Chủ động kịch bản ứng phó

Lam Nhi 10/12/2020 07:30

Trước những diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19, ngành Giáo dục nói chung và từng trường nói riêng đã và đang chuẩn bị những biện pháp để sẵn sàng, chủ động ứng phó với dịch bệnh.

Không chỉ đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại trường học như: thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch và xà phòng... nhiều trường cho biết đã lên phương án bảo đảm sức khỏe cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên trong trường học.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các bậc phụ huynh là rất quan trọng. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, Quận 4, TP HCM Lê Ngọc Phong nêu ví dụ, từ những việc nhỏ nhất như khi phụ huynh đưa con đến trường mà không nhắc nhở các em đeo khẩu trang, bản thân phụ huynh không đeo khẩu trang, không nhắc nhở các em rửa tay thường xuyên... thì việc triển khai trong nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, rất cần sự phối hợp, đồng hành, quan tâm của phụ huynh cùng với nhà trường trong việc hạn chế tối đa các em đi đến những nơi đông người hay những việc khác như khai báo y tế là vô cùng quan trọng để nắm rõ thông tin, lịch trình của học sinh, người thân.

Đối với học sinh nói chung và học sinh cuối cấp nói riêng, việc cần làm hiện nay đó là thực hiện tốt việc phòng ngừa cá nhân và tập trung vào việc học để không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Trong trường hợp nếu phải nghỉ học trực tiếp, cần có kế hoạch học tập cụ thể tại nhà với việc kết hợp học online và tự học cả kiến thức mới, ôn tập kiến thức cũ.

Sự giám sát của gia đình là cần thiết nhưng quan trọng vẫn là rèn luyện ý thức tự học của mỗi học sinh ngay từ bây giờ bởi với nhiều bậc cha mẹ vẫn phải đi làm mỗi ngày, không thể ngồi cạnh kiểm tra con liên tục.

Tuy nhiên, một khó khăn đặt ra đó là năm học 2020-2021 là năm thực hiện chương trình GDPT 2018 bắt đầu từ lớp 1, các em học theo sách giáo khoa mới. Nếu đặt giả thiết phải tạm dừng đến trường để phòng dịch Covid-19, chuyển sang học trực tuyến, những học sinh vừa kịp làm quen với mặt chữ, với cách cầm bút, tư thế ngồi sao cho đúng… nay phải học ở nhà, kể cả có phụ huynh kèm cặp thường xuyên thì cũng khó tránh khỏi những chuệch choạc.

Đó là chưa kể, một bộ phận giáo viên lớp 1 cũng gặp khó khăn khi thực hiện giảng dạy theo SGK mới nên nếu giảng dạy trực tuyến cũng cần đầu tư thêm thời gian, công sức để tìm phương pháp giảng dạy cô đọng, phù hợp với hầu hết các học sinh.

Đối với học sinh tiểu học, thói quen tự học của các em chưa cao, nhất là với các em lớp nhỏ như lớp 1, lớp 2. Do đó, khi học trực tuyến phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ và quản lý của phụ huynh học sinh. Với một số em học chậm, thầy Lê Ngọc Phong cũng kiến nghị giáo viên cần tăng cường trao đổi trực tiếp với phụ huynh mỗi ngày, để nắm bắt tình hình học tập và hướng dẫn cụ thể để đảm bảo các em tiếp thu được bài học theo yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động kịch bản ứng phó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO