Chống sạt lở bờ sông Trà Nóc

T.Liêm 02/10/2020 08:30

Ngày 1/10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng cùng các sở, ngành, UBND quận Bình Thủy đi kiểm tra điểm sạt lở bờ sông Trà Nóc trước cửa UBND phường Thới An Đông (khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy).

Sạt lở bên sông Trà Nóc ảnh hưởng lớn tới người dân.

Theo UBND phường Thới An Đông, điểm sạt lở trước UBND phường xuất hiện vào năm 2019 với chiều dài 140m và thời gian gần đây tiếp tục lan rộng thêm hơn 30m. Đây là điểm sạt lở lớn, đe dọa tới tuyến đường giao thông trước cửa UBND phường và 2 căn nhà nằm ven sông Trà Nóc.

Trong thời gian chờ thi công bờ kè, UBND phường Thới An Đông đã đề nghị quận và thành phố hỗ trợ kinh phí để người dân sinh sống trong 2 ngôi nhà trên thuê chỗ ở tạm cho đến khi công trình kè hoàn thành.

Về nguyên nhân gây sạt lở, lãnh đạo UBND phường Thới An Đông cho biết, do nơi này nằm ngay ngã ba tiếp giáp giữa sông Trà Nóc và rạch Thới Ninh, có dòng chảy phức tạp, nước xoáy. Cùng đó, tuyến sông này thường xuyên có tàu thuyền trọng tải lớn ra vào, sóng tạo ra từ các phương tiện này cũng khiến việc sạt lở trầm trọng hơn.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, tình hình sạt lở bờ sông tại đoạn ngã ba tiếp giáp giữa sông Trà Nóc và rạch Thới Ninh thời gian qua diễn biến rất phức tạp.

Việc sạt lở diễn ra nhanh, gây lún và dạt ra phía ngoài sông. Đặc biệt, qua khảo sát thì nền đất ở khu vực này yếu hơn so với các nơi khác nên khi thi công bờ kè phải tăng cả chiều dài và kích thước cọc bê tông để đảm bảo tính ổn định của công trình.

Theo ông Ninh, khi sạt lở xảy ra vào năm 2019, đơn vị đã tham mưu cho UBND thành phố hỗ trợ kinh phí để di dời các hộ dân ở đây ra khỏi khu vực nguy hiểm và đề xuất xây dựng tuyến kè chống sạt lở dài 140 m với kinh phí hơn 14 tỷ đồng.

Hiện công trình đã hoàn thành được trên 55%, dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2021. Đối với đoạn sạt lở mới phát sinh dài khoảng 30 m trước cửa UBND phường, ông Ninh cho biết đã đề xuất với UBND thành phố tiếp tục làm bờ kè để bảo vệ an toàn cho khu vực này.

Sau khi kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thống nhất chủ trương xây dựng kè chống sạt lở tại khu vực mới phát sinh trên. Công trình xây dựng kiên cố và được đấu nối vào Dự án xây dựng kè chống sạt lở sông Trà Nóc đang được triển khai.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ giao Chi cục Thủy lợi thực hiện các thủ tục để trình UBND thành phố phê duyệt. Đối với công trình xây dựng bờ kè sông Trà Nóc, Chi cục Thủy lợi thành phố (chủ đầu tư công trình) phối hợp cùng chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Đồng thời, hỗ trợ đơn vị thi công tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng. Đặc biệt, đơn vị thi công cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đoạn kè qua gầm cầu Trà Nóc 2 hoàn thành trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để người dân đi lại được thuận tiện hơn…

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xuất hiện 30 điểm sạt lở bờ sông làm sạt hoàn toàn 11 căn nhà, 67 căn nhà bị ảnh hưởng, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở gần 1.500 m, thiệt hại tài sản khoảng 17 tỷ đồng. Thành phố Cần Thơ cũng đã kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các Bộ, ngành quan tâm xem xét, bố trí vốn để thành phố thực hiện một số công trình kè chống sạt lở tại các khu vực trọng điểm, đang bị sạt lở và nguy cơ sạt lở cao để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Đó là các công trình xây dựng kè kiên cố, bê tông cốt thép tại vị trí sạt lở sông Ô Môn, kênh Giáo Dẫn (quận Ô Môn); sông Bình Thủy, sông Trà Nóc (quận Bình Thủy) với chiều dài trên 4 km, tổng kinh phí thực hiện ước tính khoảng 580 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống sạt lở bờ sông Trà Nóc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO