Chống sốt xuất huyết - Cuộc chiến nóng từng ngày

N.Quang-Q.Trung-T.Luân 09/08/2017 08:35

Cho đến thời điểm này, dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn bùng phát dữ dội. Nhiều địa phương trong cả nước đã công bố dịch. Số bệnh nhân SXH tiếp tục gia tăng, nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Các tỉnh Tây Nam Bộ tình hình cũng rất nóng.

Điều trị cho bệnh nhân tại BV Nhi đồng Cần Thơ. (Ảnh: Quốc Trung).

Hà Nội: Thầy thuốc không nghỉ phép để đối phó với dịch bệnh

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 71.410 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 19 người tử vong, số ca mắc tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, bệnh nhân ở các tỉnh miền Nam chiếm 59%. Tại khu vực phía Bắc, nhiều bệnh nhân nhất là Hà Nội, chiếm gần 74% khu vực.

Ngày 8/8, BS Phùng Phú Khiêm- Khoa Hồi sức tích cực BV bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, thêm một bệnh nhân mới tử vong do SXH (bệnh nhân nữ, 36 tuổi, quận Hoàng Mai). Sau khi nhập viện, dù đã được điều trị tích cực nhưng đến ngày 26/7 bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, rối loạn đông máu, não tổn thương không hồi phục, thận bị vô hiệu hoàn toàn. Để duy trì sự sống cho người bệnh, BV phải tiến hành chạy thận, lọc máu liên tục. Tuy nhiên, do bị suy đa tạng, bệnh nhân đã qua đời chiều ngày 7-8. Đây là ca tử vong thứ 6 tại Hà Nội tính từ đầu năm do SXH. Trước đó có 4 trường hợp là người lớn và 1 trường hợp là bệnh nhi 8 tuổi.

TS.BS Đỗ Duy Cường- Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai cho biết, từ ngày 20/7 đến nay, do người đến khám SXH quá đông, số người phải điều trị nội trú tăng vọt, thời gian điều trị lại kéo dài nên các phòng bệnh đều đã quá tải, dẫn đến việc 2-3 bệnh nhân phải nằm chung 1 giường. Vì vậy, BV Bạch Mai phải mở thêm 5 phòng khám mới chuyên về SXH, các khoa khác đã phải nhường giường bệnh cho bệnh nhân SXH. Còn theo BS Bùi Đức Nguyên, nhiều ngày qua ông và các đồng nghiệp phải làm việc 12 tới 14 tiếng liền trong trạng thái rất căng thẳng.

BV Bạch Mai cũng đã phải thay đổi thời gian làm việc: đẩy sớm lên từ 7 giờ sáng, kéo dài đến 17 giờ chiều và bố trí cán bộ, viên chức đi làm cả thứ 7, chủ nhật; không ai được nghỉ phép trong đợt này.

Tình hình còn khẩn trương hơn đối với BV bệnh Nhiệt đới trung ương. Ông Nguyễn Văn Kính- Giám đốc BV này cho biết, thời gian gần đây, mỗi ngày có khoảng 600 bệnh nhân vào khám và điều trị SXH. Trong vòng 2 tuần trở lại đây, việc 2 bệnh nhân phải nằm chung 1 giường là phổ biến. Đợt dịch này so với đợt dịch cùng thời điểm năm ngoái thì số lượng bệnh nhân mắc SXH tăng 4 lần. “Chúng tôi lo rằng từ nay đến tháng 9, số bệnh nhân sẽ còn tăng lên”- ông Kính nói và bày tỏ nếu tình trạng này kéo dài thì các y bác sỹ sẽ kiệt sức.

BS Trần Thị Hải Ninh- Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, thời gian trước mỗi ngày có khoảng 200 người đến khám SXH, nay tăng lên gần 1.000 người mỗi ngày. Kể từ ngày 7/8, BV phải kê thêm 20 giường tại hội trường để làm khu vực điều trị ban ngày. Tại đây, những bệnh nhân chưa phải nằm viện dài ngày sẽ được khám, truyền dịch sau đó về điều trị ở nhà.

Tới thời điểm này, tại Hà Nội, đã có hơn 8.000 bệnh nhân SXH. Đây là con số lớn chưa từng thấy kể từ trước đến nay về SXH.

ĐBSCL: Cảnh báo người dân ngủ màn, kể cả ban ngày

Ngày 8/8, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, BS Trần Văn Dễ- Giám đốc BV Nhi đồng Cần Thơ cho biết: Từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận trên 4.100 ca SXH, trong đó khoảng 2.800 ca điều trị ngoại trú và 1.300 ca điều trị nội trú, trong đó có 59 ca cấp độ 3 trở lên, chuyển 4 ca lên BV Nhi đồng 1 (TPHCM). Riêng tại Cần Thơ, trong 7 tháng đầu năm đã phát hiện khoảng 725 ca, tăng hơn 1,5 lần so cùng kỳ 2016.

Vẫn theo BS Dễ, những ngày qua do mưa nhiều, thời tiết thất thường, muỗi sinh sản nhiều, số ca SXH theo đó cũng tăng mạnh so với các tháng trước. Diễn biến SXH ở các tỉnh vùng ĐBSCL cũng khá thất thường và không đều ở từng vùng.

BS Huỳnh Mộng Hùng- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 23.000 trường hợp mắc SXH, tăng 27,6% so cùng kỳ năm 2016, trong đó có 87 ca sốc nặng, 1 trường hợp tử vong.

Còn tại Cà Mau, số trẻ nhập viện do SXH tại BV Sản-Nhi ngày càng nhiều và tăng cao so với những tháng trước. BV đã tiếp nhận điều trị nội trú gần 400 ca, trong đó tháng 5 có số ca bệnh tăng 148%, tháng 6 tăng đến 405% so với cùng kỳ năm 2016.

Trước tình hình đó, ngành y tế các địa phương trong vùng ĐBSCL đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa SXH như tuyên truyền, vận động diệt lăng quăng, diệt muỗi… song tình hình vẫn có chiều hướng gia tăng. Tại Đồng Tháp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chủ động phòng dịch qua các chiến dịch diệt lăng quăng, tăng cường giám sát chặt chẽ số ca bệnh, mật độ côn trùng gây bệnh; Đồng thời, xử lý triệt để những ổ dịch tránh lây lan rộng, phun xịt hóa chất trên diện rộng để diệt muỗi.

Ngành y tế Cần Thơ khuyến cáo người dân cần dọn vệ sinh sạch sẽ quanh nhà, không để nước tù đọng (bể, lu, chai, lọ…), ngủ màn (kể cả ban ngày), không cho trẻ em chơi chỗ tối, dọn dẹp những nơi muỗi thích đậu, dùng kem thoa chống muỗi... Tuy nhiên, theo BS Trần Văn Dễ, thì dù đã có những biện pháp phòng ngừa nhưng khi thấy các triệu chứng sốt, xuất huyết dưới da, lấm chấm, mẩn đỏ, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu thì cần chuyển đến cơ sở y tế và chuyên khoa điều trị ngay.

TP Hồ Chí Minh: Tăng cường giám sát các ổ dịch

Ngày 8/8, ông Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, tính hết tháng 7, tổng số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố là 11.195 ca, tăng 25% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng chung của thành phố của tháng 7 so với tháng 6 là 46%. Tổng số tử vong là 4 so với cùng kỳ là 1. Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, có 4 quận/ huyện có số ca mắc nhiều nhất, gồm: quận Bình Tân, quận 12, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn. Theo báo cáo của UBND quận 12, trong 7 tháng đầu năm quận ghi nhận 883 ca SXH, tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2016 là 116,3%.

Ca bệnh được ghi nhận nhiều nhất tại các phường Hiệp Thành, tân Chánh Hiệp, Tấn Thới Hiệp. Lãnh đạo quận 12 đã chỉ đạo các phường phải duy trì thường xuyên công tác truyền thông, giám sát dịch bệnh. Quận cũng kết hợp hoạt động mùa hè xanh huy động thanh niên tình nguyện dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn và tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh cho người dân. Chỉ rõ diễn biến dịch tại quận 12, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho hay, quận 12 hiện là quận có số ca mắc SXH cao nhất so với cùng kỳ, trong tháng 7 vừa rồi tăng 27% so với tháng 6 của quận 1.

Tuy nhiên so với tháng 6 thì số ca bệnh của tháng 7 tại quận đang có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là so các quận triển khai tích cực hoạt động phòng chống dịch SXH.

Nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, công tác kiểm tra, giám sát chống dịch SXH được các quận/huyện thực hiện đầy đủ nhưng có một số nội dung thực hiện chưa tốt. Trên thực tế, điểm nguy cơ trong ổ dịch đòi hỏi phải được giám sát thường xuyên. Tháng 8 vẫn là tháng cao điểm phòng SXH bằng cách kiểm tra giám sát tại phường/xã. Đặc biệt, sẽ lên kế hoạch cụ thể tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng hàng tuần trong cộng đồng để người dân làm theo chứ không chỉ xử lý ổ dịch SXH, vì xử lý hết ổ dịch này sẽ có ổ dịch khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống sốt xuất huyết - Cuộc chiến nóng từng ngày