Chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron

DIỆP ANH 30/12/2021 10:00

Đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Mới đây, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhắc nhở các quốc gia Đông Nam Á không nên buông lỏng cảnh giác trong bối cảnh thế giới đang lo lắng về “biến thể đáng lo ngại” Omicron.

Tăng cường kiểm soát

Bộ Y tế thông tin, ngày 25/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Châu Phi như Nam Phi, Botswana và đã xuất hiện tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Del-ta).

Tại Việt Nam, đến ngày 2/12 qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron. Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19; Yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi; Đồng thời Bộ Y tế đã báo cáo và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/ đi về từ các quốc gia trên.

Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2. Công văn nêu: Gần đây trên thế giới đã ghi nhận biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 và đang lây lan nhanh ra nhiều nước trên thế giới. Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.

Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta.

Cảnh giác với biến thể Omicron nhưng không hoang mang, lo lắng.

Cảnh giác, nhưng không quá lo lắng

Tại buổi làm việc với ông Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, ông John MacAr-thur, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) tại khu vực Đông Nam Á và ông Matthew Moore, Giám đốc chương trình An ninh y tế toàn cầu CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, để trao đổi thông tin về cách thức phòng, chống biến chủng Omicron, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến ngày 30/11, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 với biến thể Omicron.

Đối với người dân, Bộ trưởng tiếp tục khuyến cáo thông điệp 5K để thực hiện phòng chống dịch.

Tại buổi làm việc, đại diện WHO và CDC Hoa Kỳ đều nhấn mạnh đến 4 yếu tố trong việc kiểm soát và ứng phó với biến chủng Omicron.

Thứ nhất, tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến chủng Omicron.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bao phủ vaccine phòng Covid-19.

Thứ ba, tăng cường hệ thống y tế, chú trọng y tế cơ sở nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi có tình huống ca bệnh tăng cao, trong đó có ca bệnh mang biến chủng Omicron. Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gene các ca bệnh Covid-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới.

Lãnh đạo Bộ Y tế cùng đại diện các tổ chức đã thống nhất sẵn sàng chia sẻ và cập nhật kết quả giải trình tự gene các ca bệnh Covid-19 để có thêm thông tin cùng tìm phương pháp ứng phó. Các bên cũng thống nhất quan điểm tiếp tục đẩy nhanh công tác tiêm chủng, ưu tiên các đối tượng nguy cơ cao và đảm bảo tiêm chủng an toàn.

Về điều trị, Bộ Y tế và các bên đã bàn bạc theo tinh thần tăng cường năng lực y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, để đẩy mạnh mô hình điều trị tháp 3 tầng.

“Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với WHO, CDC trong công tác phòng chống dịch Covid-19, cũng như trong ứng phó với biến chủng mới. Người dân cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tuy nhiên không nên quá hoang mang, lo lắng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Quan trọng nhất là thực hiện “5K”

Bộ Y tế khuyến cáo: Dù với biến chủng nào, cách phòng lây nhiễm quan trọng nhất vẫn là vaccine và thực hiện tốt 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế). Trong đó, một số chuyên gia y tế cho rằng, hiện nay 5K là quan trọng nhất. Đặc biệt người dân cần thực hiện tốt đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn liên tục là then chốt. Thực tế cho thấy, nơi nào thực hiện tốt 5K thì không thể lây nhiễm mạnh được, còn nếu chủ quan thì kể cả có vaccine cũng vẫn có thể bùng phát dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO