Chủ động giám sát căn bệnh viêm gan 'bí ẩn'

Đức Trân 09/05/2022 07:26

Những ngày qua, dư luận đang rất quan tâm tới tình trạng nhiều trẻ em tại khoảng 20 quốc gia trên thế giới mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân. Tính tới nay, đã ghi nhận những trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định.

Cẩn trọng trước căn bệnh viêm gan bí ẩn. (Ảnh minh họa)

Những giả thiết về nguyên nhân gây bệnh

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 3/5/2022 trên thế giới đã ghi nhận 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 20 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 4 trường hợp tử vong.

Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan. Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt.

Đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E). WHO và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra.

Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp nào mắc viêm gan “bí ẩn” nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập là rất lớn, do đó việc phòng bệnh, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca mắc rất cấp thiết. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các viện đầu ngành tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” ở trẻ.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi Hội Truyền nhiễm TP HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay: Căn bệnh viêm gan “bí ẩn” đang được người dân rất quan tâm, nhưng tôi cho rằng từ chính xác ở đây để gọi căn bệnh này là viêm gan cấp.

Hiện nay chúng ta cho rằng đây là bí ẩn, vì chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh, điều này cũng tương tự như vào những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, viêm gan B, viêm gan A cũng từng “bí ẩn” như vậy.

Tại bệnh viện nơi tôi công tác vào thời điểm đó, mỗi năm cũng tiếp nhận vài chục trường hợp trẻ em nhập viện vì suy gan cấp dẫn tới hôn mê gan, suy gan, teo gan. Một thời gian sau, khi chúng ta có thể thực hiện được các xét nghiệm siêu vi thì căn bệnh được cho là bí ẩn này không còn gì bí mật cả.

Được biết, hiện nay trên thế giới có 3 giả thuyết đang được đưa ra về nguyên nhân của căn bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân nói trên: Do virus Adeno, do biến chứng hậu Covid-19 và có thể do nhiễm độc. Thậm chí nhiều người đặt ra câu hỏi liệu bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có liên quan gì tới Covid-19 và vaccine phòng Covid-19 hay không?

Trả lời câu hỏi này, BS Khanh giải thích: Giả sử những ca bệnh viêm gan cấp tính nói trên xuất hiện tại các nước nghèo thì việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh là vô cùng khó khăn, thậm chí ngành Y tế của những nước đó có thể cho rằng đây chỉ là căn bệnh viêm gan thông thường.

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, căn bệnh này xuất hiện tại những nước phát triển như Mỹ, Anh… và xuất hiện rải rác tại nhiều nước và có bệnh cảnh rất giống nhau. Bởi vậy, khả năng nhiễm độc có thể được loại trừ.

Về giả thiết do hậu Covid-19 hay do vaccine phòng Covid-19 cũng khó có khả năng bởi lẽ số trẻ em mắc Covid-19 trên toàn cầu là rất lớn. Nếu như do nguyên nhân này thì số lượng ca mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân có thể phải cao hơn rất nhiều so với con số hơn 200 ca mắc ghi nhận được trên toàn cầu.

Thêm nữa, có những trẻ mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân chưa hề mắc Covid-19. Do đó, khả năng cao nhất gây ra căn bệnh này là do virus và sau khi thực hiện rất nhiều xét nghiệm chuyên sâu khác nhau để tìm ra loại virus nào thì các nhà khoa học nhận ra được một điểm chung là nhiều ca bệnh có sự xuất hiện của Adeno virus. Bởi vậy, giả thiết căn bệnh này do virus Adeno gây ra đang phổ biến nhất.

Cẩn trọng với căn bệnh mới

BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cảnh báo, căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân đã xuất hiện tại nhiều nước và để lại hậu quả nặng nề. Những ca viêm gan nói trên khởi phát từ Anh, sau đó xuất hiện tại Mỹ, châu Âu và một số nước Đông Nam Á. Singapore cuối tuần qua đã xác nhận một trường hợp ở bệnh nhi 10 tháng tuổi và mới đây Indonesia cũng thông báo có 3 trẻ tử vong do căn bệnh bí ẩn này.

Một số trẻ từng mắc Covid-19, số khác nhiễm Adeno virus, gây bệnh cảm lạnh thông thường. Với những hậu quả mà nó gây ra, dù căn bệnh mới này chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng tất cả chúng ta đều cần rất thận trọng.

“Như những triệu chứng đã được các cơ quan y tế thế giới khuyến cáo, đó là trẻ mắc viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân có biểu hiện đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, sau vài ngày trẻ sẽ mệt mỏi, đi tiểu vàng, mắt vàng. Theo tôi, nếu các bậc phụ huynh có con xuất hiện triệu chứng của rối loạn tiêu hóa từ nhẹ tới nặng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy thì cũng nên đưa trẻ đi khám để các bác sĩ phát hiện thêm liệu trẻ có bị viêm gan hay không. Bởi đến khi trẻ có biểu hiện vàng mắt, vàng da thì đó cũng là khi đã bệnh nặng” - bác sĩ Huyền nói.

Nhằm chủ động giám sát các ca viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong, cuối tuần qua Cục Y tế dự phòng đã có công văn đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tập trung theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới; phối hợp với địa phương lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng, chống tại Việt Nam gửi về Cục Y tế dự phòng để theo dõi, tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.

Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai giám sát, phòng, chống và xét nghiệm viêm gan virus, trong đó tập trung vào hoạt động tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ bao phủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Thường xuyên cập nhật các hướng dẫn chuyên môn và giám sát, phòng, chống bệnh viêm gan virus, tổ chức tập huấn đào tạo cho cán bộ y tế tại các địa phương trên địa bàn Viện phụ trách.

Phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện các nghiên cứu, điều tra về bệnh viêm gan virus để cung cấp thêm thông tin, bằng chứng và tham mưu cho Bộ Y tế trong việc xây dựng chính sách, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật phòng, chống bệnh viêm gan virus.

TS. BS Trương Anh Thư - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai:

Thực hiện những biện pháp vệ sinh cơ bản trong mọi tình huống

Những việc cần làm hiện nay là các phụ huynh, thầy cô, cơ sở y tế cần cập nhật thông tin, theo dõi để phát hiện sớm nhất có thể những trẻ có triệu chứng của bệnh. Bên cạnh đó, những biện pháp vệ sinh cơ bản luôn luôn cần được duy trì cho dù trong bối cảnh căn bệnh này xuất hiện hay không xuất hiện ở Việt Nam.

Đó là những biện pháp vệ sinh tay không chỉ ở trẻ mà cả ở những người chăm sóc trẻ. Tránh tiếp xúc với người bệnh, che miệng mũi khi ho, hắt hơi, tránh tiếp xúc mắt mũi miệng. Những nơi trẻ lui tới cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, đảm bảo thông thoáng.

BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương:

Quan tâm tới những biểu hiện để đưa trẻ đi thăm khám kịp thời

Triệu chứng khởi phát của trẻ em khi mắc căn bệnh này là tình trạng nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và sau đó nhanh chóng diễn biến thành suy gan. Một số biểu hiện lâm sàng khác của trẻ mắc bệnh viêm gan này là vàng da, vàng mắt, đi tiểu sẫm màu, chán ăn, mệt mỏi.

Trường hợp nặng hơn có thể xảy ra tình trạng lơ mơ hoặc hôn mê.

Những trẻ xuất hiện các triệu chứng trên sẽ cần được theo dõi sát và đưa đến cơ sở y tế sớm để thăm khám cũng như làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan. Từ đó, bệnh nhân phải được chẩn đoán có tình trạng tổn thương gan hay không.

Đ. Trân(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động giám sát căn bệnh viêm gan 'bí ẩn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO