Chủ động, sáng tạo để vươn lên -

QUỐC ĐỊNH 09/12/2022 15:00

Hơn ¼ thế kỷ qua, kế thừa những thành quả từ giai đoạn tỉnh Sông Bé, cùng với khát vọng vươn lên, Bình Dương đã khai thác đúng, hiệu quả các lợi thế và thời cơ; đồng thời vượt qua nhiều thách thức để trở thành địa phương phát triển năng động về kinh tế, văn hóa - xã hội, ổn định về an ninh - chính trị. Bình Dương thực sự đang tiến dần đến địa phương giàu mạnh, văn minh.

Bài 1: Cuộc 'cách mạng' về nhân lực

Trong các điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của mình, Bình Dương xác định con người là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, quyết định tới tốc độ và chất lượng tăng trưởng, nhằm hoàn thành quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Trong các điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của mình, Bình Dương xác định con người là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, quyết định tới tốc độ và chất lượng tăng trưởng nhằm hoàn thành quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Nhờ có chính sách hợp lý mà Bình Dương đã thu hút được khá đông lao động từ khắp nơi về cống hiến cho tỉnh nhà.
Nhờ có chính sách hợp lý mà Bình Dương đã thu hút được khá đông lao động từ khắp nơi về cống hiến cho tỉnh nhà.

Chính sách căn cơ thu hút nguồn lao động

Từ năm 1997, khi vừa tái lập tỉnh, dân số Bình Dương có 679 ngàn người, mật độ 252 người/km2. Để đảm bảo nguồn nhân lực phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh, thành khác đến định cư, làm việc tại các khu công nghiệp (KCN). Điểm nổi bật trong chính sách thu hút nguồn nhân lực của Bình Dương là luôn tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội như y tế, giáo dục, bảo hiểm… mà không có sự phân biệt giữa người dân trong tỉnh, có hộ khẩu với người nhập cư chưa có hộ khẩu. Sự hấp dẫn ấy đã thu hút từ 80 - 90% lao động ngoài tỉnh đến làm việc tại các KCN của tỉnh Bình Dương.

Theo Cục Thống kê Bình Dương, dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh cả về số lượng và tỉ trọng, năm 2010 là hơn 1,3 triệu người, chiếm 76,4% dân số. Tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế chiếm tỉ lệ khá cao, năm 2000 là trên 83% và năm 2010 là 84%.

Ngoài ra, Bình Dương còn có nhiều biện pháp thu hút lao động phổ thông như xây dựng nhà ở cho công nhân miễn phí, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, bán nhà hoặc cho thuê đối với công nhân có thu nhập thấp, gửi thư ngỏ đến các tỉnh, thành để tuyển dụng lao động, khuyến khích thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nghề.

Về thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm (1997 - 2010) của tỉnh đã hình thành một đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý đa dạng, từ nhiều nguồn trong và ngoài nước đảm đương các nhiệm vụ trong yếu trong điều hành sản xuất, quản lý xã hội. Bình Dương còn tổ chức những chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, nghiên cứu phương thức quản lý tiên tiến, khoa học ở các nước phát triển. Hơn 100 doanh nghiệp xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn quốc tế.

Từ năm 2011, Tỉnh ủy Bình Dương ban hành chương trình “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015” nhằm nâng cao nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, tăng lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Thực hiện chương trình này, công tác đào tạo nghề cho người lao động được đẩy mạnh, hằng năm, số lượng học viên tốt nghiệp ở các cơ sở học nghề để cung ứng cho thị trường lao động bình quân hơn 30 ngàn người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tại tỉnh đạt hơn 70%.

Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có gần 10 trường đại học và mạng lưới cơ sở đào tạo nghề được phát triển khắp các huyện, thị xã, thành phố với 76 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mỗi năm, các cơ sở đào tạo nghề tuyển sinh khoảng 30 ngàn học viên, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Chỉ tính riêng năm 2017, toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho 45.500 lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%.

Thực hiện chương trình nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, Bình Dương đã xây dựng nguồn nhân lực với số lượng và cơ cấu ngành nghề hợp lý, phù hợp sự chuyển dịch kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa của tỉnh. Để thực hiện thành công Chương trình, tỉnh đã thưc hiện nhiều giải pháp như nâng cao nhận thức chung về vai trò của nguồn nhân lực đối với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và công tác hướng nghiệp, năng lực hoạt động của hệ thống các trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; các chính sách phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng lao động…

Trong phương hướng của Bình Dương đến năm 2030, tỉnh xác định tập trung phát triển ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động, thân thiện với môi trường; tập trung thu hút vào các KCN, cụm công nghiệp được quy hoạch. Chú trọng thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Riêng hai năm 2020, 2021, bình quân hàng năm tỉnh Bình Dương đã giải quyết việc làm cho trên 45 ngàn lao động. Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tỉnh đã khai thác môi trường hợp tác quốc tế mở ra nhiều cơ hội với việc tiếp thu những cơ chế, phương pháp, môi trường giáo dục - đào tạo có chất lượng cao trên thế giới, xây dựng một nền giáo dục chuyên nghiệp, tiên tiến của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Đồng thời, tỉnh đã khai thác môi trường hợp tác quốc tế cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mở ra cầu nối quan trọng giữa nguồn nhân lực của tỉnh với trình độ khoa học - công nghệ, tri thức tiên tiến nhất, mới nhất của thế giới, từ đó áp dụng vào các mục tiêu phát triển đa dạng của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng chú trọng đến công tác tự chủ đào tạo, nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng chú trọng đến công tác tự chủ đào tạo, nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực.

Hướng đến chiến lược bền vững

Mặc dù đạt được những kết quả rõ rệt nhưng so với yêu cầu phát triển hiện nay của tỉnh, nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng đủ cả về lượng và chất. Về lượng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn không chỉ thiếu lao động chất lượng cao mà ngay cả lao động phổ thông cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất và phát triển của doanh nghiệp.

Để khắc phục những hạn chế trên, Th.s Vũ Thị Yến Trường Chính trị Bình Dương cho rằng, cần phải làm cho tất cả mọi người nhận thức rõ vấn đề đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ của toàn xã hội. Do đó, nên khuyến khích sự nghiệp đào tạo nghề, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế, mọi tổ chức xã hội, mọi người lao động tham gia vào việc đào tạo, bồi dưỡng người lao động theo yêu cầu của thời kỳ mới.

Chú trọng đa dạng với nhiều hình thức đào tạo, học tập; phương thức đào tạo phải linh hoạt nhằm sớm giải quyết vấn đề nguồn lao động trình độ học vấn thấp và tình trạng yếu kém về chuyên môn kỹ thuật. “Việc đào tạo nghề cho người lao động nên phải có sự kết hợp tiến hành trong cả ba hệ thống: hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông trong hệ thống giáo dục; đào tạo cơ bản trong các trường, các lớp dạy nghề; bồi dưỡng tay nghề thường xuyên trong các doanh nghiệp”, bà Yến đề xuất.

Để nâng cao trình độ học vấn, trình độ tay nghề cho nguồn nhân lực cũng rất cần một cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng hợp lý, gắn kết trách nhiệm một cách thoả đáng rõ ràng giữa các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Phát triển khoa học công nghệ để tạo môi trường, điều kiện cho sự phát triển nguồn nhân lực cũng đang được đặt ra cấp bách. Đây là điều kiện tiên quyết, có ý nghĩa quyết định sự phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Sự phát triển công nghiệp hiện đại và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất là yếu tố khách quan quy định chất lượng của nguồn nhân lực.

Theo các chuyên gia, trước mắt, nên tập trung vào một số nội dung vừa cơ bản, vừa cấp bách như: Đảm bảo đầy đủ việc làm cho người lao động; quyền có việc làm và quyền được làm việc là một trong những lợi ích cơ bản của người lao động; giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người lao động là đòi hỏi khách quan của cuộc sống, của chính yêu cầu sản xuất, là tiền đề để nguồn nhân lực phát triển trên mọi phương diện; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội với thủ tục đơn giản, nhanh gọn và theo hướng có lợi nhất cho người lao động;

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách thu hút nhân tài, khuyến khích tài năng, tiếp cận khoa học công nghệ và kỹ thuật hiện đại; giải quyết tốt vấn đề nhà ở, nhà trẻ, trường học cho người lao động nhập cư và con em của họ.

Đề cập đến vấn đề này, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, "Trong thời gian qua, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực, trong đó có công tác thu hút và đào tạo nguồn nhân lực. Điều này tình hình kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của khu vực Đông Nam bộ và cả nước".

Ông Minh cho biết, thanh niên hiện chiếm 50% dân số toàn tỉnh Bình Dương nên công tác giáo dục bồi dưỡng, chăm lo cho thanh niên luôn được tỉnh Bình Dương quan tâm, tạo điều kiện để thanh niên phát huy hết khả năng của mình nhằm tạo nguồn lực cho xã hội, giúp thanh niên xác định đúng ước mơ, mục tiêu để khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh, cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo lao động có tay nghề, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động, sáng tạo để vươn lên -

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO