Chủ động thay đổi

V.Hà 31/10/2020 07:45

Trong 10 tháng của năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 439,82 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019.

Ảnh minh họa.

Trong tháng 10/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 51,2 tỷ USD, giảm nhẹ so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 1,2%.

Với kết quả ước tính trên, trong 10 tháng/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 439,82 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu 10 tháng năm nay tăng mạnh ở các nhóm hàng chủ lực là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,1 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 6,2 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,1 tỷ USD, sắt thép tăng 648 triệu USD và đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 599 triệu USD….

Đó là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, có được kết quả đó, không thể không nhắc đến vai trò của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số ít các nước có FTA với EU (chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore). EVFTA mở ra cơ hội và lợi thế xuất nhập khẩu đặc biệt cho Việt Nam và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Thế nhưng, ông Lộc cũng cho biết, hiện nay tỷ lệ tận dụng FTA còn thấp, do một số Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức còn hạn chế về các FTA. Nhiều ý kiến của các chuyên gia y tế cũng nhận định phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa nhận diện được các cơ hội cụ thể từ EVFTA cho doanh nghiệp mình, phần vì nội dung quá đồ sộ và phức tạp, phần vì chưa biết hoặc chưa triển khai những hành động cụ thể, thích hợp để tận dụng.

Muốn được hưởng các lợi ích mà hiệp định mang đến, nhất là hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi, theo ông Vũ Tiến Lộc, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải rất hiểu các cam kết để thực hiện tốt và hóa giải các thách thức. Đi vào cụ thể của vấn đề thì doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu về các FTA, chủ động thay đổi để thích ứng với các tiêu chuẩn cao.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị, nỗ lực một cách bền bỉ và liên tục để nắm bắt các cơ hội từ EVFTA thì dù có những háo hức lúc đầu nhưng sau đó dễ hụt hơi. Dẫn lại các bài học từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia trước đây, bà Lan cho biết, dù đã có những chỉ tiêu chúng ta đạt được nhưng vì mải chạy theo các chỉ tiêu đó trong khi vấn đề quan trọng nhất là tăng nội lực bên trong mạnh lên tương ứng thì chúng ta lại chưa làm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động thay đổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO