Chốt chặn trước quán nhậu, nhà hàng

Thanh Tùng 18/06/2020 09:43

Một số ý kiến cho rằng CSGT chốt chặn đo nồng độ cồn trước quán nhậu là “phản cảm” thì đến nay gần như mọi người đều đồng tình với biện pháp ngăn chặn này của lực lượng CSGT các địa phương.

Một vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1.
Một vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1.

Thống kê của cơ quan chức năng, sau gần 2 tháng thực hiện Nghị định 100, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu trên tất cả các tiêu chí. Với các chế tài tăng gấp đôi so với Nghị định 46 được ban hành trước đó; Nghị định 100 được xem là liều thuốc đủ mạnh kéo giảm TNGT có nguyên nhân từ rượu. Tuy nhiên, thời gian gần đây TNGT liên quan đến rượu bia có chiều hướng gia tăng trở lại ở một số địa phương, đã khiến xã hội không khỏi lo lắng.

Vụ TNGT nghiêm trọng và thương tâm mới đây nhất xảy ra trên tuyến đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) vào đêm 13/6 vừa qua làm một thai phụ phải nhập viện cấp cứu, y bác sỹ không thể cứu được thai nhi 32 tuần tuổi; đã khiến dư luận phải bàng hoàng trước sự vô cảm - đúng hơn là tội ác của đối tượng điều khiển xe máy trong tình trạng say xỉn, vô thức (với nồng độ cồn đo được tại thời điểm gây tai nạn là 6.1 mg/1 lít khí thở).

Cảnh sát giao thông xác định đối tượng điều khiển xe máy BKS 29Y7-7538 trong trạng thái say xỉn, đâm vào cặp vợ chồng thai phụ đi bộ sang đường tên là Đào Quang Ngọc (30 tuổi, quê ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, trú ở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội).

Căn cứ Nghị định 100, đối tượng Đào Quang Ngọc phải chịu mức phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng, tước bằng lái từ 1 đến 3 tháng (với hành vi điều khiển xe máy chở 3 người); từ 6 triệu đến 8 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 22 đến 24 tháng (do trong hơi thở có nồng độ cồn vượt gấp nhiều lần so với khung quy định là 0.4 mg/lít khí thở).

Nhiều người cho rằng chế tài áp dụng theo Nghị định 100 đối với Đào Quang Ngọc là quá nhẹ vì điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong khi say rượu gây tai nạn nghiêm trọng, thương tâm cho người khác chính là hành vi của tội ác.

Ngoài việc chấp hành các chế tài hành chính theo Nghị định mới, Đào Quang Ngọc có thể còn phải chịu hình phạt khác theo luật định nhưng theo một số nhà phân tích xã hội thì gốc rễ của TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia nằm ở ý thức của mỗi người.

Phải nhìn nhận rằng từ hàng chục năm nay, đời sống xã hội khá phổ biến tình trạng lạm dụng rượu, bia. Rượu, bia không chỉ có ở tiệc tùng, cưới, hỏi, ma chay mà còn lan tràn từ thành phố đến cả những vùng quê heo hút. Đằng sau tiếng hò hét thúc ép nhau “một hai ba…dô!” trong quán nhậu là khuôn mặt khi tái ngắt, lúc đỏ phừng phừng cùng những cái đầu lâng lâng ngà ngật.

Cách đây 10 năm, từng có con số được đưa ra là Việt Nam mỗi năm tiêu thụ 3 tỷ lít bia. Việc lạm dụng bia rượu gây nên những hệ lụy trong đời sống - đặc biệt là TNGT. Thống kê mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy, các vụ TNGT do uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông có tỷ lệ người điều khiển xe máy chiếm từ 70 - 90% số vụ, trong đó, tỷ lệ nam giới gây ra là 80 - 90%. Thời điểm xảy ra TNGT do rượu bia thường vào buổi tối, trong khoảng thời gian từ 18h đến 24h.

Chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) cũng đưa ra kết quả quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu rằng, tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68% (xe máy 62%, ôtô 6%). Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng say xỉn.

Thực trạng lạm dụng rượu, bia ở mọi độ tuổi, giới tính, thành phần xã hội; buộc các cấp, ngành quản lý phải có ngay các giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu, ngăn chặn. Nghị định 100 với các chế tài đặc biệt cao đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông như phạt từ 30 đến 40 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 16 đến 18 tháng (đối với người điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt quá 50 mgđến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1l khí thở), được coi là liều thuốc hiệu quả ngăn chặn TNGT từ rượu, bia.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, 2 tháng sau khi Nghị định 100 có hiệu lực thi hành, TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia giảm sâu trên tất cả các tiêu chí.

Đơn cử, tháng 1/2020, cả nước chỉ xảy ra 726 vụ TNGT, làm chết 526 người, bị thương 450 người (giảm 122 người chết so với bình quân của năm 2019). Ngay thời điểm lực lượng chức năng trên cả nước đồng loạt ra quân thực hiện Nghị định 100, dư luận xã hội cũng xuất hiện những ý kiến trái chiều, trong đó có cả việc hoài nghi, quy chụp. Tuy nhiên, như đã đề cập, gốc rễ của TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia là ở ý thức của mỗi người.

Một số ý kiến cho rằng CSGT chốt chặn đo nồng độ cồn trước quán nhậu là “phản cảm” thì đến nay gần như mọi người đều đồng tình với biện pháp ngăn chặn này của lực lượng CSGT các địa phương. Và có lẽ cần phải làm mạnh hơn nếu không muốn TNGT tái diễn ở mức độ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chốt chặn trước quán nhậu, nhà hàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO