Chống người thi hành công vụ trong mùa dịch: Phạt nặng để răn đe

Quang Thành 30/08/2021 06:20

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc chống lại lực lượng đang thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Hành vi của các đối tượng đã thể hiện thái độ coi thường pháp luật, xâm phạm đến trật tự xã hội, gây bức xúc trong dư luận.

Liên tiếp xảy ra các vụ tấn công lực lượng phòng dịch

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương, vì vậy, giãn cách xã hội là biện pháp chống dịch đầu tiên phải thực hiện. Đặc biệt, tại những khu vực có nguy cơ lây lan cao, địa phương phải áp dụng lệnh phong tỏa, nghiêm cấm việc ra vào khu vực phong tỏa để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.

Thế nhưng, đáng buồn là gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc chống lại lực lượng thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, gây bức xúc trong dư luận.

Ngày 29/8, Công an huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) cho biết, đơn vị này đang củng cố hồ sơ xử lý đối với Nguyễn Văn Hòa (34 tuổi, trú tại xã Phú Kim, huyện Thạch Thất) về hành vi chống người thi hành công vụ.

Trước đó, khoảng 14h ngày 27/8, Hòa điều khiển xe môtô chở một nam thanh niên cùng xã về nhà. Khi đi đến chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh cầu Đồng Mô (thuộc thôn Bách Kim), 2 người này bị tổ công tác yêu cầu dừng lại kiểm tra. Do không có giấy đi đường, giấy tờ tùy thân nên Tổ công tác yêu cầu 2 nam thanh niên quay lại, không được đi qua chốt. Tuy nhiên, Hòa không những không chấp hành mà còn có thái độ chửi bới, lăng mạ tổ công tác.

Không được qua chốt, Trần Văn Thịnh đã lăng mạ, tấn công lực lượng phòng, chống dịch.

Trong quá trình làm việc tại trụ sở UBND xã Phú Kim, Hòa có lời nói thách thức, xúc phạm lực lượng chức năng, đồng thời lao vào hành hung Phó trưởng Công an xã. Manh động hơn, đối tượng còn dùng dao đâm một chiến sĩ công an.

Thế nhưng, ngay sau khi bị khống chế, Hòa đã nằm ra nền nhà kêu đau và vu khống cho lực lượng Công an xã Phú Kim đánh người. Công an xã Phú Kim đã mời người chứng kiến đến lập biên bản, đồng thời củng cố hồ sơ xử lý đối tượng Hòa về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Mới đây, ngày 27/8, Cơ quan CSĐT, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam Trần Văn Thịnh (45 tuổi, trú tại đường Phan Huy Chú, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông) về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Theo cơ quan điều tra, khoảng 15h ngày 25/8, Thịnh không đeo khẩu trang, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy định đi qua chốt kiểm dịch thì bị cán bộ của chốt ngăn lại. Tuy nhiên, đối tượng không chấp hành mà giằng co, xô đẩy, giật khẩu trang, khiến cán bộ công an phường Quang Trung (quận Hà Đông) bị thương tích xây xát vùng da cổ. Không những vậy, Thịnh còn cầm gạch đe dọa cán bộ công an và đạp vào người cán bộ này. Được biết, Thịnh có 3 tiền án, 1 tiền sự. Gần đây nhất, đối tượng bị Toà án nhân dân quận Hà Đông tuyên phạt 6 năm tù giam.

Đối tượng Nguyễn Văn Hòa bị khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ.

Cũng trong ngày 27/8, Tòa án nhân dân (TAND) quận Đống Đa (TP Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Đỗ Thu Hà (44 tuổi, chủ quán karaoke Linh Dương ở đường Phạm Ngọc Thạch) về hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 20h30 ngày 9/7, Công an quận Đống Đa phối hợp với lực lượng chức năng phường Trung Tự kiểm tra, phát hiện quán karaoke Linh Dương cho khách đến hát karaoke, vi phạm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Thời điểm này, Hà chỉ đạo nhân viên đóng cửa và cho khách trốn lên tầng 7. Khi lực lượng chức năng yêu cầu mở cửa, Hà và nhân viên không chấp hành, cố thủ ở bên trong. Hơn 2 tiếng sau, Công an quận Đống Đa đã vào được bên trong để kiểm tra, phát hiện tại tầng 1 có 8 khách, trên tầng thượng có 24 khách.

Tại phiên toà, Chủ tọa đánh giá hành vi của bị cáo đã xâm phạm an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh nên cần phải có bản án nghiêm khắc để răn đe. Sau khi xem xét toàn bộ các tình tiết của vụ án, TAND quận Đống Đa đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Thu Hà 12 tháng tù về tội Chống người thi hành công vụ. Nhân viên của quán cũng bị xử phạt hành chính về lỗi cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ.

Cảnh sát giao thông khống chế Nguyễn Thanh Tùng (Hà Nội) vì chống người thi hành công vụ.

Cần phạt nặng để răn đe

Trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục siết chặt các biện pháp để ứng phó với đại dịch Covid-19, đa số người dân đều chấp hành tốt các Chỉ thị về phòng chống dịch. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cá nhân cố tình cản trở, chống đối các lực lượng chức năng đang thi hành công vụ. Căn cứ vào các quy định, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, quy định pháp luật về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ hiện nay là cụ thể, đầy đủ, hình phạt có tính răn đe, giáo dục cao. Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Người thi hành công vụ được hiểu là “cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.”

Khoản 2 Điều này cũng quy định rõ, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ, hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Vì vậy, đối với người không chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19 và có hành vi chống người thi hành công vụ, tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.

Đồng quan điểm, Luật sư Thái Phương Quế (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng đã nêu ra những quy định cụ thể áp dụng đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ. Cụ thể, theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 07 năm tù.

Trong khi cả nước ta đang gồng mình, dốc sức cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 thì vẫn có những đối tượng coi thường kỷ cương, phép nước, ngang nhiên có những hành vi chống người thi hành công vụ. Vì vậy, luật sư Quế cho rằng việc khởi tố, điều tra, xử lý các vụ chống người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 cần được thực hiện kịp thời, trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến pháp luật, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm thì mới có sức răn đe, cảnh tỉnh đối với những ai không chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục

Pháp luật liên quan đến xử lý hành vi chống người thi hành công vụ có xử lý hành chính và xử lý hình sự, tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm. Trong truy cứu trách nhiệm hình sự có những điều, khoản xử lý rất nặng. Nhưng trong thực tế nhiều người chưa nhận thức được hành vi vi phạm của mình sẽ bị xử lý ở mức độ như vậy.

Luật pháp có những mức xử phạt khá rộng, có những điều khoản chưa được áp dụng chặt chẽ. Bình thường có lúc không xử lý đối với một số hành vi liên quan tới vấn đề bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên khi sự việc xảy ra trở thành sự chú ý của dư luận lúc đó mới xem xét, rà soát các quy định của pháp luật, nhưng thực tế chúng ta đã có quy định xử lý rồi.

Luật Xử lý vi phạm hành chính xảy ra ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Rất rộng nên không thể quy định chi tiết từng hành vi cụ thể. Do đó để thi hành luật, Chính phủ đã ban hành các Nghị định để thực hiện theo mức trần mà luật quy định. Ví dụ liên quan đến lĩnh vực này thì trần cao nhất xử phạt là 150 triệu đồng, lĩnh vực kia cao nhất là 200 triệu đồng, có lĩnh vực cao nhất là 1 tỷ đồng, còn pháp nhân cao nhất là 2 tỷ đồng. Như vậy về nguyên tắc là rất cao, còn việc xử lý hành vi cụ thể tùy thuộc vào từng thời điểm nhưng nằm trong khung luật quy định. Tại thời điểm bình thường mức xử phạt có thể chưa cao nhưng trong tình huống khẩn cấp, áp dụng xử phạt cao hay thấp còn phụ thuộc vào mức độ, tính chất hành vi vi phạm.

Việc vi phạm có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc do ý thức hoặc cố tình vi phạm. Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, có người ra đường có lý do chính đáng, có người có lý do không chính đáng. Do đó cần xem xét tùy từng trường hợp để xử lý, chứ không phải tất cả các trường hợp đều cố tình vi phạm pháp luật.

Việc siết chặt, xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ cũng cần dùng nhiều biện pháp để xử lý. Tuy nhiên điều quan trọng chính là thực tế hiện nay có việc người dân vẫn chưa ý thức, nhận thức được hành vi vi phạm của mình. Cho nên cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để người dân hiểu hành vi nào thì xử lý vi phạm hành chính, hành vi nào truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đại tá Phạm Trường Dân, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam: Phải xử lý nghiêm

Trong khi cả nước đang căng mình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì có một số đối tượng có hành vi chống lại lực lượng thi hành công vụ, đang rất vất vả để kiểm soát phòng, chống dịch. Đó là điều không thể chấp nhận được. Theo tôi để ngăn chặn tình trạng chống người thi hành hành công vụ, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang tập trung phòng, chống dịch bệnh thì khi xảy ra những vụ việc các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ, các cơ quan tiến hành tố tụng phải nhanh chóng vào cuộc, hoàn tất hồ sơ vụ án, kịp thời tiến hành các biện pháp điều tra, truy tố để đưa ra xét xử nhằm răn đe các đối tượng khác. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần phải xử lý nghiêm, áp dụng mức án thích đáng phù hợp đối với hành vi của từng đối tượng vi phạm. Có như vậy, tình trạng chống người thi hành công vụ mới không tái diễn.

V.Thắng - PV (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống người thi hành công vụ trong mùa dịch: Phạt nặng để răn đe

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO