Chủ bút bản lĩnh và nhân văn

Đăng Ngọc 23/01/2017 14:05

“Chủ nhiệm, Chủ bút báo Cứu Quốc, từ ông Xuân Thủy, Nguyễn Thành Lê đến anh Nguyễn Ngọc Kha, mỗi người một vẻ nhưng mười phân vẹn mười. Ông Xuân Thủy là bậc đàn anh về tuổi đời, bậc thầy về nghề, anh Kha lọt vào mắt xanh của ông Thủy và trở thành Chủ bút báo Cứu Quốc ở thời điểm đầy thử thách”- bà Đặng Ngọc Trâm, nguyên là cán bộ báo Đại Đoàn Kết- vợ ông Kha mở đầu câu chuyện làm báo Mặt trận với tôi như vậy.

Ông Nguyễn Ngọc Kha.

1. Ông Nguyễn Ngọc Kha- Chủ bút báo Cứu Quốc, từ năm 1954 đến năm 1961. Ông mất năm 1973. Bà Trâm ngước nhìn lên tấm ảnh thờ chồng và như có sự hiển linh, kéo quá khứ xa xăm lại gần: “Tôi đi học ở Hà Nội về, qua xóm nhà anh, ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, trời mưa, đường quê trơn, trượt chân ngã… Một chàng trai trắng trẻo, thư sinh từ trong nhà bước ra, mỉm cười, đỡ tôi dậy, hỏi trống không: “Đi đâu về thế, có sao không?”. Tôi chỉ nói gọn lỏn: “Ở xóm trên” và đi thẳng về nhà. Nhưng từ đó nụ cười, câu hỏi của anh cứ xoáy mãi trong đầu tôi. Thi thoảng anh tìm tới nhà tôi chơi, rồi gửi thư khi tôi học ở Hà Nội. Anh Kha là con thứ 3 trong gia đình, nhà nghèo, học chưa hết cấp 3 thì đi theo kháng chiến. Thực dân Pháp nghi anh hoạt động cho Việt Minh bắt giam ở nhà tù Sơn La 1 năm, quản thúc 1 năm”.

Năm 1947, Liên khu Ba gồm 11 tỉnh, thành được thiết lập. Tháng 3/1948, báo Cứu Quốc Liên khu Ba cũng ra đời, trên cơ sở sáp nhập báo Cứu Quốc của Liên khu Hai với báo Thủ đô (của Khu 11 cũ), và là chi nhánh của báo Cứu Quốc Trung ương. Anh phóng viên báo tỉnh Nguyễn Ngọc Kha ngày nào, giờ đã trở thành Chủ nhiệm một tờ báo lớn. Bộn bề khó khăn về cơ sở vật chất: giấy, mực in báo rất thiếu thốn, nhà in phải liên tục di chuyển địa điểm để tránh sự săn lùng của mật thám Pháp. Nếu không có bản lĩnh kiên cường làm sao dám vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, kể cả tính mạng để đảm nhận chức Chủ nhiệm một tờ báo. Giữa năm 1949, thực dân Pháp mở rộng chiếm đóng ra đồng bằng Bắc Bộ, theo chỉ đạo của ông Xuân Thủy, Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Kha cùng một bộ phận của báo rút lên Việt Bắc bảo toàn lực lượng. Trước khi rút, Chủ nhiệm Kha vẫn quyết định tổ chức cuộc triển lãm hội họa, điêu khắc với 200 tác phẩm, ở thị trấn Đồng Năn, và thu hút được đông đảo đồng bào các giới đến xem. Triển lãm vừa xong thì địch càn quét. Các tác phẩm được cán bộ phóng viên của báo mang giấu tại một hầm lớn ở xóm bên ngoài xứ đạo An Lạc, Duyên Tục, Thái Bình.

2. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, hòa bình lập lại, tình hình và nhiệm vụ thay đổi nên có sự hoán vị báo chí: Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng trở thành báo hàng ngày, báo Cứu Quốc, cơ quan Trung ương của Mặt trận Liên Việt chuyển thành báo tuần. Ông Nguyễn Thành Lê , Chủ bút báo Cứu Quốc và một số cán bộ, phóng viên chuyển sang báo Nhân Dân, ông Nguyễn Ngọc Kha được tiến cử làm Chủ bút. “Chính ông Xuân Thủy là người đề xuất để cấp trên quyết định giao trọng trách này cho anh Kha, vì ông Xuân Thủy quá hiểu khả năng nghề nghiệp của anh Kha trong những năm tháng làm báo đầy gian khổ”- bà Trâm nói.

Bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp đó được phát huy khi ông đảm nhiệm tờ tuần báo Cứu Quốc. Một tờ tuần báo xuất bản thời bình, điều kiện vật chất tuy không thiếu thốn như thời chiến, nhưng yêu cầu nhiệm vụ lại cao hơn, phức tạp hơn: Đoàn kết toàn dân, chống lại những luận điệu bè phái, chia rẽ của kẻ thù; Đấu tranh với thực dân Pháp đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà; rồi đấu tranh với nghèo nàn lạc hậu, lối làm ăn cũ. Bài vở về các chủ đề này không hừng hực như thời chiến, nhưng cũng phải có tính chiến đấu, có tư duy chính trị sắc bén, có chiều sâu tư tưởng. Nếu người chủ bút không có bản lĩnh chính trị kiên cường, tư duy nghề nghiệp sắc sảo khó có thể viết và tổ chức hệ thống bài vở, đưa ra những chuyên mục vừa phục vụ tốt cho công tác chính trị vừa hấp dẫn bạn đọc. Ở ông Kha hội đủ phẩm chất của một cán bộ Mặt trận và người làm báo chuyên nghiệp. “Anh Kha rất yêu văn nghệ, thi thoảng có làm thơ, nhưng chủ yếu là viết những bài xã luận mỗi khi có sự kiện lớn”. Bà Trâm nói vậy, và tôi tìm đọc lại một số tài liệu về lịch sử báo chí cách mạng, khi đánh giá về báo Cứu Quốc giai đoạn 1945-1954, có nhận xét: “Đó là tờ báo hay, hay là bởi thu hút được nhiều cây bút sắc, có những tác phẩm báo chí tạo nên sức hút thường kỳ của các tác giả: Xuân Thủy, Lê Quang Đạo, Nguyễn Ngọc Kha, Nguyễn Thành Lê, Trần Huy Liệu, Như Phong”. Vậy là ông Kha đã được ghi vào hàng cây bút tên tuổi từ thời đó. Và khi tìm đọc một số báo Cứu Quốc thời ông Kha làm Chủ bút, thấy một chủ đề thời sự ăn khách là đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam.

Bên cạnh những tin, bài đề cập tới việc Đảng ta đã đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể để Mặt trận, các đoàn thể phối hợp thực hiện, báo đã góp phần thông tin, tuyên truyền, giải thích cho đồng bào hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, vạch trần những luận điệu xảo trá của địch, giúp cho nhiều người yên tâm ở lại miền Bắc. Báo Cứu Quốc số ra ngày 22/11/1954 có các bài: “Bóc trần luận điệu vu khống của nhà đương cục Pháp”. “Bài xã luận thường không ký tên, nhưng khi đọc lên anh em trong Tòa soạn biết ngay đó khẩu khí của anh Kha. Anh viết khá nhiều bài đinh, và hình thành phong cách của một cây bút chính luận”. Ông Nguyễn Hữu Tuấn (Lã Vọng)- nguyên Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, năm nay đã 94 tuổi, nói với tôi như thế. Báo Cứu Quốc ở thời bình vẫn đầy tính chiến đấu, dám nhìn thẳng vào những vấn đề gai góc để phản ánh, nói lên được tâm tư, nguyện vọng của dân trong cải cách ruộng đất. Hội nghị lần thứ 10, tháng 9/1956 và Hội nghị lần thứ 14, tháng 11/1956 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới sai lầm trong cải cách ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xin lỗi nhân dân, nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng xin từ chức và chịu kỷ luật. Báo Cứu Quốc có vệt bài về sửa sai của Đảng và xã luận với tiêu đề: “Nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí trước nhiệm vụ sửa sai”, đăng trong số ra ngày 4/11/1956. Theo bà Trâm: “Đó là bài anh Kha viết rồi đưa cho ông Xuân Thủy, khi đó là Chủ nhiệm báo, xem lại. Anh Kha là người nhìn rõ sở trường, sở đoản của từng phóng viên và biết phát huy những thế mạnh của từng cây viết, anh rất dân chủ trong lãnh đạo, những bài báo quan trọng cả Ban biên tập duyệt. Anh cũng là người đầy tình thương yêu đồng nghiệp. Ngày ấy viết bài không có nhuận bút, lương lại ít. Anh Kha thường lấy xuất lương của mình giúp đỡ những anh em có hoàn cảnh khó khăn, nhà đông con. Khi anh em ốm đau, dù bận mấy anh cũng dành thời gian tận tình thăm hỏi”.

... Gặp lại ông Lã Vọng, tôi đưa ra nhận xét: “Hình bóng của một tờ báo là hình bóng của chủ bút, đọc những số báo Cứu Quốc thấy giầu chất nhân văn, ông Kha- một người hẳn là rất nhân văn”. Ông Lã Vọng đồng tình với tôi và nói thêm: “Anh ấy là người rất nghị lực. Báo Cứu Quốc thường trao đổi với một vài báo của Trung Quốc, anh Kha không biết tiếng Trung, anh tự học và chỉ một thời gian ngắn anh đã đọc được báo tiếng Trung khá tốt”. Bà Đặng Ngọc Trâm bộc bạch: “Anh Đặng Xuân Khu (Trường Chinh, Tổng Bí thư, từng là Chủ nhiệm báo Cứu Quốc khi mới ra đời) là anh con ông bác ruột tôi, cũng quý anh Kha, có lần chúng tôi gặp anh, anh khen em rể “làm báo được đấy”và nói, hai vợ chồng cùng làm báo vất vả lắm đấy, rồi động viên chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Có thể nói ông Kha đã hoàn thành tốt nhiệm vụ với báo Cứu Quốc. Và một lần nữa cấp trên lại trọn mặt gửi vàng, năm 1962, ông được điều chuyển sang làm Tổng biên tập báo Thời mới, một tờ báo hàng ngày của tư nhân xin gia nhập thành đơn vị công tư hợp doanh trong khối Mặt trận. Ở cương vị này được hơn 5 năm, ông chuyển về làm Chánh văn phòng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. “Anh Kha đam mê nghề báo, khi được tin sẽ làm nhiệm vụ mới, anh nói vui với tôi bằng cách phát âm sai chính tả chữ “chánh” thành “ tránh” văn phòng. Làm công việc này vất vả như làm dâu trăm họ. Tuy vậy anh vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và cái máu nghề báo không nguôi trong anh, thi thoảng anh vẫn viết báo, làm thơ...Nhưng số phận đã không chiều, chỉ sau thời gian ngắn sức khỏe của anh giảm sút, đi khám bác sĩ phát hiện anh bị ung thư trực tràng. Nghe hung tin, tôi ngất đi, còn anh vẫn đầy nghị lực, điềm tĩnh, vẫn hết mình với công việc, anh chống trọi với những cơn đau...”. Bà Trâm kể và lại ngước lên tấm ảnh thờ, đôi mắt sắc của bà một thời được mệnh danh là hoa khôi của làng báo, giờ đã mờ mờ lại thêm thấm lệ...

Ông Kha mất ngày 18/5/1973, khi tuổi đời mới chỉ 66, đứa con trai duy nhất mới hơn 10 tuổi. Ông ra đi trong niềm thương tiếc của cán bộ Mặt trận và đồng nghiệp Cứu Quốc. Ông để lại dấu ấn khó phai mờ với báo Cứu Quốc trong 7 năm Chủ bút: Làm cho tờ tuần báo có bản sắc riêng, dám nhìn thẳng vào sự thật, khó khăn ở giai đoạn sau hòa bình; đóng góp có hiệu quả vào việc tuyên truyền, thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước; khôi phục kinh tế, chống nghèo nàn, lạc hậu... trong những năm đầu của nền dân chủ mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ bút bản lĩnh và nhân văn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO