Chủ động nguồn cung thực phẩm cuối năm

P.Vân 09/10/2021 06:28

Dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát và kinh tế từng bước khôi phục. Giới chuyên gia nhận định, ngành chăn nuôi cũng đang hồi phục và có thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán.

Thống kê mới nhất vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt gia súc, gia cầm các loại nhìn chung đều tăng. Tình hình sản xuất cơ bản được duy trì ổn định.

Tại hội nghị trực tuyến “Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 8/10, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng về cơ bản hoạt động sản xuất chăn nuôi vẫn được duy trì; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát. Tổng đàn lợn cả nước tháng 9/2021 khoảng 28 triệu con, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi cả nước trong 9 tháng ước đạt khoảng 2,9 triệu tấn.

Hiện đàn gia cầm cả nước có khoảng 523 triệu con, tăng khoảng 4,4% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm tiếp tục phát triển nhưng do nhu cầu thị trường giảm, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng gia cầm tồn đọng trong chuồng cao. Theo Cục Chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2021 cơ bản chủ động được nhu cầu thực phẩm hiện tại của người dân cả nước.

Theo kế hoạch sản xuất, sản lượng thịt các loại năm 2021 khoảng 6,2 triệu tấn; trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,82 triệu tấn; thịt gia cầm đạt khoảng 1,7 triệu tấn; thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 0,68 triệu tấn. Căn cứ tình hình sản xuất, nhu cầu của tiêu dùng cân đối giữa các vùng, cuối năm cơ bản chủ động được nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, một phần cho xuất khẩu.

Theo nhận định của ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thì từ nay đến cuối năm không lo thiếu thịt nhưng lo về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân. Dịch Covid-19 đã cho thấy, do chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo được quy định về an toàn thực phẩm nên nhiều chuỗi bán lẻ, siêu thị không nhập được hàng. Nhiều địa phương phải phụ thuộc nguồn hàng của địa phương khác…

Nhìn từ địa phương, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định nhận định, sẽ không xảy ra thiếu nguồn cung. Nhưng, riêng nguồn cung thịt lợn khó dự đoán. Bởi, vừa qua tiêu thụ thịt khó và hiện vẫn đang rất chậm. Bình thường, giờ đang là thời điểm tái đàn cho nguồn cung cuối năm, nhưng với giá lợn hiện nay (hơn 1 tháng qua, giá thành sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất), hầu như người chăn nuôi không tái đàn.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, địa phương có vùng chăn nuôi lớn nhất cả nước cho biết, dù chịu tác động của dịch Covid- 19 nhưng tình hình chăn nuôi của Đồng Nai vẫn phát triển ổn định với 2,4 triệu con lợn; 2,3 triệu con gà; 7,1 triệu con chim cút; mỗi tháng cung cấp cho thị trường 30.000 tấn thịt lợn, 20.000 tấn thịt gia cầm... Dự báo về tình hình cung ứng thực phẩm cho thị trường các tháng cuối năm, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ông Sinh nhận định, riêng trên địa bàn Đồng Nai, tổng đàn lợn vẫn duy trì được 80-90%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động nguồn cung thực phẩm cuối năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO