Chống giặc dịch khi nới lỏng giãn cách xã hội

Nam Việt 27/04/2020 08:00

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới (sau 3 tuần cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020); cùng đó là Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, cả nước cũng lúc thực hiện nhiều mục tiêu then chốt. Một là tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, dù đã nới lỏng giãn cách xã hội nhưng không được lơ là, chủ quan. Hai là nhanh chóng đưa gói hỗ trợ của Chính phủ đến với những đối tượng khó khăn. Và ba là khôi phục, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội.

Chống giặc dịch khi nới lỏng giãn cách xã hội

Dù đã nới lỏng giãn cách xã hội nhưng vẫn tiếp tục nêu cao ý thức cảnh giác để đề phòng dịch bệnh. Ảnh: Quang Vinh.

1. Cho đến nay, thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, điều trị những ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam đã được thế giới thừa nhận. Số ca lây nhiễm ít, đặc biệt là lây nhiễm trong cộng đồng; số người được điều trị ngày một nhiều; tới thời điểm này chưa có ca tử vong do Covid-19.

Có được điều đó là nhờ Đảng, Nhà nước, Chính phủ sớm có những biện pháp quyết liệt kiểm soát, ngăn chặn, khoanh vùng dập dịch; và phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 của y tế nước nhà đã đi đúng, trúng hướng. Thành quả đó còn là nhờ vào sự quyết tâm trên dưới một lòng, nhân dân cả nước sát cánh cùng Chính phủ chống dịch.

Chính từ đó, Thủ tướng đã quyết định nới lỏng giãn cách xã hội (kể từ ngày 23/4/2020) trên phạm vi cả nước (chỉ còn một số ít huyện có nguy cơ cao phải tiếp tục thực hiện cách ly). Điều đó là nhằm đưa các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại bình thường, phục hồi nền kinh tế.

Mấy ngày qua, kể từ ngày 23/4, các hoạt động kinh tế - xã hội bước đầu đã khôi phục, nhất là ở các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khó lường, không thể chủ quan mất cảnh giác. Vì thế Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết trong tình hình mới: Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, phương châm: “Chống dịch như chống giặc”, ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong; tuyệt đối không lơ là, chủ quan; khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.

Chỉ thị 19 tiếp tục cụ thể hóa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ từng người dân cho đến các bộ, ban ngành, đoàn thể, các địa phương. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch.

2. Những ngày qua, cùng với niềm vui đã kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, thì xã hội cũng thêm niềm vui khi Chính phủ quyết định gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho các đối tượng khó khăn. Để sự hỗ trợ đó đến đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, thì Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là rất cần thiết. Xin được nhắc lại, các đối tượng được hỗ trợ lần này là: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; Hộ kinh doanh; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; Người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Trước đó, ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Như vậy, đối tượng được hỗ trợ đã xác định rõ, cách thức triển khai hỗ trợ cũng được chỉ rõ. Vấn đề còn lại là cách làm, thái độ làm việc của các địa phương để sự hỗ trợ quý giá đó nhanh chóng đến được người nghèo; chứ không phải là “đi lạc” vào nhà đối tượng khác.

Mà muốn thế thì rất cần sự giám sát chặt chẽ, các cấp chính quyền (nhất là cấp xã, phường) cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thật sự khách quan trong sáng để xác định đúng đối tượng. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, người lao động nghèo đang rất trông đợi sự hỗ trợ ấy. Sợ sai sẽ dẫn đến chậm trễ, khi người nghèo đã lả đi rồi mới nhận được hỗ trợ thì sẽ làm mất mát nhiều ý nghĩa của một chính sách rất nhân văn của Chính phủ. Nhưng còn tệ hơn nếu nhập nhèm, nhập nhằng đối tượng, gạt người cần hỗ trợ ra một bên để thế vào đó là những người thân thích.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 thì bất cứ một hành động nào vì cộng đồng cũng được hoan nghênh. Ngược lại, bất cứ hành vi nào trục lợi từ dịch bệnh cũng đều bị lên án.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống giặc dịch khi nới lỏng giãn cách xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO