Chủ động tiếp nhận du học sinh về nước

Như Quỳnh 23/07/2020 06:30

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới khiến việc học tập của du học sinh (DHS) Việt Nam ở nước ngoài bị ảnh hưởng. Bộ GDĐT đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) về việc tiếp nhận DHS Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch.

Ảnh minh họa.

Từ công văn trên, nhiều sở GDĐT và các trường ĐH trong nước đã công bố quy định tiếp nhận, tạo điều kiện tốt nhất cho các DHS.

Tiếp nhận theo quy chế đào tạo

Trong tháng 7, Bộ GDĐT đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục ĐH, về việc tiếp nhận DHS Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19.

Công văn nêu rõ, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, việc học tập của một số DHS Việt Nam ở nước ngoài đã bị ảnh hưởng. Hiện nay, có nhiều DHS đã trở về nước và có nguyện vọng được tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.

Bộ GDĐT đề nghị các trường triển khai thực hiện một số công việc liên quan đến tiếp nhận DHS Việt Nam và sinh viên quốc tế. Bao gồm, xem xét, tiếp nhận các DHS Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, có đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Trong tuần qua, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố các yêu cầu tiếp nhận DHS Việt Nam cũng như sinh viên quốc tế có nhu cầu chuyển trường ĐH ở nước ngoài về học tại Việt Nam. Trường căn cứ vào chương trình học tập và kết quả học tập của sinh viên ở nước ngoài để xem xét miễn và công nhận tín chỉ cho sinh viên theo quy chế đào tạo.

Các DHS Việt Nam và sinh viên quốc tế có thể đăng ký học tập một số học phần theo nguyện vọng. Khi kết thúc học phần, sinh viên sẽ được nhà trường cấp chứng nhận hoàn thành học phần kèm theo kết quả học tập (course certificate).

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: “Trường sẽ tiếp nhận những sinh viên đã học một kỳ ở nước ngoài và sinh viên quốc tế có nguyện vọng tới Việt Nam học. Các em có thể ghi danh theo danh mục chương trình quốc tế. Chúng tôi sẽ kiểm tra tài khoản học tập, nếu còn có hiệu lực thì mới nhận. Còn những em đã bỏ học thì không thể nhận. Trường chỉ nhận những em đang học ở các trường có thứ hạng tương đương (hoặc cao hơn) thứ hạng của trường trong bảng xếp hạng ĐH của một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế uy tín”.

Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã thông báo những điều kiện để tiếp nhận DHS Việt muốn học tại Khoa. Đối tượng sẽ là DHS đã tốt nghiệp chương trình THPT hoặc tương đương ở nước ngoài, hoặc đang theo học chương trình ĐH tại nước ngoài, có đủ sức khỏe học tập theo quy định.

Căn cứ kết quả học tập ĐH ở nước ngoài và theo nguyện vọng, DHS sẽ được Khoa và đối tác xét công nhận, quy đổi điểm tương đương đối với một số học phần đã tích lũy (nếu có) phù hợp với khung chương trình đào tạo đăng ký xét chuyển tiếp theo quy định của Khoa Quốc tế, của ĐH Quốc gia Hà Nội và của đối tác liên kết.

Lưu ý chọn chương trình phù hợp

GS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, trường sẽ tiếp nhận các DHS có nhu cầu và đủ điều kiện học tập vào các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của trường. Hiện tại, trường đang triển khai 15 chương trình liên kết đào tạo quốc tế ở tất cả các bậc đào tạo: ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ.

Việc tiếp nhận sẽ dựa trên kết quả học tập, số tín chỉ DHS đã tích lũy trong thời gian học ở nước ngoài để xem xét miễn giảm hoặc học bổ sung tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), hiện cả nước có 352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, ở bậc ĐH có 195 chương trình, thạc sĩ có 150 chương trình và tiến sĩ có 7 chương trình. Số lượng sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đang theo học ước tính khoảng gần 30.000 người, hầu hết là trình độ ĐH, số ít còn lại là học viên thạc sĩ.

Trong đó, liên kết với các trường ĐH của Pháp có 91 chương trình; Vương quốc Anh: 71; Mỹ: 38; Úc: 27; Đức: 20; Đài Loan: 19; Trung Quốc: 10; Hàn Quốc là 8...

Bà Thủy khuyến cáo, người học có dự định theo học chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam và cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài cần lưu ý lựa chọn chương trình liên kết đào tạo hợp pháp là các chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bằng một quyết định cho phép thực hiện liên kết đào tạo (Bộ GDĐT phê duyệt hoặc các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ phê duyệt).

Theo phân tích của cán bộ phụ trách mảng đào tạo của các trường ĐH, việc về nước học thì đơn giản, nhưng sau khi hết dịch, sinh viên có tiếp tục ra nước ngoài học tiếp hay phải học trong nước cho đến khi tốt nghiệp ĐH thì còn tùy vào việc sinh viên học chương trình nào trong nước.

Bên cạnh các trường ĐH, các trường phổ thông cũng đang trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ các DHS Việt Nam về nước và sinh viên quốc tế.

Tin từ Sở GDĐT Hà Nội cho biết: Thực hiện chủ trương của Bộ GDĐT; Nhằm giúp các DHS không bị gián đoạn học tập, Sở GDĐT Hà Nội sẽ tiếp nhận hồ sơ của DHS có nguyện vọng học tập tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố và tổ chức kiểm tra. Nếu DHS đáp ứng được yêu cầu về kiến thức và các điều kiện theo quy định thì sẽ được tiếp nhận vào học theo chương trình ở trình độ tương đương. Việc tiếp nhận DHS được thực hiện ở cả các trường phổ thông công lập và ngoài công lập.

Quy định này đề cập việc tiếp nhận hai đối tượng học sinh: Thứ nhất, học sinh Việt Nam học tại các trường trung học ở nước ngoài có nguyện vọng vào học các trường THCS, THPT ở Việt Nam; thứ hai, học sinh người nước ngoài có nguyện vọng vào học các trường THCS, THPT ở Việt Nam…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động tiếp nhận du học sinh về nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO