Chống nóng - nhìn từ Trung Đông

Hà Anh 07/06/2023 06:22

Khi nắng nóng ngày càng khắc nghiệt hơn, Trung Đông đã chứng kiến sự gia tăng các ca tử vong liên quan đến nắng nóng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khu vực này vẫn cho thế giới thấy nhiều bài học về cách đối phó với mức nhiệt độ cực cao.

Đường phố tại thành phố Masdar của Abu Dhabi được thiết kế để tận dụng bóng râm và gió. Ảnh: AFP.

Không tránh khỏi tổn thương

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học The Lancet, tập trung vào số lượng người tử vong liên quan đến nhiệt độ cao tại Trung Đông và Bắc Phi nếu Trái Đất tiếp tục nóng lên. Nghiên cứu dự đoán những trường hợp tử vong mỗi năm liên quan đến nhiệt độ cao tại 2 khu vực này sẽ tăng từ mức trung bình 2/100.000 người hiện tại lên mức 123/100.000 người vào 2 thập niên cuối của thế kỷ. Vào năm 2100, khoảng 138.000 người có thể sẽ chết vì các nguyên nhân liên quan đến nhiệt mỗi năm ở Iraq. Người già, cư dân thành phố có nguy cơ ảnh hưởng từ nắng nóng cao nhất.

Nghiên cứu của Lancet cũng lưu ý rằng, nhân khẩu học và sự gia tăng di chuyển của người dân vào các thành phố ở Trung Đông sẽ có tác động đến mức độ ảnh hưởng của nhiệt độ cực cao đến người dân địa phương. Đến những năm 2050, gần 70% dân số dự kiến sẽ sống ở các thành phố lớn và đến năm 2100, số người già sẽ nhiều hơn số người trẻ trong khu vực.

Một số nghiên cứu cho thấy, tuổi cao và mật độ dân số cao là những yếu tố chính gây ra guy cơ bệnh tật và tử vong liên quan đến nhiệt độ cao.

Điều này là do người lớn tuổi dễ bị tổn thương hơn về thể chất và các thành phố có xu hướng nóng hơn do hiệu ứng "đảo nhiệt đô thị", do những thứ như tòa nhà dày đặc hơn, đường nhựa tối màu hấp thụ nhiệt và thiếu cây xanh. Các thành phố có thể ấm hơn từ 2 đến 9 độ C so với vùng nông thôn xung quanh.

Bà Eleni Myrivili tại UN Habitat – chương trình định cư con người thuộc Liên hợp quốc (LHQ) nhấn mạnh, mặc dù nhiệt độ cực cao là điều kiện khí tượng nguy hiểm nhất trong năm, nhưng nó thường bị đánh giá thấp hoặc bị bỏ qua.

Nhiều kế hoạch hành động giúp người dân đối phó với nhiệt độ cực cao. Chúng có thể bao gồm mọi thứ, từ các "trung tâm làm mát" do chính phủ điều hành, không gian công cộng nơi mọi người có thể đến để thoát khỏi cái nóng và uống nước, đến các biện pháp chuẩn bị, như các chiến dịch giáo dục về cách giữ nhiệt khi trời rất nóng hoặc trồng thêm cây xanh trong thành phố.

Những giải pháp hiệu quả

Theo kênh DW của Đức, một số biện pháp tiềm năng để đối phó với nhiệt độ cực đoan ngày càng tăng ở Trung Đông đã hiện hữu. Bà Sylvia Bergh - Giáo sư về quản lý phát triển tại Đại học Erasmus Rotterdam (Hà Lan) - cho biết, người dân Trung Đông đã quen với nhiệt độ cao và họ có xu hướng sống trong những ngôi nhà mát mẻ hơn.

Giáo sư Bergh đã chỉ ra trong một bài báo phát hành năm 2022 rằng, các biện pháp thích ứng truyền thống hàng thế kỷ qua của Trung Đông để đối phó với tình trạng khan hiếm nước và khí hậu nóng bức mang đến một kho kiến thức quý giá của con người. Đó là một số biện pháp như tháp "hút gió" đưa không khí mát vào các khu vực sinh sống, đường hầm tưới tiêu và màn chắn thay vì tường. Các tấm chạm khắc phong cách Mashrabiya từ gỗ hoặc đá được đặt trước các cửa sổ lớn, chặn và khuếch tán ánh nắng, tạo điều kiện để không khí trong lành đi vào không gian sống đồng thời tạo ra sự riêng tư.

Cùng quan điểm, bà Myrivili - một chuyên gia về khả năng phục hồi đô thị và nhiệt độ cực cao - cho biết, có rất nhiều điều cần học hỏi từ khu vực này.

"Khu vực Trung Đông có những kiến thức và công nghệ đáng kinh ngạc đã được tinh chỉnh trong nhiều thế kỷ để phù hợp với các điều kiện khí hậu hiện tại mà chúng ta có thể hưởng lợi từ đó".

Đối với các giải pháp tức thời hơn, cả bà Myrivili và bà Bergh đều tin rằng, chính quyền địa phương và đô thị sẽ đưa ra câu trả lời tốt nhất. Bà Myrivili cho biết: “Có 3 loại hành động chính mà các thành phố có thể và nên thực hiện để ứng phó với nhiệt độ cực cao. Đó là nâng cao nhận thức, tăng cường chuẩn bị và thiết kế lại môi trường đô thị".

Nhà báo Kholoud al-Amiry - người sáng lập mạng lưới các nhà báo nữ làm việc về khí hậu có trụ sở tại Baghdad (Iraq) chia sẻ, khi nhiệt kế có dấu hiệu tăng lên mức 50 độ C, người dân địa phương thường được yêu cầu ở trong nhà. Cô cho biết, người dân nhận thông tin qua đài truyền hình hoặc mạng xã hội Facebook. Họ cũng được khuyên đặt bát nước dưới cây cho chim và các loài động vật khi trời nắng nóng.

Theo nữ nhà báo, giới chức địa phương cũng thông báo cho người dân về tình trạng đông đúc ở bệnh viện trong các đợt nắng nóng hoặc bão cát để họ có thể chủ động lựa chọn nơi điều trị. Bên cạnh đó, việc trồng nhiều cây hơn và nhiều vành đai xanh hơn là giải pháp hữu ích. Điển hình là thành phố Karbala (Iraq) vẫn đang cố gắng thiết lập một vành đai xanh rộng lớn xung quanh nó.

Các nhà nghiên cứu cho biết, cũng có sự khác biệt lớn giữa cách các quốc gia giàu có trong khu vực có thể thích nghi với nhiệt độ cực cao. Điều hòa không khí là một ví dụ về cách các quốc gia giàu có hơn, như các quốc gia vùng Vịnh, bảo vệ những người dân dễ bị tổn thương khỏi nắng nóng. Tuy nhiên, ở các quốc gia nghèo hơn hoặc đối với những người dân địa phương không đủ khả năng chi trả, đây không phải là một giải pháp khả thi.

Dù có những biện pháp chống nóng hữu hiệu bao nhiêu thì các nhà khoa học vẫn khẳng định, hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp là giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn 80% số ca tử vong liên quan đến nắng nóng mà họ dự đoán ở Trung Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống nóng - nhìn từ Trung Đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO