Chủ động ứng phó bão số 13

M.Trang – T.Tùng 13/11/2020 08:00

Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 13, đảm bảo an toàn cho lực lượng, phương tiện cứu hộ, ngày 12/11, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ có công điện yêu cầu tạm dừng việc xử lý tràn dầu tàu JAKARTA mắc cạn, bị gãy; dừng trục vớt tàu Công Thành 27 và việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3.

Nhiều xã ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế đang bị ngập lụt sâu, trên diện rộng. Ảnh: Đỗ Trưởng.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu người dân thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, áp thấp nhiệt đới, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các huyện, thị xã và thành phố Huế thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó mưa bão, đồng thời khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh; đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công, hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn...

Đặc biệt, diễn biến mưa lớn diện rộng sắp tới có khả năng gây sạt lở, lũ quét và ngập úng tại Thừa Thiên – Huế. Vì vậy, người dân sống trong khu vực trọng điểm như ven biển, cửa sông, vùng thấp trũng, ngập úng, vùng núi hai huyện Nam Đông, A Lưới… được yêu cầu sơ tán, di dời đến nơi tránh, trú bão an toàn.

Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chủ động theo dõi tình hình diễn biến mưa bão để thông báo, chỉ đạo các chủ doanh nghiệp; hướng dẫn công nhân viên các khu công nghiệp nghỉ làm việc để đảm bảo an toàn cũng như chằng chống, bảo vệ tài sản, nhà xưởng phòng tránh lốc, gió mạnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý các tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn tại bến, khu neo đậu tránh trú bão; hướng dẫn người dân neo đậu an toàn và quản lý chặt ghe thuyền bãi ngang ven biển; gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi gió mạnh, mưa lũ lớn…

Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các chủ đập, chủ đầu tư, nhà thầu thi công triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, vùng hạ du; giải pháp bảo vệ an toàn hồ chứa nhỏ hoặc đang thi công.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc việc vận hành các hồ chứa nước để đưa dần về mực nước thấp nhất đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tránh gây lũ đột biến cho vùng hạ du…

Tại Đà Nẵng, chiều 12/11, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có công điện gửi lãnh đạo 7 quận, huyện trên địa bàn cùng sở, ngành liên quan, yêu cầu triển khai ngay các phương án sơ tán dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn.

Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trên tàu, thuyền đang neo đậu và trong lán trại công trình đang xây dựng. Kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết.

Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống dài ngày và sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn với phương châm “4 tại chỗ”.

Trên địa bàn Quảng Trị, từ ngày 11 – 12 /11, có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 200 – 300mm, mực nước trên các sông dâng cao. Trong đó, trên sông Ô Lâu tại Hải Tân, huyện Hải Lăng, mực nước xấp xỉ báo động 3, gây ngập lụt ở một số vùng thấp trũng, ven sông suối và cầu tràn, làm chia cắt cục bộ một số địa phương.

Hiện nay, lũ trên các sông ở Quảng Trị đều đang xuống. Cơ quan chức năng cảnh báo, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, các xã phía Tây các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng.

Đặc biệt chú ý sạt lở đất khu vực các xã: Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh thuộc huyện miền núi Hướng Hóa. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi huyện Cam Lộ. Nguy cơ xảy ra ngập úng vùng thấp trũng ven sông thuộc các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ, thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị.

Chiều 12/11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị đã gửi công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng triển khai biện pháp ứng phó với cơn bão số 13.

Cụ thể, các địa phương, đơn vị chức năng thông báo kịp thời đến chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, hướng dẫn kêu gọi các tàu, thuyền về nơi tránh trú an toàn; kiểm tra hướng dẫn việc chằng, neo tại các khu neo đậu, nhất là khu neo đậu quanh đảo Cồn Cỏ…

Dự kiến, từ chiều 14 -16/11, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ có mưa to đến rất to, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, biển động mạnh. Mực nước các sông có khả năng đạt báo động II đến báo động III, biển động dữ dội. Thời tiết trong những ngày tới còn diễn biến phức tạp và có khả năng mưa kéo dài đến ngày 17/11/2020.

Hiện nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, mưa vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, gây ngập lụt từ 0,4-1,5m đối với hơn 6.500 ngôi nhà. Tỉnh đã triển khai sơ tán, di dời hơn 2.100 hộ dân với hơn 6.400 nhân khẩu để đảm bảo an toàn tính mạng và của cải cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động ứng phó bão số 13

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO