khai báo y tế cũng không dễ dàng, phải rất kiên trì, tỉ mỉ.

Không sợ vất vả, chỉ thương các nhân viên y tế

“Có những hôm gần 3 giờ sáng chúng tôi mới xong việc” - ông Trí kể. “Tôi không sợ vất vả, cũng không sợ chịu đói, chịu khổ nhưng tôi thương các cháu nhân viên y tế. Từ hôm có dịch tới nay, các em, các cháu trực chiến 24/24. Trong 6 nhân viên y tế thì 4 nữ cán bộ có con nhỏ dưới 1 tuổi. Có người con nhỏ mười mấy tháng bị sốt mấy ngày nay nhưng cũng không đưa đi bệnh viện được, vì công việc quá bận rộn, đành phải hướng dẫn chồng cho con uống thuốc, chăm sóc qua điện thoại. Có trường hợp cán bộ y tế bị mắc ung thư cổ tử cung. Nhưng vẫn bám trụ hàng ngày để phòng chống dịch cùng anh em. Đôi lúc thương các cháu quá tôi khóc, nhưng cũng phải động viên anh em cố gắng hết mình vì sức khoẻ nhân dân.”

Chị Ngô Thị Tô Lan Anh - cán bộ y tế tại Trạm Y tế thị trấn Yên Lạc chia sẻ: “Từ hôm có dịch đến giờ, chúng tôi ăn ngủ ngay tại Trạm Y tế thị trấn, bản thân tôi sức khoẻ yếu những người khác bởi tôi mắc ung thư cổ tử cung từ năm 2018 mà con vẫn còn nhỏ, chồng đi làm xa”.

“Lo lắng lắm chứ” - chị Lan Anh tâm sự. “Sức khoẻ mình cũng yếu, mà tiếp xúc với nhiều người, không biết ai có virus ai không, có thể mình có hệ miễn dịch yếu hơn, mình dễ bị mắc bệnh hơn. Nhưng công việc của trạm quá vất vả, tôi không tham gia công tác thì anh em sẽ còn vất vả hơn nữa. Tôi lựa chọn cách tham gia chống dịch, cùng anh em ở trạm đỡ đần nhau vượt qua thời điểm khó khăn này, cùng nhau giữ gìn sức khoẻ của nhân dân”.

Chị Lan Anh kể: “Cũng có nhiều niềm vui lắm, người dân xung quanh đây biết chúng tôi vất vả, nhiều người ủng hộ sữa, ủng hộ nước, bánh kẹo rồi cả hoa quả nữa. Mỗi khi mệt mỏi hay uể oải, nhận được những món quà nhỏ như vậy chúng tôi lại như được tiếp thêm sức lực để lao đầu vào công việc”.

Đang trò chuyện với chúng tôi thì nhận được điện thoại của chồng báo rằng con lại lên cơn sốt. Chị Nguyễn Thị Thuý - nhân viên y tế của Trạm Y tế thị trấn Yên Lạc nghẹn ngào kể: “Con em được 16 tháng, 3 ngày nay cháu sốt cao mà em cũng chỉ chạy về xem cháu được 1 lần. Về nhà cũng không dám lại gần con, chỉ dám mua thuốc về đưa chồng để cho con uống rồi lại vội vàng quay lại cơ quan làm việc. Từ hôm con ốm đến nay em cũng chưa đưa cháu đi bệnh viện được, vì đưa con đi khám em lại phải nghỉ làm, trong khi nhiệm vụ còn rất nhiều”.

Chị Thuý kể thêm: “Chị phó trạm cũng có cháu nội bị dị ứng thuốc, 3 giờ sáng vội vàng về đưa cháu đi cấp cứu rồi lại quay về tiếp tục trực chiến tại Trạm Y tế thị trấn”.

Không chỉ tại thị trấn Yên Lạc, mới đây, chiều 10/5 tại bếp ăn của khu cách ly y tế tập trung Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), Trung úy Đỗ Thị Thùy Linh thuộc Ban Hậu cần Trung đoàn 834, sau một thời gian dài làm việc liên tục và quá sức đã ngất xỉu ngay tại bếp ăn của đơn vị. Rất may, lực lượng quân y trong đơn vị đã có mặt, can thiệp kịp thời nên Trung úy Linh đã dần hồi phục. Sự việc không chỉ gây xúc động cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung mà còn khiến nhiều người không khỏi xót xa, cảm phục trước những đóng góp thầm lặng và hy sinh to lớn của người chiến sĩ ngay giữa thời bình.

Gác việc chưa cần thiết, tập trung chống dịch

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Cảnh, người dân tại thị trấn Yên Lạc nói: “Tôi rất yên tâm khi chính quyền xã, thôn đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai bài bản các biện pháp phòng, chống dịch. Việc kê khai càng chi tiết càng tốt cho chính người dân, đặc biệt là người thường xuyên đi làm việc xa như chúng tôi để được phòng, chống dịch bệnh tốt nhất. Cá nhân tôi cho rằng, cách tốt nhất để giúp đỡ các nhân viên y tế là hạn chế đến những nơi đông người, tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo cơ quan chức năng và ngành Y tế”.

Có thể thấy rằng không cần hô hào khẩu hiệu, phong trào, người dân Vĩnh Phúc đều ý thức được rằng thời điểm này ở nhà là phương thức chống dịch hiệu quả, an toàn nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, tất cả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đều đã được kích hoạt với thông điệp rất rõ ràng: “Gác tất cả những việc chưa cần thiết để tập trung chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ số 1 của Vĩnh Phúc”.

Không để “trên nóng, dưới lạnh”, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã chủ động dần chuyển trạng thái từ phòng ngự sang phòng ngự tấn công trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

Những chốt chặn đã được thành lập, khu cách ly tập trung đã hình thành, hệ thống truyền thanh đẩy mạnh tuyên truyền tới từng khu nhà, ngõ xóm. Bước vào trận chiến lần này, Vĩnh Phúc như một tòa thành kiên cố được xây dựng, vây bọc từ những pháo đài là các ngành, địa phương với mỗi người dân đều là chiến sĩ.

Ông Lê Duy Thành nhấn mạnh: “Chống dịch như dập đám cháy, phải gạt người lừng khừng sang một bên. Quan điểm đó đã được Vĩnh Phúc thực hiện rất quyết liệt nhằm tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống dịch phải như dập đám cháy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO